|
Chiến hạm hải quân Nhật Bản thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam |
Việt Nam: Sức mạnh cứng đến sức mạnh mềm ở Biển Đông
(tiếp theo kỳ trước)
Thứ năm, một cách tiếp cận mềm mỏng hơn đó là tự kiềm chế. Việc tự kiềm chế để trấn an Trung Quốc là nhân tố quan trọng trong cách tiếp cận vấn đề Biển Đông của Việt Nam. Theo chuyên gia Vuving, các nhà lãnh đạo và các nhà chiến lược quân sự cho rằng Trung Quốc, ý thức được sức mạnh vượt trội của mình, sẽ chiếm lấy thời cơ khi Việt Nam để mình bị kích động leo thang xung đột và sẽ áp đảo. Nhưng với Việt Nam, tự kiềm chế không chỉ là một thủ thuật để tránh bị khiêu thích mà còn là cách tiếp cận có hệ thống dựa trên niềm tin rằng mình có thể thuyết phục Trung Quốc về mong muốn hòa bình.
Để trấn an Trung Quốc, Việt Nam cũng đơn phương đặt ra giới hạn hành động cho mình. Một ví dụ rõ nhất chính là ‘chính sách ba không’: không tham gia vào liên minh quân sự nào; không cho phép nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam và không liên minh với nước khác để chống lại một nước thứ ba.
Thứ sáu, mềm mỏng hơn chính sách tự kiềm chế, chính sách ngăn chặn cũng là nhân tố quan trọng trong chiến lược của Việt Nam với Trung Quốc. Rất nhiều lãnh đạo và các nhà chiến lược cho rằng việc kiềm chế kết hợp với ngăn chặn sẽ là chìa khóa cho khả năng trường tồn của Việt Nam trước tham vọng của người hàng xóm trong hàng nghìn năm. Chiến lược linh hoạt thể hiện Việt Nam chấp nhận vị thế khiêm tốn trước Trung Quốc, giữ thể diện cho đối tác nhưng mặt khác Hà Nội cũng rất kiên quyết trong những vấn đề nguyên tắc đối với Trung Quốc.
Sự linh hoạt “biết mình biết người” đó có thể kể đến chuyến thăm Trung Quốc của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh sau cuộc khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981. Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã dự hội chợ thương mại tại Nam Ninh, Trung Quốc, trước khi tới Mỹ vào tháng 9/2014. Vào tháng 10, ông Phùng Quang Thanh đã dẫn đầu phái đoàn gồm 13 quan chức quân sự cấp cao tới Trung Quốc, trước chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tháng 11/2014.
Thứ bảy, đó là sự tin tưởng của Việt Nam vào sợi dây liên kết ý thức hệ. Trong khi chuẩn bị đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam hi vọng sợi dây liên kết ý thức hệ sẽ ngăn chặn được kịch bản tồi tệ nhất và phục vụ cho việc cô lập, phân chia và giảm mức độ cuộc xung đột. Căn cứ vào tình đoàn kết giữa hai nước, chiến lược này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các lãnh đạo quân sự và đảng cầm quyền. Những suy nghĩ tiềm ẩn được tuyên bố rõ ràng nhất bởi tướng Lê Văn Dũng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 12/2009, ông Dũng cho hay: “Khi xem xét vấn đề của Việt Nam với Trung Quốc ở Biển Đông, chúng tôi cố gắng hết sức để giải quyết và trong tương lai gần, chúng tôi sẽ thảo luận, đàm phán và phân định ranh giới rõ ràng trên biển với nước láng giềng. Do đó tình hình sẽ dần ổn định hơn và chúng tôi sẽ củng cố quan hệ với Trung Quốc để đối phó với những thách thức chung”.
Cho dù Trung Quốc ngày càng hung hăng trên Biển Đông, đáng chú ý nhất là việc hạ đặt giàn khoan HD-981 ở vùng biển của Việt Nam giữa năm 2014 đã gần như phá vỡ sự tin tưởng của Việt Nam đối với Trung Quốc, các lãnh đạo quân sự của Việt Nam vẫn hy vọng sự đoàn kết như một chiến lược để giải quyết vấn đề Biển Đông với Trung Quốc, ông Vuving đánh giá.
Theo chuyên gia Vuving, giai đoạn giữa 1990 và 2008, Việt Nam thực hiện rất ít những hành động nhằm quốc tế hóa vấn đề. Các chiến lược nổi bật nhất trong suốt khoảng thời gian đó là việc củng cố quân đội, sự hiện diện, sự tự kiềm chế và tinh thần đoàn kết. Căng thẳng tăng lên từ 2009 đã thay đổi cường độ và phạm vi các chiến lược của Việt Nam, với trọng tâm hiện nay là củng cố lực lượng, sự hiện diện và sự quốc tế hóa. Nhìn chung, cách tiếp cận của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông kết hợp giữa ngăn chặn với trấn an.
Cam kết của Mỹ
Mỹ là nước nổi bật nhất trong các bên liên quan ở Biển Đông với lợi ích quan trọng trong khu vực. Từ năm 2010, các lãnh đạo Mỹ nhiều lần tuyên bố rằng Mỹ có lợi ích quốc gia quan trọng trong tự do hàng hải và lợi ích quan trọng trong việc ổn định hòa bình và luật pháp cho các tranh chấp tại đây. Cả nền kinh tế Mỹ, sức mạnh toàn cầu của Mỹ và sự vượt trội trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương phụ thuộc vào các mức độ tự do và hòa bình trên các tuyến đường biển qua Biển Đông.
