Mỏ sắt Quý Xa được Việt Trung khai thác từ năm 2008 giấy phép đến hết năm 2020, với công suất khai thác 3 triệu tấn/năm (giai đoạn 2011 đến hết năm 2020). Theo UBND tỉnh Lào Cai, Tố Như đã được Bộ Công Thương cho phép mua 180.000 tấn quặng từ mỏ sắt Quý Xa tại văn bản số 5450 ngày 30/7/2019.
Đến ngày 9/10/2019, Tố Như ký hợp đồng mua bán quặng sắt số 01-2019/QS/VTM-TN với Việt Trung để mua 216.000 tấn quặng sắt.
“Công ty TNHH Một thành viên Tố Như đã chào bán các sản phẩm đến các đơn vị luyện gang thép trong nước thông qua phương tiện thông tin đại chúng, (có tài liệu kèm theo), tuy nhiên tại thời điểm hiện nay các đơn vị trong nước không có nhu cầu mua sản phẩm quặng nêu trên”, UBND tỉnh Lào Cai trình bày với Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, ở đây có một điểm khá “lạ”. Đó là ngày 9/10/2019 – vừa là ngày Tố Như ký hợp đồng mua bán quặng với Việt Trung và cũng đồng thời cũng là ngày Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Lê Ngọc Hưng ký văn bản số 4753 gửi tới Bộ Công thương để trình bày việc “hiện nay các đơn vị trong nước không có nhu cầu mua sản phẩm quặng nêu trên”.
Văn bản ra trong ngày ấy, bên cạnh thông điệp về tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ doanh nghiệp, tốc độ xử lý hồ sơ đến ấn tượng của UBND tỉnh Lào Cai nhằm mục đích “tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị và bổ sung nguồn kinh phí để tái đầu tư sản xuất, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu công nghiệp trên địa bàn, và tăng thu ngân sách Nhà nước”, thì còn đặt ra những dấu hỏi.
Chẳng hạn, Tố Như đã thực hiện chào bán các sản phẩm đến các đơn vị luyện gang thép trong nước thông qua phương tiện thông tin đại chúng như thế nào (?); Hay có thực sự là “hiện nay các đơn vị trong nước không có nhu cầu mua sản phẩm quặng nêu trên” (?).
VietTimes đã liên hệ với một nhà sản xuất gang thép trong nước, đại diện doanh nghiệp này tỏ ra bất ngờ về thông tin chào bán quặng của Tố Như.
Theo vị này, sẽ khó có chuyện các đơn vị trong nước không có nhu cầu. Bởi lẽ, theo chia sẻ, cách đây ít tháng, một liên minh các nhà sản xuất thép trong nước đã có văn bản gửi Chính phủ và Bộ Công thương để xin giới thiệu các công ty bán quặng sắt trong nước. Nhóm này cam kết mua hết khối lượng quặng sắt theo giá thị trường để đỡ phải nhập khẩu. Tổng nhu cầu quặng sắt cho sản xuất của nhóm này được thống kê là lên đến gần 11 triệu tấn cho riêng năm 2019.
Bối cảnh thị trường hiện nay đang càng củng cố thêm nhu cầu này, khi mà vụ vỡ đập chứa chất thải tại mỏ quặng sắt Corrego do Feijao tại Brazil mới đây đã khiến nguồn cung quặng sắt toàn cầu trở nên khan hiếm. Theo đó, giá quặng sắt đã tăng 32% so với đầu năm, hiện giao dịch ở mức 92 USD/tấn. Thậm chí có những thời điểm, giá quặng sắt tăng 71%, lên 120 USD/tấn.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Lê Ngọc Hưng (SN: 1960), người ký văn bản số 4753/UBND-KT. (Ảnh: Internet)
|
Được biết, văn bản số 4753 của Lào Cai báo cáo Bộ Công Thương có nêu cả chi tiết, là trong thời gian Tố Như được phép xuất khẩu khoáng sản, nếu nhà máy sản xuất gang thép trong nước có nhu cầu sử dụng quặng sắt limonit của mỏ sắt Quý Xa làm nguyên liệu thì ưu tiên cung cấp, dừng ngay việc xuất khẩu.
