Tổng thống Mỹ Joe Biden: Trung Quốc là đối thủ nguy hiểm nhất nhưng vẫn có thể hợp tác

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 4/2, Tổng thống Mỹ Biden đã có bài phát biểu về chính sách đối ngoại đầu tiên, cho rằng Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh nguy hiểm nhất của Mỹ, nhưng ông vẫn sẵn sàng hợp tác nếu phù hợp lợi ích của nước Mỹ.
Ông Joe Biden tuyên bố Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh nguy hiểm nhất của Mỹ, nhưng sẽ vừa cạnh tranh vừa hợp tác với Bắc Kinh (Ảnh: Dongfang).
Ông Joe Biden tuyên bố Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh nguy hiểm nhất của Mỹ, nhưng sẽ vừa cạnh tranh vừa hợp tác với Bắc Kinh (Ảnh: Dongfang).

Theo trang tin Hồng Kông Dongfang (Đông Phương) ngày 5/2, hôm thứ Năm (4/2), khi Joe Biden đến thăm Bộ Ngoại giao Mỹ lần đầu tiên kể từ sau khi nhậm chức, ông nói: "Chúng ta sẽ trực tiếp đối phó với Trung Quốc, đối thủ nguy hiểm nhất (most serious), kẻ gây ra thách thức lớn nhất về các giá trị dân chủ, an ninh và sự phồn vinh của chúng ta. Chúng ta sẽ đối đầu với những thói xấu xa về kinh tế của Trung Quốc, chống lại hành vi hung hăng của họ để ngăn chặn các cuộc tấn công của Trung Quốc vào nhân quyền, quyền sở hữu trí tuệ và quản trị toàn cầu”. Nhưng sau đó Joe Biden cũng bày tỏ: “Nhưng khi phù hợp lợi ích của Mỹ, chúng ta sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh".

Trong bài phát biểu của mình, ông Biden đã công bố một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ, ông nhấn mạnh: "Nước Mỹ đã trở lại, và ngoại giao đã trở lại là vấn đề trọng tâm". Một trong những thay đổi lớn là ông tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt hỗ trợ cho cuộc tấn công của Ả Rập Saudi nhằm vào phong trào nổi dậy Houthis ở Yemen, cho rằng cuộc xung đột này đã gây ra thảm họa nhân đạo và chiến lược, đồng thời ông sẽ bổ nhiệm một đặc phái viên tập trung giải quyết cuộc xung đột khu vực kéo dài này.

Trong bài phát biểu của mình, ông Biden nói: “Tôi đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo của nhiều đồng minh thân cận nhất của chúng ta, bao gồm Canada, Mexico, Vương quốc Anh, Đức, Pháp, NATO, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, để bắt đầu thiết lập lại thói quen hợp tác và xây dựng lại ‘cơ bắp’ của liên minh dân chủ, vốn đã bị bỏ quên trong vài năm qua, và tôi nghĩ rằng vẫn còn sự lạm dụng, điều này đã gây ra 'teo cơ'”.

Theo ông Biden, trước khi tiếp xúc với Trung Quốc, Mỹ phải đạt được nhất trí với các đồng minh (Ảnh: AP).

Theo ông Biden, trước khi tiếp xúc với Trung Quốc, Mỹ phải đạt được nhất trí với các đồng minh (Ảnh: AP).

Ông Biden cũng tuyên bố rằng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin sẽ xem xét lại việc triển khai quân đội Mỹ trên khắp thế giới và trong khi việc rà soát đang được tiến hành, việc rút quân đội Mỹ ra khỏi Đức sẽ bị đình chỉ. Ngoài ra, ông Biden cũng thông báo có ý định tăng mức trần tiếp nhận người tị nạn, nhưng không đề cập đến con số cụ thể. Trước đó, có thông tin cho rằng ông Biden đã lên kế hoạch tăng mạnh giới hạn số người tị nạn Mỹ thu nhận hàng năm từ 15.000 người thời cựu Tổng thống Donald Trump lên tới 125.000 người.

Trong bài phát biểu của mình, ông Biden cũng kêu gọi quân đội Myanmar, lực lượng vừa phát động cuộc đảo chính, hãy từ bỏ quyền lực, trả tự do cho tất cả các quan chức và nhà hoạt động bị bắt, dỡ bỏ các hạn chế thông tin liên lạc và tránh bạo lực. Ông cũng kêu gọi chính phủ Nga trả tự do ngay lập tức cho nhà lãnh đạo đối lập Navani .

Trong khi đó, trang tin Hoa ngữ Dwnews (Đa Chiều) cùng ngày 5/2 cũng đưa tin, nói: Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu về chính sách đối ngoại đầu tiên sau khi nhậm chức vào ngày 4/2, nhấn mạnh "vừa cạnh tranh vừa hợp tác" với Trung Quốc. Các chuyên gia Mỹ chỉ ra rằng bài phát biểu của ông Biden đã định ra âm điệu cho quan hệ Trung - Mỹ và ông Biden có thể sớm có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trang tin dẫn nguồn CNN nói, ngày 4/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại sau khi nhậm chức, đã nhấn mạnh rằng chính quyền Biden sẽ tập trung vào hợp tác với các đồng minh.

