Những nghiên cứu khoa học mới về HIV – cơ sở để hoạch định chính sách và can thiệp trong phòng, chống căn bệnh thế kỷ

VietTimes  – Cứ mỗi khi có một dịch bệnh mới hoành hành, bên cạnh các biện pháp triển khai trước mắt nhằm kiểm soát và hạn chế tác động của nó, các nhà khoa học toàn cầu lại thầm lặng bắt đầu một cuộc chạy đua tìm ra vaccine, thuốc chữa bệnh, các phương thức dự báo dịch và tổ chức hệ thống y tế cho tương lai. Ngay cả khi một dịch bệnh mà con người tưởng chừng như đã chung sống với nó, thì các nhà khoa học vẫn không ngừng tìm kiếm những biện pháp mới, để kiểm soát bệnh tốt hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống của những người không may trực tiếp bị ảnh hưởng của bệnh. Câu chuyện nghiên cứu khoa học của HIV ở toàn cầu và Việt Nam cũng trải qua các giai đoạn như vậy.
Các nhà khoa học, nhà quản lý tham dự buổi tọa đàm tại hội thảo khoa học về HIV ở Việt Nam
Các nhà khoa học, nhà quản lý tham dự buổi tọa đàm tại hội thảo khoa học về HIV ở Việt Nam

Tại hội thảo khoa học “Một số nghiên cứu tiên phong về HIV ở Việt Nam: Hướng tới kết thúc đại dịch AIDS” diễn ra tại Trường Đại học Y Hà Nội, các nhà khoa học Việt Nam phối hợp cùng các chuyên gia của nhiều nước đã đưa ra những bằng chứng khoa học giúp cho Bộ Y tế đưa ra các quyết đáp chuẩn xác trong hoạch định chính sách, cũng như các hướng dẫn kỹ thuật và quản lý điều trị, tiến tới mục tiêu kết thúc căn bệnh thế kỷ ở Việt Nam vào năm 2030.

PGS.TS. Lê Minh Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu về lạm dụng chất –HIV phát biểu khai mạc hội thảo
PGS.TS. Lê Minh Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu về lạm dụng chất –HIV phát biểu khai mạc hội thảo

Theo ThS. Võ Hải Sơn (Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế), cả nước hiện có 230.000-250.000 người nhiễm HIV, nam giới chiếm đa phần và đều ở độ tuổi trẻ. Trên 60% số người nhiễm thuộc 19 tỉnh phía nam, khác với bản  đồ dịch cách đây hơn 1 thập kỷ khi tập trung chủ yếu ở miền Bắc.

Đặc biệt, các trường hợp phát hiện mới tăng nhanh ở cộng đồng những người đồng tính nam (MSM), đẩy tỷ lệ hiện nhiễm lên khoảng 12% trong nhóm này, cao hơn các nhóm khác trong quần thể. Tình hình này đòi hỏi một mặt tiếp tục triển khai các biện pháp giảm nhanh dịch HIV ở nhóm tiêm chích ma túy, mặt khác có những giải pháp căn cơ với nhóm MSM.

Nhiều nhà khoa học nước ngoài tham gia nghiên cứu về HIV ở Việt Nam cùng các nhà khoa học trong nước
Nhiều nhà khoa học nước ngoài tham gia nghiên cứu về HIV ở Việt Nam cùng các nhà khoa học trong nước

Đối với nhóm tiêm chích ma túy, một trong những giải pháp được GS. Todd Korthuis (Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon) trình bày với tiêu đề “Sử dụng Buprenorphine/naloxone làm giảm tình trạng nghiện và tăng cường hiệu quả điều trị HIV tại Việt Nam (BRAVO): Kết quả từ nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên.” Đây là kết quả nghiên cứu  mà ông và PGS.TS. Lê Minh Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu về lạm dụng chất –HIV, cùng nhiều nhà khoa học Việt Nam tiến hành nhiều năm qua.

