Vá "lỗ thủng" miễn dịch sởi ở TP.HCM: Không dễ dàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TP.HCM công bố dịch sởi ngay khi chưa vào giai đoạn đỉnh dịch và dự báo sẽ còn gia tăng. Chuyên gia Y tế công cộng Nguyễn Thu Anh phân tích về khả năng ứng phó với dịch này.

Năm 2014, dịch sởi bùng phát ở nhiều tỉnh với thống kê chưa đầy đủ là khoảng 20.000 ca mắc và 150 trẻ tử vong, khiến người dân hoang mang. Thủ tướng Chính phủ đã phải ra công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung phòng, chống dịch sởi.

Khi đó, TP.HCM dập dịch tốt hơn Hà Nội với các biện pháp rất khoa học, từ phân luồng, phân tuyến đến phương pháp điều trị.

Tiem VX ơ BV Nhi dong.jpg
TP. HCM bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi

85% bệnh nhi bị sởi nặng chưa tiêm phòng mũi nào

Nhưng sau 10 năm, bất ngờ khi dịch sởi lại bùng phát ở TP.HCM, đến mức phải công bố dịch - điều rất hiếm địa phương phải làm. Và dù chưa ở đỉnh dịch mà Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận tới 368 ca sởi, trong đó, số ca nặng phải nằm ở Khoa Hồi sức và Cấp cứu chiếm 28,2%. Đa số bệnh nhân dưới 12 tháng tuổi.

Trước tình hình này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã phải bay vào TP.HCM để bàn về công tác dập dịch.

Theo TS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - hiện số ca mắc sởi tại thành phố đang tăng nhanh ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi (chiếm 73,2%) và có xu hướng dịch chuyển lên nhóm tuổi lớn hơn. Hiện nay tỉ lệ bao phủ vaccine phòng bệnh chưa đạt 95%, do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

TS.BS. Ngô Ngọc Quang Minh - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết từ tháng 7/2024, số bệnh nhân đến khám và nhập viện do sởi tăng rất cao, nhất là từ đầu tháng 8 đến nay. Hiện Bệnh viện đang điều trị cho 38 trường hợp sởi, trong đó có 4 ca nặng. Số trẻ nhập viện dưới 9 tháng tuổi chiếm 31,2%; trẻ từ 9 - 12 tháng tuổi chiếm 23,3%; trẻ từ 12 - 60 tháng tuổi chiếm 35,5%.

Đáng chú ý khi trong số các bệnh nhân nằm ở Khoa Hồi sức và Cấp cứu không có cháu nào tiêm đủ hai mũi vaccine sởi, trong đó chưa tiêm phòng mũi nào tới 85%.

Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM Nguyễn Vũ Thượng dự báo thời gian tới là mùa tựu trường sẽ khiến dịch bệnh dễ lây lan nhanh hơn. Vì thế, bên cạnh chiến dịch tiêm vaccine, cần giảm chuyển bệnh nhi từ tuyến dưới lên TP.HCM để tránh quá tải. Đặc biệt, cần kiểm soát phòng, chống dịch ngay trong bệnh viện để chống lây lan.

Lý giải số ca mắc sởi gia tăng trong thời gian qua, TS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết kết quả kiểm tra huyết thanh của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCCD) cho thấy, tỉ lệ mẫu có kháng thể IgG luôn thấp dưới ngưỡng 95%. Tỉ lệ dương tính với kháng thể IgG có xu hướng thấp hơn ở nhóm 5 - 15 tuổi, do sự suy giảm nồng độ kháng thể theo thời gian hoặc chưa tiêm đủ vaccine.

29.8.2024 TT TNTH 7.jpg.png
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thị sát việc dập dịch sởi ở TPHCM sau khi địa phương này công bố dịch sởi

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương lưu ý rằng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng còn thấp trong khi thời gian ủ bệnh của bệnh sởi kéo dài, nếu không giám sát chặt chẽ dễ dẫn đến không kiểm soát được dịch bệnh.

“Dịch sởi chỉ có thể cắt được sự lây lan khi có sự miễn dịch cộng đồng do đó tiêm vaccine là quan trọng nhất” - Thứ trưởng Hương nhấn mạnh.

Vá "lỗ thủng" không dễ dàng

Phân tích về dịch sởi đang diễn ra ở TP.HCM, giáo sư Y tế công cộng Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Đại học Sydney Việt Nam - gọi đây là “lỗ thủng” miễn dịch sởi và đánh giá tình hình là cấp bách, đòi hỏi hành động nhanh, hiệu quả để vá “lỗ thủng” miễn dịch cộng đồng.

“Lỗ thủng” miễn dịch không còn là cảm nhận mơ hồ, là những lời phàn nàn cạn kho vắc xin, hay đó đây xuất hiện các nhóm antivax. “Lỗ thủng” này đã “lộ diện” với 2.000 ca mắc sởi trên toàn quốc, và đỉnh điểm là 3 trẻ tử vong do sởi tại TP HCM dẫn tới việc công bố dịch trên toàn thành phố. Tình hình cấp bách đòi hỏi hành động nhanh, hiệu quả để vá “lỗ thủng” miễn dịch cộng đồng” - Chuyên gia dịch tễ học Nguyễn Thu Anh bày tỏ.

Vậy vá “lỗ thủng miễn dịch sởi” thế nào?

Trao đổi với VietTimes, Giám đốc Viện Đại học Sydney Việt Nam đồng ý rằng vắc xin là công cụ hữu hiệu để phòng chống sởi, nhưng triển khai tiêm chủng thế nào cho hiệu quả, trong bối cảnh thiếu vắc xin, lại là một khó khăn thực tế.

