Vaccine COVID-19 của Việt Nam: Người cao tuổi là đối tượng đích được bảo vệ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Người cao tuổi được coi là đối tượng đích của việc phòng, chống dịch COVID-19. Vì thế, mọi nhà sản xuất vaccine đều cần minh chứng hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 bằng việc tiêm thử nghiệm trên người cao tuổi.

TS. Đỗ Tuấn Đạt – Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Vaccine và Sinh phẩm Số 1 (VABIOTECH) (Ảnh: Minh Thuý)
TS. Đỗ Tuấn Đạt – Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Vaccine và Sinh phẩm Số 1 (VABIOTECH) (Ảnh: Minh Thuý)

Trao đổi với PV VietTimes, TS. Đỗ Tuấn Đạt – Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Vaccine và Sinh phẩm Số 1 (VABIOTECH) – cho biết: Trong thời gian tới, một số ứng viên vaccine COVID-19 của Việt Nam sẽ tiến hành các thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 trên người. Người cao tuổi nằm trong đối tượng được thử nghiệm vaccine COVID-19.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu sẽ tiêm thử nghiệm ở đối tượng ít nguy cơ (18-59 tuổi) trước. Nếu vaccine phòng COVID-19 không bảo vệ được nhóm người cao tuổi thì chưa phải là vaccine toàn diện đáp ứng tính hiệu quả bảo vệ cho con người trước đại dịch COVID-19.

TS. Đỗ Tuấn Đạt cho hay, nhiều nhà sản xuất vaccine phòng COVID-19 đã bắt đầu tiêm thử nghiệm cho nhóm người cao tuổi (Ảnh: Minh Thuý)

TS. Đỗ Tuấn Đạt cho hay, nhiều nhà sản xuất vaccine phòng COVID-19 đã bắt đầu tiêm thử nghiệm cho nhóm người cao tuổi (Ảnh: Minh Thuý)

Theo ông Đạt, hiện nay trên thế giới không chỉ vaccine Sputnik phòng COVID-19 của Nga tiến hành tiêm thử nghiệm cho người cao tuổi mà vaccine phòng COVID-19 của các nhà sản xuất khác cũng đã bắt đầu tiến hành tiêm thử nghiệm cho nhóm người này.

Đối tượng đích trong phòng, chống dịch COVID-19

Thực tế, vaccine phải đảm bảo tính an toàn nên các nhà nghiên cứu sẽ chọn nhóm người tiêm thử nghiệm ít nguy cơ. Sau khi được tiêm thử nghiệm, nhóm ít nguy cơ được đảm bảo tính an toàn thì nhà nghiên cứu sẽ mở rộng tiêm thử nghiệm ra các đối tượng khác, trong đó có nhóm người cao tuổi.

Cứ 10 người tử vong do COVID-19 thì có 8 người là người cao tuổi

Thống kê ở Hoa Kỳ cho thấy, 8 trong số 10 ca tử vong do COVID-19 được báo cáo đều là người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên.


8 trong số 10 ca tử vong do COVID-19 ở Hoa Kỳ là người cao tuổi (Ảnh: US CDC)

8 trong số 10 ca tử vong do COVID-19 ở Hoa Kỳ là người cao tuổi (Ảnh: US CDC)

Theo Trung tâm phòng, chống dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC) nguy cơ mắc bệnh nặng do COVID-19 tăng lên theo độ tuổi. Người cao tuổi có nguy cơ mắc COVID-19 nặng.

Nhiều trường hợp là người cao tuổi mắc COVID-19 nặng phải phải nhập viện, chăm sóc đặc biệt, thậm chí phải dùng máy thở. Những người cao tuổi từ 85 tuổi trở lên có nguy cơ mắc COVID-19 nặng.

Ngoài ra, yếu tố nguy cơ có thể khiến người cao tuổi mắc COVID-19 nặng chính là bệnh nền.

“Virus SARS-CoV-2 có đặc điểm đặc biệt là gây bệnh nặng ở người cao tuổi và người có bệnh nền. Vì thế, nhóm người cao tuổi được coi là đối tượng đích của việc phòng, chống dịch COVID-19. Do đó, mọi nhà sản xuất vaccine đều cần minh chứng hiệu quả của vaccine bằng việc tiêm thử nghiệm trên người cao tuổi.” - ông Đạt nói.

Khi tiến hành nghiên cứu vaccine và thử nghiệm trên người cao tuổi và cho kết quả tốt thì đây chính là cơ sở để các nhà nghiên cứu tiếp tục thử nghiệm vaccine phòng COVID-19. Một vaccine khi ra đời thì phải đảm bảo được tính an toàn.

