|
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Cụ thể, VEC cho biết, hết quý I/2017, đã có gần 9,5 triệu lượt phương tiện lưu thông thông suốt trên các tuyến cao tốc doanh nghiệp này quản lý, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình phục vụ khoảng 3,3 triệu lượt phương tiện; cao tốc Nội Bài – Lào Cai là trên 2,2 triệu lượt phương tiện và cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây phục vụ hơn 3,8 triệu phương tiện.
Trong 3 tháng đầu năm mặc dù lưu lượng phương tiện tăng cao, nhưng trên các tuyến cao tốc chỉ ghi nhận 19 vụ tai nạn làm 03 người thiệt mạng và 21 người bị thương. Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn trên là do ý thức người tham gia giao thông chưa tuân thủ đầy đủ các quy định khi lưu thông trên đường cao tốc, như không giữ khoảng cách an toàn, ngủ gật, đi xe máy hoặc đi bộ băng qua đường cao tốc…
HIện, VEC duy trì hoạt động kiểm soát tải trọng xe trên các tuyên cao tốc đang quản lý. Ngoài hệ thống kiểm soát tải trọng đã trang bị và hoạt động trên 2 tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai và cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, trong quý I/2017 VEC tiếp tục đưa vào vận hành hệ thống kiểm soát tải trọng xe trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Tính đến cuối tháng 3/2017, đã có 640.000 lượt phương tiện được kiểm tra tải trọng, phát hiện 17.100 phương tiện chở quá tải với mức vượt tải trung bình từ 14% - 27%. Tất cả các trường hợp vi phạm đều được VEC từ chối phục vụ hoặc gửi lực lượng Cảnh sát giao thông C67 xử lý. Đặc biệt, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chỉ chưa đầy 1 tháng triển khai, đã có trên 3.000 phương tiện quá tải bị từ chối phục vụ; trung bình 6.500 – 7.500 phương tiện được kiểm soát/ngày đêm.
Ngoài ra, trong quý I/2017, VEC cũng từ chối phục vụ 11 phương tiện do vi phạm quy định dừng đỗ, đón trả khách trên đường cao tốc; 03 trường hợp sang tải trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai và 01 trường hợp vượt trạm, hành hung nhân viên thu phí trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Được biết, hiện VEC là chủ đầu tư 6 dự án đường cao tốc với tổng mức đầu tư khoảng 135.000 tỷ đồng. Trong đó có 3 tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác (cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc Nội Bài – Lào Cai và cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây) với chiều dài 350km.
Đánh giá về hiệu quả kinh tế - xã hội do hệ thống đường cao tốc đưa vào khai thác, theo Tổng cục Thống kê, quý I/2017, vận tải hành khách trong cả nước tăng 8,7%, vận tải hàng hóa tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, quý I/2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư của các địa phương có tuyến cao tốc đi qua như Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Đồng Nai… đều có sự tăng trưởng.