Buồng “an lạc tử” tự phục vụ của Thụy Sĩ ra đời với giá chỉ 20 USD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trong những năm gần đây, vấn đề “An lạc tử” (nhẹ nhàng vĩnh biệt cõi đời) thu hút nhiều sự quan tâm nhưng do còn nhiều tranh cãi về mặt đạo đức nên vẫn là chủ đề nhạy cảm ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Khoang Sarco giúp người ta tự tìm đến cái chết nhẹ nhàng (Ảnh: ETtoday).
Khoang Sarco giúp người ta tự tìm đến cái chết nhẹ nhàng (Ảnh: ETtoday).

Một tổ chức mang tên "The Last Resort" của Thụy Sĩ mới đây đã thông báo dịch vụ an tử tự phục vụ sẽ được họ triển khai lần đầu tiên ở Thụy Sĩ trong vòng vài tháng tới. Ai muốn có thể dùng nó để tự kết liễu đời mình với chi phí rất thấp.

Giúp người bệnh ra đi một cách nhẹ nhàng

Được biết, "The Last Resort" (Nơi nghỉ ngơi cuối cùng) hồi năm 2019 đã trưng bày khoang "An lạc tử tự phục vụ" mang tên “Sarco” này tại Lễ hội thiết kế Venice. Sarco được sản xuất bằng công nghệ in 3D và trông giống như một cabin ngủ trong phim khoa học viễn tưởng. Khí Nitơ sẽ được bơm vào cabin và oxy sẽ dần bị loại bỏ. Người dùng sẽ dần lịm đi do thiếu oxy. Quá trình “an lạc tử” này có thể hoàn tất trong khoảng 10 phút, chi phí cho mỗi lần sử dụng dự kiến ​​là 20 USD.

Quá trình vận hành của viên nang Sarco hoàn toàn không cần sự hỗ trợ của nhân viên y tế và người dùng có thể tự kết liễu đời mình. Trước khi đóng cửa khoang, người dùng phải tự trả lời một loạt câu hỏi trên màn hình, bao gồm xác nhận danh tính, vị trí và xác nhận hậu quả của việc nhấn nút, trước khi quy trình “an lạc tử” được bắt đầu.

Khoang Scarco do nguoi su dung thao tac.jpg
Người sử dụng phải tự mình thao tác đóng nắp Sarco (Ảnh: ETtoday).

Viên nang Sarco dự kiến ​​sẽ được chính thức đưa vào vận hành trong năm 2024. Florian Willet, người phụ trách "The Last Resort", tiết lộ rằng hiện đã có một số người đã đặt chỗ trước để sử dụng cabin này.

"The Last Resort" khẳng định rằng cabin kiểu viên nang Sarco phù hợp với luật pháp hiện hành của Thụy Sĩ và cho rằng thiết bị này tuân thủ các quy định về trợ tử (assisted suicide) và người sử dụng nó có thể tự thao tác để kết thúc cuộc đời mình. Tuy nhiên, bang Valais ở phía tây nam Thụy Sĩ đã tuyên bố cấm sử dụng, trong khi các bang khác đang chờ đợi.

Vấn đề gây tranh cãi

“An lạc tử” (Cái chết êm ái hay cái chết êm dịu, tiếng Anh: “euthanasia”), đề cập đến việc cố ý thực hiện chấm dứt cuộc sống với mục đích làm giảm thời gian chịu đau đớn và đau khổ về mặt thể xác hoặc bởi các rối loạn tâm lý không thể chữa trị cho người bệnh bị mắc các chứng nan y lâu ngày không thể chữa trị, bệnh nhân và người nhà không muốn tiếp tục bị bệnh tật giày vò, được cả hai bên bệnh nhân và người nhà cùng các thầy thuốc đồng ý.

Các quốc gia khác nhau có những quy định riêng về “an lạc tử”. Ủy ban đặc biệt của Thượng viện Anh về Đạo đức y học, định nghĩa “an lạc tử là” là “một sự can thiệp cố ý được thực hiện với ý định rõ ràng nhằm kết thúc một cuộc đời, để xoa dịu sự đau đớn khó chữa”. Tại Hà Lan và Bỉ, nó được giải thích là “bác sĩ chấm dứt sinh mạng theo yêu cầu của người bệnh”, nhưng luật pháp Hà Lan không sử dụng từ “an lạc tử” mà là “giúp tự sát và chấm dứt sinh mạng theo yêu cầu”.

Đây là cách gọi thông thường chỉ hành động chấm dứt sự sống để giảm đau đớn. Trong cái chết êm dịu tự nguyện, người bệnh sẽ phải xác nhận sự tự nguyện của mình, thông qua hình thức pháp lý, xin bác sĩ chấm dứt sự sống của mình bằng các liệu pháp như: dùng thuốc độc hoặc ngừng chữa trị. Đây cũng là một trong những tranh cãi về quyền được chết.

Dựa vào việc đối tượng liệu có đưa ra sự chấp thuận hay không, “an lạc tử” có thể được phân thành ba loại: tự nguyện (Voluntary euthanasia), phi tự nguyện (Non-voluntary euthanasia), và không tự ý (Involuntary euthanasia). Mỗi loại trên còn được chia thành hai dạng là chủ động và thụ động; tuy nhiên một số tác giả cho rằng các thuật ngữ này “gây hiểu lầm và vô ích”. “An lạc tử chủ động” thường được một số quốc gia coi là tội phạm giết người, còn an lạc tử thụ động tự nguyện thì được chấp nhận tại một số nước. “An lạc tử thường bị phản đối trong nhiều luân lý tôn giáo, điển hình là Thiên chúa giáo phản đối mọi hình thức an lạc tử.

Theo ETtoday