Ông Vuving cho rằng thực tế, ảnh hưởng của một cuộc phong tỏa ở Biển Đông đối với nền kinh tế Mỹ sẽ rất đáng kể nhưng không quá cao. Ít nhìn thấy được nhưng quan trọng hơn chính là vai trò của Biển Đông đối với sức mạnh toàn cầu của Mỹ. Uy thế của hải quân Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương mà Biển Đông là một phần quan trọng là chìa khóa đối với ưu thế trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, một trụ cột ủng hộ trật tự thế giới tự do do Mỹ dẫn đầu. Quan trọng là mối quan hệ giữa Biển Đông với lợi ích quốc gia Mỹ không trực tiếp và khó nhìn thấy được. Sự thật này khiến việc thuyết phục công chúng Mỹ về tầm quan trọng của Biển Đông đối với lợi ích Mỹ trở nên khó khăn hơn.
Cam kết của Mỹ với Biển Đông bị hạn chế bởi nhu cầu của Mỹ muốn giãn ra sau hai cuộc chiến đắt đỏ (Iraq và Afghanistan) và cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Trung Quốc đã tận dụng khoảng trống quyền lực này, tăng cường hành động xét lại trong khu vực. Tuy nhiên, khi những hành động của chủ nghĩa xét lại này trở nên rõ ràng hơn với công chúng Mỹ, cam kết của Mỹ với khu vực có thể lại được củng cố, chuyên gia Vuving nhận định.
Vai trò của Nhật Bản
Lợi ích của Nhật Bản ở Biển Đông về cơ bản đi liền với sự phụ thuộc của nước này vào các tuyến đường biển ở đây và sự ủng hộ trật tự khu vực do Mỹ dẫn đầu. Nếu Trung Quốc chiếm được những điểm nút chiến lược này, nó sẽ có khả năng cắt đứt tới 60% nguồn cung năng lượng của Nhật Bản và Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ trở thành nước bảo trợ và lãnh đạo trật tự khu vực mới. Một trật tự khu vực do Trung Quốc dẫn đầu phần lớn sẽ ít dân chủ và ít có lợi cho Nhật Bản hơn là trật tự hiện tại do Mỹ dẫn đầu. Do đó Nhật Bản chia sẻ với Mỹ và Việt Nam lợi ích quan trọng trong việc gìn giữ nguyên trạng trong khu vực. Vậy Nhật Bản có thể đóng vai trò gì trong việc duy trì ổn định ở Biển Đông?
Trước tiên, Nhật Bản và Mỹ không được Trung Quốc hoan nghênh nếu không muốn nói là phản đối can dự vào tranh chấp này Biển Đông. Đặc biệt là khi Nhật Bản cũng có tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông.
Thứ hai, Nhật Bản cũng không có khả năng đóng vai trò là nhân tố ngăn chặn bên ngoài. Nhật Bản thiếu các vũ khí hạt nhân và có lẽ phụ thuộc vào kinh tế vào Trung Quốc hơn là ngược lại, do đó nhìn chung Nhật Bản không thể đơn độc ngăn chặn Trung Quốc. Bởi vậy, vai trò chính của Nhật Bản vẫn là giữ cân bằng. Nhật Bản sẵn sàng ủng hộ Việt Nam chống lại ý đồ bành trướng, Tokyo đã cung cấp tàu cảnh sát biển cho Việt Nam và giúp Hà Nội tăng cường năng lực an ninh hàng hải.
Ông Vuving đặt câu hỏi nhưng thậm chí khi Nhật Bản kết hợp lực lượng với Việt Nam liệu có đủ sức để cân bằng Trung Quốc không? Đây là một câu hỏi thú vị đòi hỏi nghiên cứu nhiều hơn, nhưng nhìn thoáng qua về sức mạnh kinh tế kết hợp quân sự của hai nước thì thấy rằng hai nước này vẫn chưa đủ lực. Trung Quốc sở hữu một vài lợi thế quan trọng vượt trội so với liên minh Việt Nam- Nhật Bản, rõ ràng nhất là vũ khí hạt nhân và vai trò trung tâm trong kinh tế châu Á.
Theo chuyên gia Vuving, vai trò hiệu quả nhất của Nhật Bản trên Biển Đông là tạo điều kiện cho liên minh với Việt Nam, Mỹ và Philippines và một vài quốc gia khác có chung lợi ích trong việc gìn giữ nguyên trạng. Chỉ liên minh do Mỹ dẫn đầu mới có thể cân bằng với sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực. Với những lợi ích to lớn ở Biển Đông và nhận thức của giới tinh hoa về những lợi ích này, Nhật Bản có khả năng sẽ sẵn sàng giữ vai trò này.
Nhưng có một vấn đề với nước dẫn đầu liên minh: với khoảng cách địa lí và tâm lý với Biển Đông, Mỹ có thể là nước ít sẵn sàng nhất trong các thành viên trong liên minh. Đó có thể là nhân tố ngăn cản liên minh đơn phương leo thang xung đột nhưng nó có thể cũng là nhân tố khuyến khích Trung Quốc đánh giá thấp quyết tâm của các đối thủ và trở nên khiêu khích một cách nguy hiểm hơn.