Theo hãng tin Bloomberg đưa tin, VAIO (nay đã trở thành công ty riêng tách ra khỏi Sony) đang lên kế hoạch sáp nhập với bộ phận máy tính của hai hãng đối thủ Toshiba và Fujitsu vào đầu tháng tới. Vụ sáp nhập này hứa hẹn sẽ mang tới một luồng gió mới cho thị trường PC bởi gần như các hãng sản xuất PC này từ lâu đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng nhờ chất lượng và kiểu dáng bắt mắt.
Thông tin trên được Hidemi Moue, CEO của quỹ đầu tư Japan Industrial Partners hiện đang điều hành VAIO công bố mới đây. Bloomberg cũng cho biết, VAIO sẽ nắm giữ lượng cổ phần lớn nhất trong liên doanh PC siêu cường này.
Ý tưởng về chia sẻ nguồn lực, tiết kiệm chi phí cho nghiên cứu và phát triển (R&D) không còn là điều mới mẻ. Trong hàng thập kỷ qua không khó để thấy các nhà sản xuất PC, đơn cử như NEC (Nhật Bản) phải tự thu mình, liên doanh liên kết hoặc kiếm tìm một bến đỗ mới nhằm tránh sự suy giảm của thị trường PC.
Hồi năm 2011, NEC đã cùng Lenovo thành lập một liên doanh có tên Lenovo NEC Holdings B.V với giấy phép đăng ký tại Hà Lan. Như vậy việc sáp nhập cũng phần nào phản ánh xu hướng chung hiện nay của thị trường PC.
Một mất một còn
Có lẽ sáp nhập trong lúc này sẽ là giải pháp tối ưu nhất của nhiều nhà sản xuất PC có tiếng nhưng không có miếng như VAIO, Toshiba hay Fujitsu. Ảnh hưởng từ thông tin sáp nhập, ngay sau khi đóng cửa phiên giao dịch mới nhất, cổ phiếu của Toshiba đã tăng 8,2%, leo lên chạm mốc 174,7 Yen/cổ phiếu. Trong khi đó, Fujitsu cũng tăng 2,5%. Giá trị cổ phiếu của VAIO chưa được thống kê.
Liên doanh PC khổng lồ trên sẽ tập trung chủ yếu tại thị trường nội địa Nhật Bản và định hướng kinh doanh, chế tạo PC làm cốt lõi ngay từ ban đầu. Moue cho biết, liên doanh cũng sẽ nhắm tới thị trường ngoài nước bằng một số thiết bị có tiềm năng, ví như smartphone chạy Windows 10 và dự án sản phẩm robot đồng hành của VAIO mới đây.
Tuy nhiên, một nhà phân tích tại công ty Macquarie Group Ltd cho rằng, cách tiếp cận thị trường thông qua một liên doanh sáp nhập sẽ khiến cả ba hãng khó thành công tại các thị trường ngoài nước.
Thị phần của VAIO, Toshiba và Fujitsu vẫn chứng kiến đà suy giảm trên thị trường PC trong khi các tên tuổi có thương hiệu đứng vững từ lâu như Lenovo, HP hay Dell vẫn luôn duy trì được sự ổn định, thậm chí có lúc vụt lên.
Một dự báo gần đây của IDC cho biết, thị trường PC vẫn sẽ tiếp tục ảm đạm trong suốt năm 2016. Điều này phần nào càng gây thêm phần khó khăn cho các hãng sản xuất PC "thấp bé nhẹ cân".
Muốn đi ra biển lớn, phải "bá chủ" đất liền
Dự kiến công ty sáp nhập hình thành bởi liên kết giữa VAIO, Toshiba và Fujitsu sẽ chiếm tới khoảng 1/3 thị phần trên thị trường PC tại Nhật Bản. Đối trọng lớn nhất của cả ba chính là liên doanh giũa Lenovo và NEC như đã nói ở trên.
Theo IDC, liên doanh Lenovo NEC Holdings B.V chiếm khoảng 29% lượng PC xuất xưởng từ tháng 7 - 9/2015. Trong khi Fujitsu và Toshiba đứng sau với 17% và 12%. Thị phần VAIO chưa được tiết lộ.
Nếu liên doanh trên xuất hiện, khả năng vươn lên nắm thế dẫn đầu của ba hãng chắc chắn sẽ rất rộng mở. Chưa kể liên doanh này cũng sẽ hỗ trợ và bù đắp hiệu quả cho những khó khăn riêng của mỗi hãng.
Toshiba đã trải qua một cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử 140 năm qua kể từ khi thảm họa sóng thần đổ vào Nhật Bản năm 2011 và gần đây nhất là bê bối kế toán khai khống lợi nhuận. Đối với Fujitsu, thời kỳ doanh số bán PC và máy tính bảng tăng trưởng mạnh đã qua đi kể từ năm 2007. Còn với VAIO, sau khi tách ra khỏi Sony vào hồi giữa năm 2014 và hoạt động dưới sự điều hành của một quỹ đầu tư vẫn đang loay hoay trong việc chọn cho mình một hướng đi mới ngoài PC.
Hợp tác để thành công
VAIO sẽ công bố báo cáo lợi nhuận hàng tháng đầu tiên vào tháng Ba tới. Moue đồng thời hy vọng công ty sẽ có lãi sau khi kết thúc năm tài khóa vào tháng 5/2017.
Mặc dù mọi khẳng định trong thời điểm này là quá sớm nhưng nếu hợp tác suôn sẻ, liên doanh PC này sẽ có thể đương đầu với mọi thách thức và đối thủ khác một cách dễ dàng nhờ tinh thần kỷ luật và đồng lòng của người Nhật.
Hiện phát ngôn viên của Toshiba và Fujitsu vẫn từ chối bình luận về kế hoạch sáp nhập trên của cả ba hãng sản xuất PC.
Theo Tri thức trẻ