Vai trò dẫn dắt thị trường của BIDV và VCB

Công lớn trong việc đưa VN-Index lên mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay và vượt ngưỡng 1.000 điểm cuối tuần qua thuộc về cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Ngày đầu tiên của tháng 11, khi mà các thông tin về kết quả kinh doanh quí 3 đã trôi đi, và thị trường dường như sẽ chìm vào vùng trũng, thì BIDV chính thức công bố đã hoàn tất bán 15% cổ phần, tương đương 603 triệu cổ phiếu, với giá bình quân 33.640 đồng/cổ phiếu, trị giá tổng cộng 20.285 tỉ đồng, tức xấp xỉ 900 triệu đô la Mỹ, cho đối tác chiến lược KEB Hana Bank (Hàn Quốc). Đây là thương vụ chuyển nhượng cổ phần lớn nhất tính theo giá trị trong lịch sử ngành ngân hàng.

Hana Bank đã chuyển tiền mua cổ phần vào tài khoản của BIDV - Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, ông Phan Đức Tú, cho biết. Với nguồn tiền khủng này, vốn điều lệ của BIDV tăng lên 40.220 tỉ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu tăng mạnh hơn và ngân hàng có thừa nguồn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn của Basel 2. Đầu năm nay BIDV đã rất tự tin trong các cuộc đàm phán với Hana Bank và lãnh đạo ngân hàng tái khẳng định BIDV sẽ đạt chuẩn Basel 2 vào cuối năm. Kế hoạch của BIDV đang dần trở thành hiện thực.

Điều đáng nói là room nước ngoài, sau thương vụ với Hana Bank, vẫn còn rộng, đồng nghĩa với việc BIDV có khả năng còn có thêm cổ đông chiến lược ngoại. Việc tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính, mở rộng hạn mức cho vay khách hàng của BIDV rất tiềm năng. Bên cạnh đó, suốt từ năm 2017 đến nay, BIDV liên tục cải thiện chất lượng tài sản, tập trung vào xử lý nợ tồn đọng và trích lập dự phòng rủi ro ở mức tối đa. Hiện số dư trích lập dự phòng của BIDV đã cao hơn tổng số nợ xấu và BIDV có thể hoàn nhập dự phòng, cải thiện lợi nhuận bất cứ thời điểm nào nếu cần.

Xét trong số bốn ngân hàng hàng đầu hiện nay, thu nhập lãi thuần của BIDV trước dự phòng rủi ro cao nhất, cao hơn cả VCB và Agribank. Đây là một trong những điểm chính của cuộc đua cạnh tranh lợi nhuận cũng như các chỉ số ROA (lợi nhuận trên tài sản), ROE (lợi nhuận trên vốn sở hữu) trong hệ thống ngân hàng. BIDV không “trưng bày” những điểm sáng ra trước mắt, mà “lặng lẽ” để chúng ở phía sau.

Phải thấy rằng trong cuộc đua của các ngân hàng thương mại năm 2020-2021, những ngân hàng nào đã ký các hợp đồng bán bảo hiểm độc quyền với các tập đoàn bảo hiểm quốc tế và hạch toán ngay một khoản lợi nhuận lớn vào doanh thu từ mảng dịch vụ, thì sẽ khó nâng lợi nhuận dịch vụ hơn nữa khi mà các nghiệp vụ kinh doanh thẻ, ngoại hối, kiều hối, thanh toán xuất nhập khẩu... đã tới giới hạn. Tín dụng vẫn sẽ là nguồn thu mang lại lợi nhuận áp đảo. Hơn 900 triệu đô la Mỹ thu về lần này để bổ sung nguồn vốn là một lợi thế “trên cơ” của BIDV so với các ngân hàng khác. Vượt được thu nhập lãi thuần hàng năm trước dự phòng rủi ro của BIDV là một thách thức đối với tất cả các ngân hàng.

Trước khi bán cổ phần cho Hana Bank, vốn nhà nước tại BIDV chiếm 95,28%. Hiện Nhà nước đang gấp rút phê duyệt thương vụ chuyển nhượng này của BIDV và sau đó thị phần nắm giữ của Nhà nước sẽ giảm xuống. Trước mắt, BIDV trả cổ tức bằng tiền tổng cộng 14% cho hai năm 2017, 2018 và Nhà nước được nhận khoảng 4.500 tỉ đồng. Hiện trong số 4,72% cổ phiếu đang lưu hành của BIDV, nước ngoài đã nắm giữ 3,4%, theo dữ liệu HOSE, phần còn lại bên ngoài chỉ 1,32%, tương đương 45 triệu đơn vị.

Trong mười phiên giao dịch trở lại đây, khối lượng khớp lệnh của BIDV bình quân hơn 900.000 đơn vị/ngày, khá cao so với lượng cổ phiếu trôi nổi. Tính đến ngày 4-11-2019, thị giá của BIDV đang cao hơn 26,3% so với giá chuyển nhượng cho Hana Bank. Trong 10 tháng qua, cổ phiếu BIDV tăng 35%, trong khi VN-Index tăng 14,77%.

Một ngày trước thời điểm BIDV công bố bán cổ phần, VCB công bố nghị quyết hội đồng quản trị về việc thoái vốn tại Công ty Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank - Cardif, nơi VCB sở hữu 45% cổ phần. Việc thoái vốn này cộng với việc sẽ ký thỏa thuận phân phối bảo hiểm dài hạn qua ngân hàng của VCB với một tập đoàn ngoại quốc có thể mang về cho VCB một khoản tiền tương đối lớn, hàng trăm triệu đô la Mỹ. Năm nay cũng là năm lợi nhuận trước thuế của VCB có khả năng cán đích 1 tỉ đô la Mỹ.

Nguồn thu từ việc ký thỏa thuận bảo hiểm trên đảm bảo lợi nhuận năm 2020 của VCB sẽ ở tầm cao mới. Cổ phiếu VCB đã lên đỉnh cao nhất kể từ khi niêm yết và tăng gần 70% so với giá chuyển nhượng cho quỹ GIC Singapore hồi đầu năm.

Câu chuyện của BIDV và VCB là những điểm sáng trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên thị trường cũng còn nhiều mảng xám khi đa số các doanh nghiệp vốn hóa lớn khác đạt mức tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn và không có những hoạt động mua bán - sáp nhập doanh nghiệp hỗ trợ. Thị trường tiền tệ đang trong giai đoạn thuận lợi, nhưng cơ hội tận dụng ưu thế này không san sẻ đều cho mọi ngân hàng.

Theo TBKTSG

Link gốc: https://www.thesaigontimes.vn/td/296522/vai-tro-dan-dat-thi-truong-cua-bidv-va-vcb-.html

Theo https://www.thesaigontimes.vn/td/296522/vai-tro-dan-dat-thi-truong-cua-bidv-va-vcb-.html