Các đại biểu tham dự hôi thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo

Theo GS. Todd Korthuis, bên cạnh triển khai mở rộng methadone cần phải lồng ghép điều trị buprenorphine, một thuốc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện khác, ngày trong các cơ sở điều trị HIV. Lý do là vì tỉ lệ sử dụng chất gây nghiện cao tại các phòng khám HIV ở nhiều quốc gia, nhưng tiếp cận điều trị hạn chế. Với 6 điểm nghiên cứu ở Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hóa, các nhà khoa học đã rút ra kết luận: Việc lồng ghép điều trị buprenorphine/naloxone tại phòng khám HIV là khả thi.

Cả buprenorphine và methadone đều cải thiện tỷ lệ bắt đầu điều trị, tuân thủ điều trị, tái khám ARV và ức chế virus HIV; đều có tác dụng giảm sử dụng heroin. Đặc biệt, ưu thế của buprenorphine là thuốc  viên, dễ sử dụng và người dùng không phải hàng ngày đến uống như với methadone, tiết kiệm và chủ động được thời gian.

Các nhà nghiên cứu tham gia buổi tọa đàm cuối hội thảo
Các nhà nghiên cứu tham gia buổi tọa đàm cuối hội thảo

Kết quả nghiên cứu về “Tương tác thuốc methadone và thuốc điều trị HIV (NVP/EFV) trên bệnh nhân nghiện ma túy nhiễm HIV bằng phương pháp đánh giá dược động học quần thể” do GS. TS. Gavin Bart - Trưởng khoa Y học nghiện, Hệ thống Y tế hạt Hennepin, Đại học Minnesota – cùng TS. Jim Hodges, PGS. TS. Lê Minh Giang, Ths. Hoàng Yến và các cộng sự tiến hành cho thấy việc uống song hành thuốc điều trị HIV làm tăng đào thải methadone gần 3 lần và mức độ đào thải chịu sự chi phối của các yếu tố kiểu hình gen xuất hiện ở nhiều nhóm trong cộng đồng.

Phát hiện này rất quan trọng vì nó cho thấy bệnh nhân vừa nghiện chất dạng thuốc phiện vừa nhiễm HIV gặp thách thức trong điều trị cả hai bệnh cùng một lúc. Do đó việc thí điểm điều trị buprenorphine của Bộ Y tế hiện nay là một hướng đi đúng, cần nhanh chóng mở rộng ra toàn quốc.

Trong nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu của Đại học North Carolnia (William Miller, Irving Hoffman, Vivian Go, và Trần Việt Hà) phối hợp cùng Bộ Y tế và các cơ sở y tế ở Thái Nguyên triển khai nghiên cứu “Lồng ghép điều trị và dự phòng cho người chích ma túy: Nghiên cứu khởi đầu cho một thử nghiệm ngẫu nhiên dự phòng HIV dựa vào mạng lưới so sánh một chương trình can thiệp lồng ghép gồm hỗ trợ điều trị kháng virus với chương trình điều trị tiêu chuẩn” (HPTN 074).

Các nhà khoa học, nhà quản lý đặt câu hỏi làm thế nào để các kết quả nghiên cứu nhanh chóng chuyển thành các can thiệp có hiệu quả ở Việt Nam
Các nhà khoa học, nhà quản lý mong muốn làm thế nào để các kết quả nghiên cứu nhanh chóng chuyển thành các can thiệp có hiệu quả ở Việt Nam

Theo BS. Trần Việt Hà, nghiên cứu so sánh nhóm nhận thêm can thiệp lồng ghép cán bộ quản lý trường hợp và tư vấn tâm lý xã hội (SNaP) và nhóm nhận dịch vụ điều trị thông thường cho thấy: Tỷ lệ điều trị ARV và ức chế tải lượng virus tăng gần gấp đôi; tỷ lệ điều trị methadone tăng lên; tỷ lệ tử vong giảm trên 50%.