Hiện ông Biden vẫn chưa xác định thời điểm trao đổi điện thoại với ông Tập Cận Bình (Ảnh: AP).

Hiện ông Biden vẫn chưa xác định thời điểm trao đổi điện thoại với ông Tập Cận Bình (Ảnh: AP).

Ngoài ra, trước khi phát biểu của mình, Biden đã nói trong một cuộc không chính thức: “Chúng ta sẽ xây dựng lại liên minh của mình, kết nối lại với thế giới, đáp ứng những thách thức lớn mà chúng ta phải đối mặt, đối phó với dịch bệnh, đối phó với sự nóng lên toàn cầu và một lần nữa bảo vệ dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới”.

Theo Đa Chiều, ông Biden nhấn mạnh rằng để cạnh tranh tốt hơn, trước tiên Mỹ phải xử lý tốt các vấn đề trong nước, sau đó liên kết với các đồng minh để chiếm một vị trí trong cộng đồng quốc tế và xây dựng lại uy tín cùng quyền uy đạo đức của Mỹ.

Ông Biden nói, các liên minh của Mỹ "là tài sản lớn nhất của chúng ta" và Mỹ sẽ sát cánh với các đối tác.

Các chuyên gia về quan hệ Trung - Mỹ cho rằng nhận xét của Biden đặt ra âm điệu cho quan hệ Mỹ - Trung trong tương lai, đó là Hoa Kỳ và Trung Quốc "cạnh tranh và hợp tác". Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng ông Biden dự kiến ​​sẽ sớm có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Robert Ross, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Fairbank thuộc tại Đại học Harvard và là giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Boston, nói rằng bài phát biểu đầu tiên của ông Joe Biden về chính sách đối ngoại sau khi vào Nhà Trắng đã thiết lập âm điệu cơ bản tương lai cho chính sách Trung Quốc của Mỹ và Quan hệ Mỹ - Trung.

Giáo sư Robert Ross nói: "Chúng ta có thể hợp tác trong lĩnh vực nào, lĩnh vực nào chúng ta có thể cạnh tranh, và lĩnh vực nào chúng ta có thể nỗ lực để làm dịu căng thẳng".

Robert Ross chỉ ra rằng trong hai tuần kể từ khi Biden nhậm chức, cộng đồng quốc tế và dư luận đã có nhiều suy đoán về hướng đi trong tương lai của chính sách đối ngoại của Mỹ.

"Đối mặt với di sản của mối quan hệ Mỹ - Trung dưới thời chính quyền Donald Trump, chính quyền Joe Biden phải nhanh chóng quyết định xem có nên giữ chính sách hiện tại hay điều chỉnh một số chính sách giữa những ý kiến ​​trái chiều này".

Ông Robert Ross nói rằng mặc dù hiện tại không thể đoán được khi nào ông Biden sẽ điện đàm với ông Tập Cận Bình, nhưng cuộc gọi như vậy sẽ không thực sự có bất kỳ tác động nào đến chính sách đối ngoại.

vấn đề Đài Loan cùng với Hồng Kông, Tân Cương đang là những nút thắt khó tháo gỡ trong quan hệ Mỹ - Trung (Ảnh: Dwnews).

vấn đề Đài Loan cùng với Hồng Kông, Tân Cương đang là những nút thắt khó tháo gỡ trong quan hệ Mỹ - Trung (Ảnh: Dwnews).

Robert Ross cho rằng ông Biden muốn nói chuyện điện thoại với tất cả các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có ông Tập Cận Bình; nhưng hiện tại, ông Biden vẫn đang xem xét lại di sản của chính quyền Trump và vẫn đang phát triển cách tiếp cận tổng thể của mình trong quan hệ với Trung Quốc.

Ông Robert Ross nói: “Tôi nghĩ ông ấy (Joe Biden) muốn đợi cho đến khi chắc chắn rằng ông ấy đã biết mình sẽ đi theo hướng nào, mới nói chuyện với ông Tập Cận Bình và đó sẽ diễn ra trong tương lai không xa. Nhưng chúng ta cần phải hiểu rằng tất cả những cuộc điện thoại với các nhà lãnh đạo thế giới chỉ mang tính lễ người mà thôi”.

Tờ South China Morning Post của Hồng Kông ngày 5/2 đưa tin, về thời điểm bắt đầu tiếp xúc với Trung Quốc, Biden nói rằng trước tiên ông sẽ đảm bảo “có sự nhất trí” với các đồng minh trước khi tiếp xúc với Bắc Kinh.

CNBC đưa tin cho rằng ông Biden đã sử dụng bài phát biểu này không chỉ để thông báo thay đổi chính sách, thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử đảo ngược chính sách của chính quyền Donald Trump, mà còn tái khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và điều chỉnh chính sách đối ngoại để phục vụ tầng lớp trung lưu tốt hơn.