Thu phí đường cao tốc Nhà nước đầu tư cao hay thấp?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 130/2024 quy định thu phí phương tiện lưu thông trên cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.

Theo đó, 12 đoạn, tuyến cao tốc sẽ được thu phí gồm: Lào Cai - Kim Thành; Hà Nội - Thái Nguyên; TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương; Cao Bồ - Mai Sơn; Mai Sơn - quốc lộ 45; quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Cam Lộ - La Sơn; La Sơn - Hòa Liên; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây; Mỹ Thuận - Cần Thơ.

IMG_3459.jpeg
Cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45. Ảnh: Hoàn Như.

Có hai mức phí với hai loại cao tốc. Với cao tốc 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục (mức 1), mức phí thấp nhất từ 1.300 đồng/km (xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn), cao nhất là 5.200 đồng/km (xe tải trên 18 tấn, container 40 feet).

Với cao tốc 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp chạy liên tục (mức 2), mức phí từ 900 đồng/km đến 3.600 đồng/km tùy nhóm xe.

Chuyện thu phí này đã được bàn luận từ mấy năm nay.

Những người không ủng hộ cho rằng, việc thu phí này là thuế chồng thuế, bởi Nhà nước đã thu thuế và phí bảo trì đường bộ, sao bây giờ lại thu phí từ công trình đầu tư từ tiền thuế của dân?

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại cũng cần đặt câu hỏi, nếu không thu phí thì lấy đâu ra kinh phí để vận hành? Lấy đâu kinh phí để bảo trì, bảo dưỡng để các tuyến cao tốc bảo đảm an toàn cho các phương tiện lưu thông, kéo dài tuổi thọ của các tuyến cao tốc?

Chưa kể về lâu dài chủ trương thu phí các tuyến cao tốc hiện hữu do Nhà nước đầu tư sẽ tạo nguồn lực, có nguồn vốn để tiếp tục đầu tư các tuyến cao tốc mới, mở rộng các tuyến cao tốc để phát triển hệ thống giao thông đường bộ hiện đại. Đặc biệt, ở những địa bàn khó khăn như vùng núi, vùng sâu, vùng xa...những vùng này không thể áp dụng phương thức đầu tư BOT vì khó có khả năng hoàn vốn.

Bởi thế, trong bối cảnh nhà nước ta chưa giàu, trong khi đất nước đòi hỏi phải đẩy nhanh việc phát triển hạ tầng thì việc nhà nước đầu tư cao tốc và thu phí là phù hợp.

Vấn đề cần bàn là mức phí, dựa vào phương án mức thu phí tại Nghị định 130 do Chính phủ vừa ban hành, nếu ai đó thắc mắc, mức phí này cao hay thấp thì hãy so sánh với mức thu phí đang áp dụng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tuyến cao tốc được đánh giá tốt bậc nhất Việt Nam đầu tư theo hình thức BOT.

Mức phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng áp dụng đối với loại xe dưới 12 ghế ngồi (bao gồm ô tô con); Xe tải dưới 2 tấn và xe buýt, mức phí là khoảng 2.100 đồng/km. Trong khi đó, cao tốc do nhà nước đầu tư mức phí áp dụng cao nhất với loại xe dưới 12 chỗ là 1.300 đồng (đối với mức 1), thấp nhất là 900 đồng (đối với mức 2). Tức là mức giá cao tốc do nhà nước đầu tư thấp hơn 1 nửa so với cao tốc BOT.

Trong số dự án do nhà nước đầu tư như cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết… hiện có quy mô, tiêu chuẩn tương đương cao tốc đầu tư theo hình thức BOT hay PPP như Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Tuy nhiên, mức phí các dự án BOT hiện đang áp dụng từ 1.700 đến 6.400 đồng/km, cao hơn mức 1.300 đến 5.200 đồng/km phí cao tốc do nhà nước đầu tư.

Tính riêng tuyến đường bộ nối 2 trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là Hà Nội - TP.HCM, tổng quãng đường dài khoảng 1.700km, các phương tiện hiện tại chủ yếu di chuyển theo Quốc lộ 1A, xen kẽ với cao tốc BOT, PPP và cao tốc Nhà nước đầu tư (khoảng 538km hiện chưa thu phí). Theo Tổng Cục đường bộ, tuyến Hà Nội - TP.HCM hiện có 22 trạm thu phí (bao gồm trạm thu phí trên quốc lộ 1A và BOT, PPP).