Tuy nhiên, nếu Tố Như đã có giấy phép xuất khẩu quặng, điều gì sẽ đảm bảo doanh nghiệp này sẽ chỉ đồng ý bán cho các nhà sản xuất trong nước (?). Bên cạnh đó, có lẽ cũng nên đặt vấn đề là tại sao nhu cầu trong nước lớn như vậy nhưng Tố Như vẫn quyết muốn xuất khẩu quặng. Còn về phía UBND tỉnh Lào Cai, trước khi soạn và ký văn bản gửi lên Bộ Công thương, liệu tỉnh này đã thực hiện đầy đủ các bước nghiên cứu và kiểm tra thực tế (?).
Theo tìm hiểu của VietTimes, Công ty TNHH MTV Tố Như thành lập ngày 12/05/2009, đăng ký trụ sở chính tại số 10 đường Hoàng Sào, phường Duyên Hải, Tp. Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, Tố Như đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là Xây dựng nhà các loại (mã ngành: 4100), bên cạnh đó còn cung cấp nhiều ngành nghề khác như: buôn bán tổng hợp (4690), vận tải hàng hóa đường thủy nội địa (5022), kinh doanh bất động sản (6810),…
Giám đốc Tố Như đồng thời cũng là chủ sở hữu doanh nghiệp là ông Phạm Ngọc Nam, sinh năm 1957, đăng ký thường trú tại cùng địa chỉ trụ sở của công ty.
Liên quan đến việc xin cấp phép xuất khẩu quặng cho công ty Tố Như, trao đổi với PV VietTimes trưa nay 16/10, một lãnh đạo Bộ Công thương cho biết hiện Bộ này vẫn đang xem xét và chưa có ý kiến gì về vấn đề này. Nhưng tinh thần của Bộ, theo vị này, là "phải ưu tiên bán trong nước trước".
PV VietTimes cũng thử liên hệ tới số điện thoại lãnh đạo tỉnh Lào Cai để tìm hiểu thêm nhưng không có người bắt máy. Tuy vậy, dẫn lời trên một tờ báo mới đây, ông Lê Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, người ký vào văn bản ngày 9/10 kể trên, thừa nhận rằng đó là điều “bất hợp lý” và hứa sẽ xem lại. “Nếu họ mua của Công ty Việt - Trung mùng 9/10 mà bảo chào hàng rồi thì không đúng”, lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai nêu quan điểm.
Quyết định 2427/QĐ-TT ngày 22/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 xác định hướng triển khai thăm dò đối với các mỏ quặng sắt tiềm năng là tại các tỉnh Yên Bái, Lao Cai, Sơn La, Hà Giang, Phú Thọ, Bắc Kạn, Quảng Ngãi. Tinh thần quyết định nêu rõ hoạt động khai thác phải phục vụ dự án sản xuất gang thép trong nước, không xuất khẩu quặng sắt. Luật khoáng sản 2010 cũng quy định tại Khoản 7 Điều 3 Luật khoáng sản 2010 về việc Nhà nước có chính sách xuất khẩu khoáng sản trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội trên nguyên tắc ưu tiên đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước. Lào Cai vì muốn “tăng thu ngân sách Nhà nước” nên đã khẩn trương gửi văn bản xin Bộ Công thương cho xuất khẩu quặng sắt. Tuy nhiên có một thực tế là đang tồn tại hiện tượng một số doanh nghiệp xuất khẩu quặng sắt kê khai giá xuất khẩu thấp so với giá thực nhập vào các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, dẫn đến thất thu thuế cho nhà nước, “chảy máu” tài nguyên khoáng sản. Và đáng chú ý, số liệu “vênh” giữa hải quan Việt Nam và Trung Quốc về quy mô xuất khẩu còn dấy lên những cảnh báo về nguy cơ xuất lậu quặng./. |