|
Phải tiếp xúc với nhiều lượt khách hàng, nhân viên siêu thị trở thành đối tượng có nguy cơ cao bị lây nhiễm Covid-19 |
Nghỉ bán hàng vì hoang mang, lo lắng
Chị Nguyễn Hằng, tiểu thương bán thực phẩm tại một khu chợ truyền thống – Hà Nội đã nghỉ bán hàng hơn một tuần nay. Tình hình dịch bệnh phức tạp, lo sợ bị nhiễm COVID-19, chị Hằng đành phải đóng quầy dù đây là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình 6 người.
“Khi nghe tin có người bán rau tại chợ ở Đông Anh nhiễm COVID-19 tôi rất lo sợ. Hằng ngày, tiếp xúc với vài chục lượt khách hàng đều là người lạ, nếu có vấn đề gì thì biết tìm họ ở đâu. Đóng quầy hàng là điều cực chẳng đã, gia đình khó khăn đều trông cả vào đấy nhưng giờ an toàn vẫn phải đặt lên hàng đầu. Ở chợ cũng nhiều người nghỉ bán. Giờ chúng tôi chỉ mong sớm được tiêm vaccine phòng bệnh, mới yên tâm trở lại công việc.” – Chị Hằng chia sẻ.
Qua khảo sát, rất nhiều người bán hàng thiết yếu trong chợ dân sinh, siêu thị đang có tâm lý chung như chị Hằng. Thực tế, từ khi dịch bùng phát vào đầu năm 2020 đến nay, đã có nhiều trường hợp khách hàng nhiễm COVID-19 đi chợ, siêu thị rồi lây nhiễm cho người bán hàng.
Gần đây nhất, sáng 7/6, Bệnh viện Bắc Thăng Long ghi nhận một tiểu thương 45 tuổi (địa chỉ tại tổ 17 thị trấn Đông Anh, Hà Nội) hành nghề bán rau tại chợ Cửa hàng mới dương tính với virus SARS-CoV-2. Do người này tiếp xúc với nhiều người, bởi vậy việc truy vết nguồn lây gặp nhiều khó khăn.
Trước đó, Trung tâm thương mại Big C Thăng Long (Hà Nội) cũng phải đóng cửa tạm thời để thực hiện công việc khử khuẩn ngăn chặn dịch bệnh Covid-19.
Bộ Công thương, Hiệp hội các nhà bán lẻ và doanh nghiệp đồng loạt lên tiếng
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Phương, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho biết: “Với tính chất công việc đặc thù, nhân viên của các doanh nghiệp bán lẻ mỗi ngày phải tiếp xúc hàng triệu lượt khách hàng, nguy cơ lây nhiễm, phơi nhiễm Covid-19 là rất cao.
|
Đảm bảo môi trường an toàn cho người tiêu dùng tại các siêu thị |
Do đó, AVR khẩn thiết đề nghị Bộ Y tế và Bộ Công Thương phối hợp tạo điều kiện để nhóm đối tượng nhân viên tuyến đầu của các doanh nghiệp bán lẻ được nhanh chóng tiêm vacxin phòng Covid-19 nhằm bảo vệ sức khỏe an toàn cho các doanh nghiệp bán lẻ đồng thời tạo môi trường mua sắm an toàn cho người tiêu dùng.”
Trên cơ sở các kiến nghị, đề xuất của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, ngày 3-6, Bộ Công thương đã gửi văn bản đến Chính phủ kiến nghị người lao động tại các điểm bán lẻ hàng hóa thiết yếu như siêu thị, chợ truyền thống... cần được đưa vào diện ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Theo Cơ quan này, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, một số siêu thị/hệ thống phân phối trong vùng dịch đã xuất hiện ca F0 đến mua sắm, dẫn đến phải đóng cửa, ảnh hưởng tới nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu.
Để đảm bảo đầy đủ, liên tục việc cung ứng hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phục vụ người tiêu dùng trong tình hình dịch bệnh, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Y tế và các cơ quan liên quan bổ sung nhóm đối tượng là người lao động tại các hệ thống phân phối bán lẻ hàng hoá thiết yếu (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi…), và tại các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hoá, cửa hàng kinh doanh các mặt hàng thiết yếu vào danh sách nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19.
Việc bổ sung này nhằm bảo vệ các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, do hàng ngày phải tiếp xúc với hàng triệu lượt khách hàng, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân trong mọi cấp độ dịch bệnh.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ tìm nguồn cung vaccine, hướng dẫn thủ tục nhập khẩu vaccine và tổ chức tiêm cho người lao động tại các doanh nghiệp ngành phân phối bán lẻ có nhu cầu tiêm phòng Covid-19 cho người lao động.
Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce cũng đã có công văn gửi Bộ Công thương và Bộ Y tế đề nghị tạo điều kiện về nguồn vaccine phòng Covid-19 cho nhân viên bán lẻ tại chuỗi hệ thống cửa hàng, siêu thị.
Theo công văn của VinCommerce, hệ thống 112 siêu thị VinMart và 2.500 cửa hàng VinMart+ tại 59 tỉnh và thành phố trên cả nước với 22.206 nhân viên, hàng ngày phải tiếp xúc với hàng triệu lượt khách hàng, mặc dù đang tuân thủ nghiêm các quy định về 5K của Bộ Y tế, song nguy cơ bị lây nhiễm, phơi nhiễm dịch Covid-19 rất cao.