National Interest: Trung Quốc “đóng cửa” Biển Đông, chuyện gì sẽ diễn ra?

VietTimes -- Sau việc đe dọa thiết lập vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông, liệu hệ quả kinh tế sẽ là gì nếu Trung Quốc đi xa hơn và quyết định đóng cửa toàn bộ khu vực bên trong cái gọi là “đường chín đoạn” mà nước này tự vẽ phứa ra? National Interest đặt câu hỏi.
Chiến đấu cơ Trung Quốc hoạt động trái phép ở khu vực quần đảo Hoàng Sa
Chiến đấu cơ Trung Quốc hoạt động trái phép ở khu vực quần đảo Hoàng Sa

Trung Quốc đã phát hành clip âm nhạc, các bài bình luận và rất nhiều chiến dịch tuyên truyền khác. đồng thời tàu hải quân của quân đội nước này khai hỏa để đáp trả phán quyết của tòa án quốc tế về vụ kiện Biển Đông mà Trung Quốc vẫn lên án là “vô hiệu lực”.

Nhưng sau việc đe dọa thiết lập vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông, liệu hệ quả kinh tế sẽ là gì nếu Trung Quốc đi xa hơn và quyết định đóng cửa toàn bộ khu vực bên trong cái gọi là  “đường chín đoạn” mà nước này tự vẽ phứa ra?

Dựa trên bản đồ năm 1947 của chính quyền Tưởng Giới Thạch, “đường lưỡi bò” của Trung Quốc choán gần 90% diện tích Biển Đông. Nó tương đương với diện tích của Mexico, mở rộng hơn 1.000 hải lý từ bờ biển Trung Quốc và bao gồm cả phần các khu vực lãnh hải thuộc chủ quyền của các nước Malaysia, Philippines, và Việt Nam. Trong khi Trung Quốc là nước hưởng lợi nhiều nhất từ việc tự do đi lại trong khu vực, thì nhiều quốc gia khác cũng phụ thuộc vào những tuyến đường biển qua vùng biển tranh chấp này như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc.

Theo ước tính mỗi năm có khoảng 5.000 tỷ USD hàng hóa vận chuyển qua Biển Đông, chiếm hơn một nửa khối lượng thương mại hàng năm của thế giới và ⅓ lượng giao thông hàng hải trên toàn thế giới. Dầu mỏ từ Ấn Độ Dương vận chuyển qua eo biển Malacca, đi qua Biển Đông đến Đông Á nhiều gấp 3 lần lượng dầu mỏ đi qua kênh đào Suez và gấp 15 lần lượng dầu đi qua kênh đào Panama.

Theo chuyên gia Robert D.Kaplan, khoảng ⅔ nguồn cung cấp năng lượng của Hàn Quốc, gần 60% nguồn cung năng lượng của Nhật Bản và Đài Loan và 80% lượng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc phải đi qua Biển Đông.

Các nhà phân tích ước tính chi phí thay đổi tuyến đường cho các tàu chở dầu đi qua eo biển Lombok và phía đông của Philippines sẽ tốn phí thêm khoảng 600 triệu USD/năm đối với Nhật Bản  và 270 triệu USD/năm đối với Hàn Quốc.

Phần lớn hàng hóa của Úc di chuyển qua Biển Đông là để cập cảng Trung Quốc. Nếu Trung Quốc cản trở các tuyến đường trên Biển Đông giữa Úc và các đối tác thương mại khác, sẽ khiến các nước buộc phải thay đổi tuyến đường cho khoảng 20 tỷ USD hàng hóa một năm.

Nguồn dự trữ dầu mỏ và khí đốt

Một lợi ích khác của Trung Quốc ở Biển Đông là tiềm năng to lớn về dầu mỏ và khí đốt mà Kaplan vẫn miêu tả là “vịnh Ba Tư thứ hai”.

Trung Quốc từng ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây ra một cuộc khủng hoảng vào năm 2014
Trung Quốc từng ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây ra một cuộc khủng hoảng vào năm 2014

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ ước tính rằng Biển Đông có trữ lượng khoảng 11 tỷ thùng dầu, tương đương với tổng trữ lượng dầu của Mexico và 190 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên, đáp ứng cho nhu cầu khí đốt của Trung Quốc trong vòng 28 năm. Tổng công ty dầu khí viễn dương quốc gia Trung Quốc đã đầu tư khoảng 20 tỷ USD nhằm nỗ lực chứng minh rằng Biển Đông có trữ lượng nhiều hơn, vào khoảng 125 tỷ thùng dầu và 500 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên.

Nếu những ước tính này chính xác và nếu các nguồn dự trữ này có khả năng tái tạo như các cuộc tranh luận vẫn đang bàn cãi, thì Biển Đông có thể sẽ có trữ lượng dầu lớn hơn bất kì nơi nào trên thế giới, kể cả Ả rập Xê út.

Tuy nhiên, những nguồn dự trữ này lại nằm rất sâu dưới đáy biển, do đó việc khai thác rất khó khăn và vô cùng tốn kém. Đối với nhu cầu năng lượng của Trung Quốc, các nguồn thay thế rẻ hơn luôn sẵn có và đặc biệt là nguồn dầu giá rẻ. Nhưng đối với Philippines và Việt Nam, việc mất quyền tiếp cận đối với kho dự trữ dầu mỏ và khí đốt tiềm năng này sẽ ảnh hưởng rất lớn về mặt kinh tế.

Quyền đánh bắt hải sản

Nguồn hải sản ven bờ biển Trung Quốc cạn kiệt do khai thác quá mức đã buộc các tàu đánh bắt phải ra xa khơi hơn, về phía nam thuộc vùng biển của Indonesia và gây ra nguy cơ xung đột ngày càng lớn.

Trong khi Trung Quốc vẫn đang tìm cách để đuổi các tàu đánh cá của nước khác ra khỏi Biển Đông từ năm 2012, việc đóng cửa toàn bộ khu vực sẽ gây thiệt hại rất lớn đối với Đông Nam Á. Đánh bắt hải sản chiếm gần 3% GDP của Indonesia và gần 2% của Malaysia, Philippines và Thái Lan.

Trung Quốc có sức mạnh mặc cả vì nước này là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nền kinh tế ở ASEAN. Theo số liệu của ASEAN năm 2014, Trung Quốc chiếm hơn ⅕ lượng nhập khẩu từ Đông Nam Á, trong khi EU chiếm ⅛ và Nhật Bản chiếm 1/10.

Trong khi các nhà phân tích như Malcolm Cook cho rằng Trung Quốc không đủ sức để áp dụng chính sách bá quyền khu vực, ngoại trừ với các nước như Lào, Campuchia và Myanmar, thì việc đóng cửa Biển Đông sẽ gây thiệt hại lớn cho Đông Nam Á cũng như là ngăn trở lưu thông hàng hóa tới các nền kinh tế lớn hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc.

Cho dù khủng hoảng có leo thang thì hậu quả kinh tế gây tổn hại nhiều nhất vẫn sẽ là sự sụp đổ thương mại ở một trong những khu vực cuối cùng trên thế giới còn duy trì được sự năng động kinh tế. Thậm chí ngay với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thì chi phí của việc đóng cửa Biển Đông sẽ lớn hơn nhiều so với lợi ích từ việc biến Biển Đông thành “ao nhà” của riêng nước này.

* Bài viết trên National Interest của tác giả Anthony Fensom là cố vấn với hơn 10 năm kinh nghiệm cho các ngành tài chính và truyền thông ở châu Á - Thái Bình Dương.