“Ngay cả với nhà sản xuất vaccine Pfizer (đạt hiệu quả hơn 90%) và Moderna (hiệu quả đến 95%), đến nay chúng ta vẫn chưa nắm được thông tin vaccine của 2 nhà sản xuất này có hiệu quả bảo vệ trên nhóm tuổi nào, ở bệnh nhân dạng nào. Tuy nhiên, 2 nhà sản xuất vaccine Moderna và AstraZeneca đều đã công bố một số dữ liệu sử dụng vaccine phòng COVID-19 trên người cao tuổi và có hiệu quả, đảm bảo tính an toàn”. – ông Đạt cho hay.

Theo công bố của các nhà sản xuất, nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 hiện nay thì chưa có vaccine nào mất an toàn sau khi tiêm thử nghiệm ở nhóm người cao tuổi. Tính an toàn của vaccine phòng COVID-19 khi thử nghiệm trên người cao tuổi tương đương với kết quả khi thử nghiệm ở nhóm người ít nguy cơ.

Vaccine có chặn đứng được đại dịch COVID-19?

Chia sẻ về vấn đề liệu vaccine có chặn đứng được đại dịch COVID-19, TS. Đạt cho rằng – cần nhìn nhận việc nghiên cứu vaccine COVID-19 về mặt hiệu quả và giá trị của vaccine. Đến nay hiệu quả của các vaccine phòng COVID-19 đã được công bố đạt hơn 90%.

Thế giới đang trong cuộc chạy đua nghiên cứu vaccine COVID-19 (Ảnh: ST)

Thế giới đang trong cuộc chạy đua nghiên cứu vaccine COVID-19 (Ảnh: ST)

Theo các nhà nghiên cứu, nhiều trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng không hề có triệu chứng lâm sàng (sốt, ho, khó thở). Nếu vaccine phòng COVID-19 không bảo vệ được nguy cơ mắc bệnh của những trường hợp này thì nguy cơ virus SARS-CoV-2 tồn tại trong cộng đồng là rất lớn.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người tiêm vaccine trong cộng đồng cũng như tính sinh miễn dịch của vaccine kéo dài bao lâu đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi trong cùng một thời điểm không thể tiêm đồng loạt vaccine với tất cả các đối tượng để đạt được hiệu quả bảo vệ cùng một lúc. Việc tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 phải được thực hiện lần lượt trên từng nhóm đối tượng khác nhau và cần có thời gian để đánh giá và theo dõi.

Cán bộ nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 trên chuột trong phòng thí nghiệm (Ảnh: VABIOTECH)

Cán bộ nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 trên chuột trong phòng thí nghiệm (Ảnh: VABIOTECH)

Khi tiến hành nghiên cứu vaccine COVID-19 ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu đều phải tập trung, cố gắng hết sức lực vì đây là lần đầu tiên tiếp cận với một bệnh dịch mới, chỉ được làm một lần và phải thành công. “May mắn, khi tiến hành nghiên cứu, các nhà nghiên cứu ở VABIOTECH chưa phải thực hiện một công đoạn nào đến lần thứ 2, đảm bảo đúng tiến độ.” – ông Đạt chia sẻ.

Tính đến thời điểm hiện tại, VABIOTECH vẫn đang tiến hành nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 ở giai đoạn tiền lâm sàng – nghiên cứu trên động vật. 12 chú khỉ đã được lựa chọn để thử nghiệm vaccine phòng COVID-19. Các nhà nghiên cứu đang chờ đợi kết quả thông qua việc xét nghiệm máu của 12 chú khỉ này.

Sau khi hoàn tất thử nghiệm tiền lâm sàng thì nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 của VABIOTECH sẽ bước sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 trên thế giới đòi hỏi tính an toàn và hiệu quả bảo vệ. Nhanh nhất đến đầu năm 2021 thì VABIOTECH mới có đủ số liệu để tiến hành thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 ở giai đoạn lâm sàng (thử nghiệm và đánh giá trên người).

Hiện nay, Việt Nam có 4 đơn vị đang tham gia nghiên cứu sản xuất vaccine COVID-19 gồm: Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Công ty TNHH MTV Vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NANOGEN.

Bất kỳ loại vaccine nào trước khi được đưa ra sử dụng rộng rãi trong cộng đồng đều phải trải qua quy trình chuẩn gồm 5 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn dự tuyển vaccine. Giai đoạn này được thực hiện hoàn toàn trong phòng thí nghiệm.

- Giai đoạn 2: Đánh giá tiền lâm sàng trên động vật.

- Giai đoạn 3: Đánh giá lâm sàng qua 3 giai đoạn trên người ở các quy mô khác nhau.

- Giai đoạn 4 và 5: Cấp phép lưu hành vaccine và theo dõi sau cấp phép. Sau khi vaccine được cấp phép sử dụng trên người, các nhà nghiên cứu vẫn sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá để đảm bảo vaccine an toàn khi sử dụng trên người.