|
Quần đảo quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một trong những điểm nóng tranh chấp lãnh thổ mà Trung Quốc phải đối phó (Ảnh: Dwnews). |
Theo South China Morning Post của Hồng Kông ngày 6/2, báo cáo của cơ quan tư vấn Center for Strategic and Budgetary Assessments (Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách, viết tắt CSBA) ở Washington công bố vào tháng 1/2021 cho rằng cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục và có tính toàn diện; Mỹ và các đối tác nước ngoài nên buộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) phải tăng chi phí cho các căn cứ và việc bố trí ở nước ngoài để gây áp lực lên Bắc Kinh.
Theo báo cáo, với sự phát triển và hiện đại hóa nhanh chóng, PLA sẽ vượt qua Tây Thái Bình Dương và thể hiện sức mạnh ở các chiến trường xa. Điều này có thể gây ra thách thức và đe dọa đối với Mỹ về nhiều mặt cả trong thời bình và khi có chiến tranh. Mỹ cần phải lợi dụng những điểm yếu chiến lược của Trung Quốc để đối phó với sự bành trướng này.
Báo cáo đã chỉ ra những điểm yếu nghiêm trọng và riêng biệt của Trung Quốc đặc biệt dễ bị tác động bởi áp lực bên ngoài; bao gồm:
Thứ nhất, vị trí địa lý của Trung Quốc là một điểm yếu rất rõ ràng, bị bao vây bởi các nước lớn và vừa cả trên bộ và trên biển.
Thứ hai, PLA phải duy trì đủ linh hoạt để đối phó với các cuộc khủng hoảng phức tạp xung quanh Trung Quốc, điều này sẽ ngăn PLA tập trung hoàn toàn vào sứ mệnh toàn cầu của mình.
Điểm yếu then chốt thứ ba là vấn đề hậu cần của Trung Quốc trong mạng lưới cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, liên quan đến nhu cầu chính trị, ngoại giao, luật pháp, kinh tế và vận hành.
|
Hai Chuỗi đảo là nơi cạnh tranh chiến lược quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc (Ảnh: CSBA). |
Báo cáo chỉ ra rằng Trung Quốc phải đồng thời cân nhắc cả chiến lược trên bộ và chiến lược trên biển để đối phó với các tranh chấp lãnh thổ và trên biển phức tạp với khu vực xung quanh; chẳng hạn như tranh chấp lãnh thổ Trung - Ấn, quần đảo Điếu Ngư (quần đảo Senkaku) với Nhật Bản, tranh chấp Biển Đông và phong trào đòi độc lập ở Đài Loan. Như vậy, Trung Quốc tiêu tốn rất nhiều tài nguyên cho các sự kiện đột phát, điều này sẽ gây thiệt hại cho kế hoạch toàn cầu của Trung Quốc.
Báo cáo khuyến nghị Mỹ và các đối tác nên tìm cách buộc Bắc Kinh phải phân tán các nguồn tài nguyên khan hiếm ra vùng biển gần và vùng biển xa, và nếu có thể, ra ngoài rìa Trung Quốc đại lục.
Báo cáo nhấn mạnh rằng nếu Trung Quốc muốn thể hiện sức mạnh của mình ra thế giới, họ cần có lực lượng hậu cần ở nước ngoài, đây chính là điểm yếu then chốt của Trung Quốc.
Ngoài ra trang Yeeyi của cộng đồng Hoa ngữ ở Australia ngày 6/1 đã đăng bài phân tích báo cáo của Đại học Quốc phòng Mỹ chỉ ra 3 điểm yếu lớn của PLA và 3 kế sách lớn của Mỹ.
Bài báo viết, cho dù có muốn thừa nhận hay không thì Trung Quốc và Mỹ cũng đã bước vào thời đại Chiến tranh Lạnh mới. Mỹ đã chủ động chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc và theo tư duy nhất quán của “ông chủ với kẻ thứ hai”, âm mưu đánh sập Trung Quốc và biến mình thực sự thành một quốc gia bá chủ độc nhất.
|
Trung Quốc mới thử nghiệm hệ thống đánh chặn tên lửa ddnj đạo giai đoạn giữa nhằm răn de Mỹ (Ảnh: Dwnews). |
Để đối phó Trung Quốc, Mỹ đã tung ra nhiều chiến thuật và tiếp tục nghĩ ra nhiều chiến thuật khác. Năm 2020, "vũ khí" của Đại học Quốc phòng Mỹ là rất hiểm độc, dù Trung Quốc biết rõ thủ đoạn của Mỹ cũng không dễ đối phó, thậm chí có người Trung Quốc bị Mỹ lợi dụng mà không tự mình nhận biết.
Nội dung báo cáo của Đại học Quốc phòng Mỹ được chia thành hai chủ đề: Thứ nhất, đâu là điểm yếu của PLA? Thứ hai, làm thế nào để lợi dụng điểm yếu của PLA?
