Các nhà khảo cổ học tại Bảo tàng Tiền sử Bang Saxony-Anhalt ở Oppin, Đức – phía tây bắc Leipzig– trong tháng 4 vừa qua công bố rằng họ đã khai quật được một ngôi mộ độc đáo có niên đại từ thời kỳ đồ đá mới.
Khi đào sâu hơn, họ phát hiện ra một tảng đá lớn bằng phẳng dường như được cố tình đặt lên thi thể người quá cố. Hòn đá này “đè trên đôi chân của người chết”.
“Chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng hòn đá được đặt ở đó là có lý do. Có thể là để giữ người chết trong mộ và ngăn không cho họ quay trở lại”, bảo tàng viết trong một bài đăng trên Facebook.
Theo tạp chí Newsweek, những người sống trong khu vực trong quá khứ vốn sợ hãi những thứ mà họ gọi là "tín đồ", những linh hồn hoặc thi thể có khả năng trở về từ cõi chết.
Susanne Friederich, người quản lý dự án khai quật và là nhà khoa học làm việc cho Văn phòng Quản lý Di sản và Khảo cổ học bang Saxony-Anhalt, nói với tạp chí rằng người cổ đại đã cố gắng sử dụng phép thuật để ngăn chặn các “tín đồ” này quay trở lại.
“Hồi đó người ta tin rằng người chết đôi khi cố gắng tự giải thoát khỏi nấm mồ. Đôi khi, người chết được đặt nằm sấp. Nếu người chết nằm sấp, anh ta sẽ đào ngày càng sâu hơn thay vì chạm tới bề mặt”, bà Friederich nói.
Những ngôi mộ kiểu này được đặt tên là "mộ zombie", hay mộ xác sống. Và người nằm trong khu mộ mới được khai quật, khoảng 40 đến 60 tuổi khi chết, được chôn cất mà không có di tích văn hóa nào được chôn cùng.
Địa điểm này không phải là ngôi mộ xác sống đầu tiên được phát hiện ở châu Âu trong những năm gần đây.
Một nghiên cứu năm 2020 được công bố trên Tạp chí Khảo cổ học: Các báo cáo đã nêu ra trường hợp một người đàn ông được chôn cất trong tư thế ngồi với một nửa cơ thể lộ ra ngoài, khiến các nhà khoa học điều tra khả năng người này đã được chôn cất theo cách để ngăn ông ta di chuyển trong trường hợp trỗi dậy từ hầm mộ.
Rafael Garrido Pena, một nhà khảo cổ học thời tiền sử tại Đại học Tự trị Madrid ở Tây Ban Nha, nói với ấn phẩm trực tuyến Atlas Obscura rằng người châu Âu thời kỳ đồ đá mới tin rằng con người ta không thực sự chết và do đó, rất nguy hiểm cho đến khi thịt của họ bị phân hủy hẳn, chỉ còn lại những bộ xương.
Pena nói với tạp chí Newsweek rằng đã có nhiều ví dụ về các nền văn hóa thời kỳ đồ đá mới khai quật các thi thể chưa bị phân hủy hoàn toàn và sau đó chuyển chúng đến một ngôi mộ an toàn hơn, nơi về mặt lý thuyết, chúng sẽ ít gây ra mối đe dọa hơn.
Các nhà khảo cổ cho rằng thi thể mới được khai quật ở Đức đã từng được đào lên và di chuyển, bởi vị trí của thi thể khi chôn cất.
Kiểu an táng này cũng làm dấy lên những cách giải thích khác, ví dụ như một vụ hành quyết hay an táng mang mục đích văn hóa khác. Các nhà khoa học chưa phân tích đầy đủ địa điểm này, nhưng nỗi sợ hãi về thây ma của người xưa chắc chắn cũng được coi là một giả thuyết hợp lý.
Các nhà khảo cổ học tin rằng ngôi mộ này thuộc về một người thuộc nền văn minh Bell Beaker, từng trải rộng khắp châu Âu và tồn tại từ năm 2800-1800 trước Công nguyên. Nền văn hóa Bell Beaker được đặt tên như vậy vì họ sử dụng một bình uống nước giống như một chiếc chuông lộn ngược.
Tại sao bộ lọc AI "xấu xí" biến người thành đất sét gây bão trên mạng xã hội Trung Quốc?
Món ăn 2.000 năm tuổi của Trung Quốc "gây sốt" sau khi được Rihanna tự tay chế biến
Colombia triển khai đoàn thám hiểm khám phá xác tàu đắm 300 năm tuổi chứa kho báu tỉ USD
Theo SCMP