Ngộ độc do chủ quan khi dùng thuốc
Trao đổi với báo chí hôm nay, 23/5, bác sĩ Trần Văn Bắc – Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho biết, bệnh nhân là bà M.N.T, 72 tuổi, trú tại Hà Nội, nhập viện trong tình trạng mệt lả, tay chân mềm nhũn, mất khả năng vận động tự chủ – biểu hiện điển hình của ngộ độc cấp tính.

Theo người nhà, bà T. có tiền sử bệnh đái tháo đường hơn 10 năm và đang điều trị bằng thuốc uống thường xuyên. Bên cạnh đó, bà cũng thường xuyên bị đau đầu kéo dài nhưng không xác định được nguyên nhân cụ thể sau nhiều lần thăm khám. Do đó, bà có thói quen tự mua và sử dụng các loại thuốc giảm đau, trong đó chủ yếu là paracetamol – một loại thuốc phổ biến, dễ mua và không cần đơn.
Vào tối muộn ngày 21/5, bà T. lên cơn đau đầu dữ dội. Nghĩ rằng đây chỉ là cơn đau quen thuộc, bà đã uống vài viên paracetamol để giảm đau. Tuy nhiên, khi không thấy triệu chứng thuyên giảm, bà tiếp tục uống thêm nhiều viên khác.
Theo ước tính của người nhà, tổng số thuốc bà đã uống có thể lên tới 20 viên – một liều lượng cực kỳ nguy hiểm. Khoảng 30 phút sau, bà rơi vào trạng thái kiệt sức, tay chân rũ rượi và không kiểm soát được vận động. Phát hiện tình trạng nguy cấp, gia đình đã đưa bà đi cấp cứu ngay trong đêm.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bác sĩ đã khẩn trương rửa ruột và xử lý ngộ độc kịp thời. May mắn, bà T. chưa bị tổn thương gan hay các cơ quan nội tạng khác. Sau khi được cứu chữa và chăm sóc, hiện sức khỏe bà đã ổn định, có thể ăn uống, đi lại bình thường.
Không chủ quan khi dùng thuốc không cần kê đơn
Theo bác sĩ Trần Văn Bắc, paracetamol (hay còn gọi là acetaminophen) là loại thuốc giảm đau, hạ sốt thông dụng, thường được dùng trong các trường hợp sốt do cảm cúm hoặc đau nhức nhẹ đến vừa. Mặc dù paracetamol được đánh giá là an toàn nếu dùng đúng liều, nhưng việc lạm dụng hay dùng quá liều có thể dẫn đến ngộ độc nghiêm trọng, gây tổn thương gan, thậm chí suy gan cấp – một tình trạng đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Bác sĩ Bắc cảnh báo: "Không ít người chủ quan, nghĩ rằng thuốc không kê đơn thì an toàn. Nhưng thực tế, việc sử dụng liều cao paracetamol hoặc dùng đồng thời nhiều sản phẩm có chứa cùng hoạt chất này là nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc. Đặc biệt ở người cao tuổi hoặc người có bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, gan, thận – độc tính của thuốc càng dễ phát huy tác hại."
Bác sĩ Bắc cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau khi chưa có chẩn đoán chính xác từ bác sĩ. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ ngộ độc thuốc như buồn nôn, mệt mỏi, đau tức vùng gan, vàng da, lú lẫn…, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được can thiệp.
Trường hợp của bà T. một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về thói quen tự dùng thuốc thiếu kiểm soát, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi, là lời nhắc nhở đối với cộng đồng về sự cần thiết của việc tham vấn ý kiến chuyên môn trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào – kể cả những thuốc tưởng chừng vô hại như paracetamol.