PV: Thưa tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh, xin ông cho biết Prep là gì và tại sao Việt Nam lại mong muốn triển khai biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV?
TS. Hoàng Đình Cảnh: Ở nước ta, trong những năm gần đây, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và chuyển giới nữ (TGW) ở mức cao và đang gia tăng, nhất ở các khu vực đô thị lớn. Nguyên nhân chủ yếu là hành vi tình dục không an toàn trong nhóm này.
Trong bối cảnh chưa có vắc-xin để phòng ngừa, phương pháp dự phòng bằng thuốc ARV được coi là một giải pháp hữu hiệu.
PrEP viết tắt của cụm từ tiếng Anh (Pre-Exposure prophylaxis ) là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Một người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV, nếu sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) mỗi ngày, sẽ dự phòng không bị nhiễm HIV.
Lưu ý, PrEP không phải là vắc-xin nên không giúp hệ miễn dịch sinh ra kháng thể để chống lại một nhiễm trùng nào đó trong thời gian dài. Điều này đồng nghĩa với việc khi dừng thuốc PrEP, sẽ không còn tác dụng phòng lây nhiễm HIV.
Đây là một phương án dự phòng và Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo và nhiều quốc gia đã thực hiện từ nhiều năm nay, có thể giảm tới hơn 90% nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM qua các thử nghiệm lâm sàng và qua các can thiệp thực tế trên thế giới.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và chuyển giới nữ (TGW) ở mức cao. Ảnh: Internet
|
Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế đã triển khai thí điểm cung cấp PrEP cho MSM và TGW trong gói dự phòng HIV kết hợp tại TP. HCM. Hiện thuốc PrEP đang được cung cấp tại 26 tỉnh, thành phố lớn trong cả nước.
Trong thời gian tới, thuốc PrEP sẽ được cung cấp rộng rãi tại các tỉnh thành phố khác. Người sử dụng PrEP sẽ đến cơ sở y tế, cơ sở điều trị HIV/AIDS để khám và lĩnh thuốc định kỳ, tái khám theo chỉ định của bác sĩ.
PV: Xin ông cho biết rõ hơn về đối tượng và cách sử dụng PrEP?
TS. Hoàng Đình Cảnh: Đối tượng sử dụng PrEP để dự phòng lây nhiễm HIV bao gồm: Nam có quan hệ tình dục đồng giới; Nữ chuyển giới; người bán dâm; Người tiêm chích ma túy; Bạn tình của người nhiễm HIV mà người nhiễm HIV đó chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV chưa đạt dưới ngưỡng phát hiện.
Khi một người muốn dùng PrEP, nên đến cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP để được tư vấn và hướng dẫn. Các khách hàng yên tâm là tất cả thông tin cá nhân của mình được bảo mật. Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ tư vấn uống bao nhiêu thuốc và thuốc sẽ có tác dụng sau khi dùng bao lâu, có thể là 7 ngày, 21 ngày.
Nếu khách hàng có nguy cơ cao, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm HIV, viêm gan B, viêm gan C, chức năng thận và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể có được dùng PrEP hay không và dùng như thế nào.
PV: Ông có thể cho biết dùng PrEP có tác dụng phụ hay không và nên xử trí như thế nào?
TS. Hoàng Đình Cảnh: Hầu hết những người dùng PrEP không gặp tác dụng phụ nào nghiêm trọng. Một số người có thể bị buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt, đau đầu, chán ăn... và các phản ứng này thường chấm dứt sau 1 đến 2 tuần. Nếu các biểu hiện này kéo dài, bạn nên gọi bác sĩ và đi khám ngay.
Lưu ý, dùng PrEP trong một thời gian dài có thể gây loãng xương (hiếm gặp) hoặc ảnh hưởng đến thận. Do đó, người dùng PrEP cần được kiểm tra và xét nghiệm định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Khách hàng có thể chủ động dừng PrEP vì các lý do cá nhân như không còn hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV hoặc do tác dụng phụ của thuốc... Trước khi dừng thuốc, cần trao đổi với bác sĩ để đảm bảo không bị lây nhiễm HIV.