Sau đây là đoạn trích từ bản dịch tiếng Trung của báo cáo này về các điểm yếu của PLA: “Điểm yếu chung của PLA là phải xử lý nhiều nhiệm vụ. Cụ thể, bao gồm: do sự cạnh tranh giữa các nhiệm vụ nên khó xác định trình tự ưu tiên của các nhiệm vụ; lực lượng bên ngoài Chuỗi đảo thứ nhất còn mỏng yếu; cơ cấu chỉ huy các Chiến khu khi hành động phức tạp; thiếu chế độ luân chuyển khiến các sĩ quan chỉ huy không tiếp xúc được các loại vấn đề khác nhau. Sự không tín nhiệm tiềm tàng giữa các chỉ huy quân sự và chính trị cũng có thể làm giảm lòng tin của các nhà lãnh đạo dân sự, khiến họ không chắc liệu PLA có thể chứng minh được khả năng của mình trong chiến tranh hay không.
|
Biển Đông vẫn là điểm nóng đối đầu quân sự Mỹ - Trung. Trong ảnh: cụm tác chiến tàu sân bay Roosevelt tập trận trên Biển Đông (Ảnh: US Navy). |
Điểm yếu thứ nhất:
Sự khống chế tập trung các quyết định hành động sẽ mang lại nhiều rủi ro. Trước hết, do cần phải có sự ủy quyền hành động ở chiến trường từ cấp cao hơn, nên có thể làm lỡ mất thời cơ chiến đấu, khiến đối phương nắm được quyền chủ động trong cục diện thay đổi nhanh chóng. Thứ hai, bởi vì Bộ Tham mưu liên hợp tập trung vào việc kiểm soát các chi tiết tác chiến ở hướng chiến lược chính, nên nếu việc uy hiếp thất bại, Bộ Tham mưu liên hợp có thể không xử lý được xung đột leo thang ở khu vực khác, cũng như không thể cân nhắc chính xác ưu và nhược điểm của việc bố trí lại quân lực. Ngoài ra, một hệ thống như vậy cũng đòi hỏi Bộ tham mưu liên hợp phải duy trì liên lạc đáng tin cậy với các đơn vị từ cấp Chiến khu trở xuống. Để giải quyết vấn đề này, PLA đã cố gắng “triển khai một mạng lưới liên lạc mạnh mẽ và dư thừa để nâng cao nhận thức tình huống của các sĩ quan chỉ huy”. Tuy nhiên, một khi hệ thống trung tâm bị gián đoạn, nó có thể làm tê liệt lực lượng cấp dưới.
Điểm yếu thứ hai
Có một số nhược điểm có thể hạn chế sự đảm bảo hậu cần của PLA trong các cuộc xung đột thực tế. Đầu tiên là thiếu năng lực vận tải hàng không chiến lược. Trong kho hiện tại của Trung Quốc chỉ có 20 máy bay vận tải Il-76 do Nga sản xuất và 12 máy bay vận tải Y-20 sản xuất trong nước, cùng 50 máy bay vận tải cỡ nhỏ Y-8. Lượng dự trữ này ít hơn nhiều so với số lượng cần thiết để huy động quân đội trong nội bộ và giữa các Chiến khu trong chiến tranh. Tuy nhiên, việc sản xuất Y-20 liên tục trong vài năm tới sẽ giảm bớt vấn đề này. Thứ hai, PLA có thể dựa quá nhiều vào công nghệ thông tin để theo dõi việc cung cấp nguyên vật liệu trong toàn bộ mạng lưới kiểu phân tán, chẳng hạn quản lý hệ thống định vị toàn cầu và hàng tồn kho bằng máy tính. Tuy các hệ thống này giúp đạt được hậu cần "chính xác" trong khoảng cách xa, nhưng chúng sẽ trở thành những mắt xích yếu nếu bị kẻ thù phá hủy. Thứ ba, có những dấu hiệu cho thấy, mặc dù có hệ thống quản lý tập trung, lực lượng đảm bảo hậu cần chung vẫn thuộc quyền hạn quản lý của cấp Chiến khu trong thời chiến. Mặc dù điều này có lợi cho việc thống nhất chỉ huy ở cấp Chiến khu, nhưng nếu các chỉ huy ở các Chiến khu khác nhau có ý kiến bất đồng về các quyết định liên quan, thì việc chuyển giao nguồn lực giữa các Chiến khu sẽ càng trở nên phức tạp hơn.
|
Việc các sĩ quan chỉ huy không được luân chuyển ra ngoài các chiến khu bị coi là một điểm yếu ảnh hưởng đến sức mạnh của PLA (Ảnh: Reuters). |
Điểm yếu thứ ba
Việc thiếu hệ thống luân chuyển cũng là một điểm yếu của PLA. Các sĩ quan PLA dành phần lớn sự nghiệp của họ trong cùng một Chiến khu, chỉ đến khi họ được thăng cấp thành sĩ quan cấp cao mới được luân chuyển. Hệ thống này có tính hai mặt. Một mặt, các sĩ quan có thể hiểu biết sâu sắc các vấn đề trong khu vực cụ thể của họ, nhưng do thiếu kinh nghiệm xử lý các thách thức khác đã làm giảm đi năng lực thích ứng nhanh với tình hình mới. Trong các cuộc chiến tranh vượt khỏi phạm vi chiến khu, các vấn đề do cơ cấu chỉ huy phức tạp của PLA gây ra có thể càng trở nên trầm trọng hơn bởi chế độ nhân sự này. Do các nhân sự trong Bộ Tham mưu liên hợp, Chiến khu Miền Đông và các chiến khu khác thiếu mối liên hệ cá nhân sâu sắc, thiếu hiểu biết về chức trách của nhau cũng như điểm mạnh và điểm yếu của cá nhân, có thể sẽ cản trở việc ra quyết sách và thực hiện nhanh chóng. Hệ thống luân chuyển đã được các chiến lược gia Trung Quốc thảo luận trong mấy năm, nhưng đến nay vẫn chưa được thực thi”.