Đặc biệt, không có ca nhiễm HIV mới trong nhóm can thiệp bạn chích của người tham gia chỉ số. Nghiên cứu này cho thấy, bên cạnh các biện pháp điều trị bằng thuốc như buprenorphine hay methadone, người tiêm chích ma túy nhiễm HIV rất cần các can thiệp hỗ trợ tâm lý xã hội và can thiệp tại cơ sở y tế giúp họ nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ sẵn có. Từ năm nay, các can thiệp SNaP sẽ được mở rộng ở 10 tỉnh thành phố trên cả nước nhằm đánh giá hiệu quả mở rộng của can thiệp ở 42 cơ sở điều trị HIV.

Hai báo cáo khoa học về tỷ lệ nhiễm mới HIV ở nhóm MSM ở Hà Nội của TS. Bùi Thị Minh Hảo từ Trung Tâm Đào tạo và Nghiên cứu về lạm dụng chất – HIV và về thực trạng sử dụng chất ma túy khi quan hệ tình dục (chemsex) trong nhóm MSM của ông Đoàn Thanh Tùng từ Doanh nghiệp xã hội Hải Đăng (một tổ chức của cộng đồng MSM) cho thêm thông tin về bức tranh về dịch HIV ở nhóm MSM.

Đó là tỷ lệ nhiễm mới rất cao, cứ một năm qua đi nếu không có can thiệp thì 7 trong số 100 người MSM ở Hà Nội sẽ nhiễm HIV (ước tính quần thể MSM ở Hà Nội là khoảng 35 ngàn người). Đó là việc sử dụng ma túy khi quan hệ tình dục nhóm (còn được biết đến trong cộng đồng MSM là highfun) là phổ biến và trong bối cảnh quan hệ tình dục như vậy các cá nhân thường không sử dụng các biện pháp an toàn hoặc quên không sử dụng thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV (PrEP).

Mặc dù nghiên cứu của TS. Bùi Thị Minh Hảo cho thấy việc tiếp cận và tuân thủ uống thuốc PrEP ngày càng tốt hơn, nhưng việc sử dụng ma túy ở nhóm MSM sẽ là một thách thức lớn cho việc phòng chống HIV trong nhóm này.     

Trong bối cảnh đó, một đại diện khác của Trung Tâm Đào tạo và Nghiên cứu về lạm dụng chất – HIV, TS. Nguyễn Thu Trang đã mang đến hội thảo một công trình ý nghĩa: “Thí điểm can thiệp dựa trên bằng chứng giảm sử dụng methamphetamine tại Việt Nam.”

 
 

Các nhà khoa học cùng nhau trao đổi về các kết quả nghiên cứu
Các nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng nhau trao đổi về các kết quả nghiên cứu

Báo cáo viên kết luận: các mô hình can thiệp làm giảm sử dụng cả methamphetamine, heroin và cải thiện  sức khỏe tâm thần và mức độ tự tin kiểm soát sử dụng methamphetamine. Tin nhắn SMS có thể giúp duy trì giảm sử dụng chất. TS. Trang cho biết tính khả thi của can thiệp thể hiện ở chỗ tỷ lệ bệnh nhân duy trì trong can thiệp cao. Kết quả này sẽ hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng hướng dẫn triển khai để mở rộng can thiệp ATS tại các cơ sở điều trị methadone cũng như ở các tổ chức cộng đồng của người đồng tình nam trên toàn quốc.

PGS.TS. Phạm Đức Mạnh – Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) nhấn mạnh những kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo về Lạm dụng chất – HIV nói riêng và các nghiên cứu trình bày ở hội thảo là những bằng chứng khoa học để làm cơ sở cho Bộ Y tế xây dựng chính sách và các hướng dẫn kỹ thuật trong phòng, chống HIV/AIDS.

"Những nghiên cứu của Trung tâm về điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Suboxone, hay về tỷ lệ nhiễm mới HIV của nhóm nam đồng tính ở Hà Nội đã tạo căn cứ pháp lý để mở rộng các dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu mở rộng các can thiệp phòng, chống HIV trên toàn quốc. Điều này đáp ứng mong đợi của các đại biểu tham dự hội thảo rằng các kết quả nghiên cứu nhanh chóng chuyển thành các can thiệp có hiệu quả ở Việt Nam" - PGS.TS. Phạm Đức Mạnh khẳng định.

(ảnh: Văn Trọng)