Khi có chỉ định ngừng PrEP, khách hàng là người quan hệ tình dục qua đường âm đạo hoặc người dự phòng nguy cơ lây nhiễm qua đường máu cần tiếp tục sử dụng đến hết 28 ngày sau lần phơi nhiễm cuối cùng. Đối với người nam quan hệ tình dục đồng giới qua hậu môn cần tiếp tục sử dụng thuốc PrEP 2 ngày sau lần quan hệ tình dục cuối cùng.
Một người dùng PrEP vẫn cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục như biện pháp bổ sung cho nhau. Vì PrEP làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV nhưng vẫn có một tỷ lệ nhỏ có khả năng lây nhiễm HIV nếu không sử dụng bao cao su.
PrEP chỉ giúp phòng lây nhiễm HIV mà không phòng được các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, không có tác dụng tránh thai, trong khi đó bao cao su vừa có tác dụng tránh lây nhiễm HIV vừa phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai viêm gan B, C...và giúp phòng tránh mang thai ngoài ý muốn.
Một người dùng PrEP vẫn cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục như biện pháp bổ sung cho nhau. Internet
|
PV: Xin ông cho biết phụ nữ chưa nhiễm HIV muốn mang thai với người nhiễm HIV có nên dùng PrEP không để tránh lây nhiễm HIV cho mình và cho thai nhi?
TS. Hoàng Đình Cảnh: Người phụ nữ không nhiễm HIV muốn có thai với chồng hoặc bạn tình đã nhiễm HIV có thể dùng PrEP để bảo vệ bản thân và thai nhi không bị lây nhiễm HIV.
Theo đó, trong 21 ngày đầu, uống PrEP hằng ngày và dùng bao cao su đúng cách. Từ ngày thứ 22, không dùng bao cao su để có thể mang thai nhưng vẫn phải dùng PrEP đều hằng ngày.
Trong trường hợp bạn tình đã được điều trị bằng thuốc ARV trên 6 tháng và có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/ml máu) thì không cần dùng PrEP.
Để đảm bảo an toàn, cả hai người nên đến gặp thầy thuốc điều trị về HIV/AIDS để được tư vấn cụ thể trước khi quyết định mang thai.
PV: Ngoài việc sử dụng thuốc ARV dự phòng uống hàng ngày, được biết Bộ Y tế còn có hướng dẫn việc sử dụng PrEP theo tình huống, ông có thể nói rõ hơn về điều này?
TS. Hoàng Đình Cảnh: Dùng PrEP theo tình huống là khi dự đoán sẽ có quan hệ tình dục với bạn tình có nguy cơ lây nhiễm HIV thì sẽ dùng PrEP trước và sau khi quan hệ tình dục để dự phòng lây nhiễm HIV.
PrEP theo tình huống chỉ dùng cho đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới có chỉ định dùng PrEP và tần suất quan hệ tình dục trung bình dưới 2 lần/tuần. Những người này cũng cần chắc chắn rằng có thuốc để đảm bảo được việc dùng thuốc ARV trong vòng 2-24 giờ trước khi quan hệ tình dục.
PV: Hiện nay, một người đã bị phơi nhiễm với HIV rồi vẫn có thể dự phòng bằng thuốc kháng HIV (PEP). Vậy dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV có gì giống và khác nhau thưa Tiến sĩ?
TS. Hoàng Đình Cảnh: PrEP và PEP đều là biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV bằng cách uống thuốc ARV, đều áp dụng cho người chưa nhiễm HIV nhưng có nguy cơ nhiễm HIV. Tuy nhiên, PrEP sẽ uống trước khi phơi nhiễm HIV và uống mỗi ngày khi có nguy cơ cao, làm giảm nguy cơ lây nhiễm qua quan hệ tình dục đến 90% và 70% đối với tiêm chích ma túy. Trong khi đó, PEP uống trong vòng 72 giờ sau khi phơi nhiễm HIV, có tác dụng phòng lây nhiễm HIV nếu uống đúng, đủ và càng sớm càng tốt.
Xin cảm ơn tiến sĩ!