Y văn đều nói bùng dịch ở đâu thì tiêm phủ vắc xin ở đó, bất kể trẻ đã từng tiêm đủ mũi hay chưa, vì đó là cách nhanh gọn và phủ được các “lỗ thủng” mà không cần xác định “lỗ thủng” đó ở đâu. Nghe rất hay, nhưng đó chỉ là lý thuyết và khi áp dụng, cần xem xét bối cảnh để hành động hiệu quả.

Bà Thu Anh phân tích: Thứ nhất, cần xem chúng ta có đầy đủ vắc xin trong một thời gian ngắn, có kinh phí để triển khai và có khả năng mua sắm vật tư tiêu hao y tế một cách nhanh chóng không? Lấy ví dụ về chiến dịch tiêm chủng sởi ở TP HCM đang chuẩn bị diễn ra.

Thu Anh.jpg
Giáo sư Y tế công cộng Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Đại học Sydney Việt Nam

Theo thông tin thì TP.HCM sẽ tiêm cho toàn bộ trẻ 1-5 tuổi bất kể tiền sử tiêm chủng (khoảng 600-700.000 trẻ) và 6-10 tuổi chưa tiêm đủ mũi (giả sử 30% chưa tiêm đủ mũi, là khoảng 400.000 trẻ). Như vậy, TP cần có ngay ít nhất 1 triệu liều vắc xin, gần bằng tổng số vắc xin mà WHO cam kết hỗ trợ cho 18 tỉnh thành nguy cơ, và gấp 3 lần số vắc xin dự kiến cấp trong 2 ngày nữa.

Thứ hai, TP HCM hoàn toàn có thể đặt hàng, mua vắc xin. Nhưng không phải đặt hàng là có ngay. Mà, TP HCM cũng không phải nơi duy nhất có nhiều trẻ mắc sởi.

Thứ ba, kể cả khi có đủ 1 triệu liều vắc xin thì việc triển khai chiến dịch tiêm dự đoán sẽ chỉ bao phủ được 60-70% trẻ. Vẫn còn các ‘lỗ thủng” khác, mà vấn đề là ta không biết thủng ở đâu. Trong một đánh giá gần đây, chiến dịch tiêm chủng đại trà ở một số địa phương vẫn để sót hơn 70% trẻ bị tiêm thiếu vắc xin – tức là đáng lẽ cứ 10 trẻ bị tiêm thiếu mũi vắc xin sẽ được tiêm bổ sung thì thực tế chỉ có 3 trẻ được tiêm bù. Vì thế mà “lỗ thủng” miễn dịch cộng đồng cứ tích lũy, nứt rộng dần để sau 4-5 năm lại có 1 vụ dịch sởi.

Thứ tư, kể cả vì may mắn mà lỗ thủng rơi đúng vào 60-70% trẻ được tiêm kia, thì đó chỉ là “lỗ thủng” miễn dịch sởi. Còn các “lỗ thủng” miễn dịch bạch hầu, ho gà, bại liệt… vẫn còn nguyên và không biết ở đâu.

img202408244160720393_318202416.jpg
Chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi ở TP.HCM sẽ kéo dài trong một tháng, xuyên chuỗi ngày nghỉ lễ (ảnh: SYT TP.HCM)

Thứ năm, lịch sử các vụ dịch sởi trước đây cho thấy trẻ có nguy cơ mắc bệnh nặng, phải nằm hồi sức thường là những trẻ dưới 1 tuổi và trẻ trong tình trạng sức khỏe/miễn dịch kém. Đây thường là những trẻ không được tiêm chủng do:

+ Chương trình tiêm chủng mở rộng chỉ tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên. Trong khi đó, vắc xin sởi đơn của Việt Nam có thể bảo vệ trẻ từ 6-8 tháng tuổi một cách an toàn.

+ Chiến dịch tiêm đợt này chỉ tiêm cho trẻ 1-10 tuổi

+ Các chương trình, chiến dịch này chỉ thực hiện ở cộng đồng, còn trẻ trong tình trạng sức khỏe/miễn dịch kém lại ở bệnh viện, nơi có nguy cơ lây sởi cao.

Năm thực tế trên cho thấy việc không có số liệu cụ thể để xác định “lỗ thủng” miễn dịch cộng đồng có thể khiến chúng ta buộc phải tin tưởng vào các giả định, mà cái giá của giả định sai có thể để lại hệ quả đau xót như vụ dịch 2014.

"Vì vậy, tôi nghĩ, thực tiễn đòi hỏi phải thay đổi cách tiếp cận. Cần tìm đúng “lỗ thủng” và vá nhanh/ngay lập tức, dù có phải làm thêm giờ - bởi đây là tính mạng của con cháu mình. Trong lúc đó, vẫn cứ giữ ước mơ về các kho vắc xin đầy ắp" - giáo sư Thu Anh nói.

Trả lời câu hỏi của VietTimes về khả năng lan rộng của dịch sởi trên cả nước, giáo sư Thu Anh cho rằng: “Việc này tuỳ thuộc vào sự ứng phó của các địa phương. Bây giờ là thời điểm vàng. Tiêm vaccine nhanh, vá thủng nhanh và đúng thì sẽ không lan. Không chỉ TP. HCM mà còn có nhiều tỉnh, thành khác”.

Ngày 31/8/2024, chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi đồng loạt triển khai tại 310 trạm y tế xã, phường, thị trấn của TP.HCM. Ngày 30/8/2024, 300.000 liều vắc xin sởi – Rubella (MR) được mua từ nguồn ngân sách TP.HCM đã về tới HCDC để phục vụ chiến dịch tiêm chủng kéo dài một tháng.