Do có sự chênh lệch múi giờ nên hiện tại các sàn giao dịch vàng khu vực Bắc Mỹ vẫn đang trong kỳ nghỉ cuối tuần và chưa chính thức trở lại giao dịch.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần (Thứ Sáu ngày 08/04), giá vàng giao tháng Tư trên sàn Comex tại Sở giao dịch New York Mercantile bật tiếp $6,30 (+0,5%) lên đóng cửa ở $1.243,80/oz; tương ứng tăng 1,7% trong cả tuần – mạnh nhất kể từ ngày 17/3, theo số liệu của FactSet.
Tương tự, giá bạc giao tháng Năm cũng bật 22,6 cents (+1,5%) lên chốt tuần ở $15,384/oz. Tính từ đầu tuần, bạc đã tăng giá tới 2% - mức cao nhất kể từ ngày 4/3.
Còn trên phương thức giao dịch điện tử, tính đến thời điểm 9h21’ sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay Comex đang đứng ở $1.250,74/oz.
Cùng lúc, tại thị trường châu Á, giá vàng miếng giao ngay trên sàn Kitco cũng được yết ở $1.250,80/oz.
Diễn biến giá vàng hôm nay ở thị trường châu Á.
Dự báo về diễn biến giá vàng tuần này, theo kết quả khảo sát được trang tin Kitco News thực hiện, cả giới đầu tư lẫn các chuyên gia đều tỏ ý khá lạc quan.
Một trong những lý do khiến giới đầu tư lạc quan về vàng trong ngắn hạn là vì giá vàng đã duy trì và thu hút người mua trên mức hỗ trợ quan trọng.
Greg Harmon, nhà sáng lập Dragonfly Capital, lưu ý rằng trong tuần qua, giá vàng đã duy trì ở trên ngưỡng trung bình 20 ngày và 50 ngày.
Mark Leibovits, Biên tập viên VR Gold Letter nhận định, đà tăng kỹ thuật của thị trường dường như đang hỗ trợ mức giá cao hơn.
Ban đầu, ông Leibovits từng dự đoán giá vàng sẽ giảm xuống 1.180 USD/ounce vào giữa tháng 4, sau đó tăng lên, nhưng giá vàng dường như lại đang có xu hương lên cao.
Sean Lusk, phụ trách phòng hộ thương mại tại Walsh Trading, nhận định, các quan điểm trái chiều trên thị trường - bất kể là về sức mạnh của USD, diễn biến của thị trường chứng khoán, lộ trình nâng lãi suất của Fed hay sự bất ổn của kinh tế toàn cầu - đều đang hỗ trợ giá vàng. Giới thương nhân hiện không muốn giá vàng giảm xuống dưới 1.210 USD/ounce nhưng đồng thời cũng không muốn giá kim loại quý này vượt mốc 1.250 USD/ounce.
Thị trường vàng đang chờ đợi thêm tin tức mới và cho đến khi nhận được, thị trường vẫn sẽ chỉ dao động trong phạm vi hiện tại, nhưng cũng có khả năng giá sẽ tăng, Sean Lusk cho biết.
Trong khi đó, Adrian Day, Chủ tịch Adrian Day Asset Management lại dự đoán giá vàng sẽ giảm trong ngắn hạn nhưng cũng cho biết thêm rằng thị trường vẫn còn nhiều "sức mạnh".
Theo giới phân tích, thị trường vàng vẫn nhạy cảm với số liệu kinh tế Mỹ, kể cả doanh số bán lẻ và chỉ số giá tiêu dùng. Giới đầu tư vàng sẽ đặc biệt quan tâm xem lạm phát có tiếp tục tăng hay không.
Tại thị trường trong nước, mở cửa phiên giao dịch sáng nay (Thứ Hai ngày 11/04), giá vàng SJC cũng đột ngột tăng mạnh.
Cụ thể, đến thời điểm 9h28’ sáng nay, giá vàng miếng SJC của Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang đứng ở 33,15 - 33,42 triệu đồng/lượng (MV-BR), tăng 100 nghìn đồng chiều mua và 140 nghìn đồng chiều bán so với chốt phiên trước đó.
Tương tự, tại Doji, giá vàng miếng SJC lại được Tập đoàn điều chỉnh tăng 130 nghìn đồng chiều mua và 140 nghìn đồng chiều bán lên yết ở 33,31 – 33,38 triệu đồng/lượng (MV-BR) đối với giao dịch lẻ; và đắt hơn 10 nghìn đồng chiều mua, đồng thời rẻ hơn 10 nghìn đồng chiều bán đối với giao dịch buôn ở thị trường Hà Nội. Hiện, doãng chênh lệch 2 chiều mua-bán ở Doji là 70 nghìn đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu đang được chào giá ở mức 33,31 – 33,36 triệu đồng/lượng (MV-BR). Trong khi, giá nhẫn tròn trơn loại Rồng vàng Thăng Long lại được yết ở 32,24 – 33,69 triệu đồng/lượng (MV-BR).
Còn chênh lệch nội – ngoại, quy đối theo tỷ giá hối đoái USD/VND mà ngân hàng Vietcombank đang niêm yết, tính ra giá vàng trong nước hiện đang thấp hơn thế giới khoảng 280 nghìn đồng đồng mỗi lượng (chưa tính thuế và chi phí gia công).
X.T