Vàng từ tro hỏa táng ở Nhật Bản: Ai sẽ được nhận?

Nhiều thành phố ở Nhật Bản đang bán kim loại lấy từ tro sau hỏa táng, trong bối cảnh ngày càng có nhiều yêu cầu về việc thiết lập quy định cho quy trình này, theo Nikkei Asia.
Palladium, vàng và bạc là những kim loại quý được tìm thấy trong hài cốt hỏa táng (Ảnh: Nikkei Asia)

Mỗi năm, Nhật Bản ước tính có hơn 1,5 triệu người chết và phần lớn trong số đó được hỏa táng. Tuy nhiên, trong khi luật đã quy định về việc xử lý các mảnh xương lớn, thường được gia đình nhận lại, thì việc xử lý phần tro còn lại và ai có quyền sở hữu chúng vẫn là những vấn đề pháp lý chưa rõ ràng.

Tro hỏa táng có thể chứa các vật liệu quý giá, như vàng và palladium từ các vật liệu nha khoa, cũng như titan từ các ca cấy ghép xương. Một số thành phố ở Nhật Bản bán những kim loại này để hỗ trợ chi phí cho các dịch vụ hỏa táng công cộng.

Một cuộc khảo sát vào tháng 7 cho thấy, trong số 88 thành phố lớn, có 42 thành phố (tương đương 48%) đã bán kim loại từ tro cốt. Hơn 70% trong số đó bắt đầu thực hiện từ năm tài chính 2010 trở đi.

Tổng doanh thu trong 5 năm tính đến năm tài chính 2023 đạt 6,49 tỷ yen (khoảng 45 triệu USD theo tỷ giá hiện tại). Với sự gia tăng số lượng người chết và giá kim loại, doanh thu trong năm tài chính 2023 cao gấp 3,4 lần so với năm 2019.

Ngoài những thành phố đã nói, còn 2 thành phố khác dự định bắt đầu bán kim loại từ tro. Thêm 16 thành phố khác cũng đang xem xét khả năng này.

Thành phố Kyoto đạt doanh thu 303 triệu yen trong năm tài khóa 2023, là thành phố có doanh thu cao nhất trong số các thành phố được khảo sát. Tiếp theo là Yokohama với 233 triệu yen, và Nagoya với 225 triệu yen.

Kyoto bắt đầu bán kim loại từ tro vào năm tài chính 2022. "Chúng tôi quyết định rằng việc sử dụng doanh thu từ kim loại chiết xuất từ tro để cải thiện điều kiện tại các lò hỏa táng, bao gồm việc nâng cấp chúng, là hợp lý", theo văn phòng y tế và phúc lợi của thành phố.

Yokohama, nơi chi khoảng 2,2 tỷ yen cho hỏa táng mỗi năm, sử dụng doanh thu này để trang trải chi phí.

Trong số các thành phố bán kim loại từ tro, 45% cho biết họ đã thông báo cho cư dân. Số còn lại chưa làm vậy hoặc không chắc chắn.

Trong khi đó, 46 thành phố không bán tro. Thay vào đó, tro được chôn cất trên đất công, xử lý bởi các nhà thầu bên ngoài, hoặc được loại bỏ theo cách khác. Thành phố Sagamihara, gần Tokyo, chi 44.000 yen mỗi năm cho việc loại bỏ tro theo hợp đồng. "Chúng tôi coi đây là một phần của hành động tôn trọng người đã khuất", một đại diện thành phố cho biết.

Khoảng 97% lò hỏa táng ở Nhật Bản thuộc sở hữu công. Tokyo là một ngoại lệ, khi các công ty tư nhân vận hành 7 trong số 9 cơ sở ở 23 khu vực của thành phố. Tokyohakuzen, đơn vị thực hiện khoảng 70.000 đợt hỏa táng mỗi năm tại 6 cơ sở, chưa công bố cách xử lý phần tro còn lại.

Tro hỏa táng cũng chứa các chất độc hại như dioxin và chromium hexavalent. Tuy nhiên, chính việc có kim loại quý trong tro lại gây ra khó khăn cho các thành phố.

Trong cuộc khảo sát tháng 7, khoảng 30% người tham gia muốn chính phủ trung ương thiết lập quy định. Đại diện thành phố Sapporo cho biết: "Các địa phương xử lý vấn đề này khác nhau có thể gây rắc rối cho cư dân".

Hơn 10% không thấy cần thiết phải có quy định áp dụng trên toàn quốc. Đại diện thành phố Saitama nói: "Mỗi khu vực lại có văn hoá hỏa táng riêng”.

Trong năm tài khóa 2023, đã có tổng cộng 655.000 vụ hỏa táng ở 88 thành phố, tăng hơn 10% trong vòng 5 năm. Số người chết ở Nhật Bản dự kiến sẽ đạt đỉnh vào năm 2040, khoảng 1,67 triệu người, theo Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh xã hội Quốc gia. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về việc xử lý tro.

Takako Tamagawa, phó giáo sư tại Đại học Nagoya Gakuin, cho biết: "Vì luật pháp không quy định rõ, nên vẫn chưa xác định được ai có quyền sở hữu phần tro còn lại".

"Bất kỳ thành phố nào quyết định bán kim loại từ tro nên công khai doanh thu và mục đích sử dụng để người dân hiểu rõ", bà nói. "Chính phủ trung ương cần nỗ lực tạo ra quy định, bao gồm cả cách xử lý tình huống tại các lò hỏa táng tư nhân".