Theo tính toán, nếu di chuyển qua 22 trạm thu phí trên đường từ Hà Nội đi TP.HCM hoặc ngược lại, các phương tiện nhóm 1 (xe dưới 12 chỗ) phải trả mức phí khoảng 980.000 đồng, còn phương tiện nhóm 5 (xe tải từ 18 tấn trở lên, xe container từ 40 feet trở lên) sẽ trả mức phí khoảng 4.300.000 đồng.

Sắp tới, nếu tuyến cao tốc Nhà nước đầu tư thu phí (gồm Cao Bồ - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) thu phí và các phương tiện ưu tiên di chuyển trên cao tốc do Nhà nước đầu tư (thay vì di chuyển trên quốc lộ 1A cũ hoặc cao tốc BOT) thì các phương tiện ở nhóm 1 sẽ trả mức phí hơn 1,5 triệu đồng, trong khi phương tiện nhóm 5 sẽ phải trả khoảng 6,1 triệu đồng trên hành trình Hà Nội - TP.HCM

Từ những tính toán trên, thoạt nhìn có thể thấy, khi cao tốc Nhà nước đầu tư thực hiện thu phí, chi phí người dân, hay doanh nghiệp vận tải logistics phải trả để di chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM sẽ tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, lý do tăng chi phí là do trước đây có những đoạn các phương tiện chỉ có 1 lựa chọn là đi trên quốc lộ 1A miễn phí thì nay có thể thay thế bằng cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Lợi ích dễ thấy nhất khi các phương tiện trả phí đi cao tốc là sẽ rút ngắn được quãng đường di chuyển, đường chất lượng hơn, an toàn hơn, cho phép chạy tốc độ cao hơn. Ví dụ như trước đây, nếu ô tô đi theo đường Quốc lộ 1A từ Hà Nội vào Hà Tĩnh mất khoảng 6 giờ thì nay chỉ cần hơn 4 giờ nếu tài xế chạy vào cao tốc Cao Bồ - Bãi Vọt do Nhà nước đầu tư.

Những đánh giá tác động chính sách thu phí đường bộ các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư của Bộ GTVT cũng chỉ ra rằng, chủ các phương tiện vận tải lưu thông trên các tuyến cao tốc phải trả phí ngoài tiết kiệm được thời gian, còn tiết kiệm được chi phí vận hành phương tiện như nhiên liệu, hao mòn xe.

Cụ thể, kết quả phân tích 12 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư cho thấy, so với đi trên quốc lộ song hành, phương tiện đi cao tốc sẽ tiết kiệm 25% chi phí vận hành và 75% thời gian vận chuyển.

Trong các loại phương tiện, xe khách từ 30 chỗ trở lên chạy cao tốc được hưởng lợi lớn nhất là 14.132 đồng/km; xe tải dưới 2 tấn đạt lợi ích thấp nhất là 1.174 đồng/km so với chạy trên quốc lộ song hành.

Loại phương tiện thu được lợi ích lớn nhất là xe khách từ 30 chỗ trở lên với con số tiết kiệm bình quân 14.132 đồng/xe/km, trong khi phương tiện vận tải thu được lợi ích thấp nhất là xe tải dưới 2 tấn, với mức tiết kiệm bình quân là 1.174 đồng/xe/km.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nói rằng, việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư bằng ngân sách theo ông là hợp lý, phù hợp vì các lý do sau: Thứ nhất khi đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước chi phí đầu tư không phải chịu lãi suất ngân hàng.

Thứ hai, cơ quan quản lý là đơn vị Nhà nước nên không tính toán đến lợi nhuận trong đầu tư như công trình đầu tư theo hình thức BOT. Hiệp hội đã tham gia góp ý và đồng tình với chủ trương thu phí cũng như mức thu.

Theo ông Quyền, hiện tất cả các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư đều đang có đường quốc lộ song hành. Theo đó, người tham gia giao thông có quyền lựa chọn di chuyển trên quốc lộ hiện có hoặc trả phí sử dụng đường cao tốc để hưởng chất lượng dịch vụ và lợi ích cao hơn.

Các doanh nghiệp vận tải logistics lựa chọn tuyến đường nào sẽ căn cứ vào yêu cầu vận tải như thời gian giao hàng, tốc độ lưu thông trên tuyến, chất lượng tuyến đường, không có nguy cơ ùn tắc để bảo đảm yêu cầu của khách hàng.

Anh 1.png
Mức phí trên tuyến cao tốc do Nhà nước quản lý (đơn vị đồng/km).