|
Các diễn giả tại buổi tọa đàm - Ảnh: BTC |
EdTech có tốc độ tăng trưởng nhanh
Năm 2016 đã đánh dấu bước chuyển mình trong giới khởi nghiệp Việt Nam. Trong buổi tọa đàm Khởi nghiệp EdTech trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế ảo (VR) vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện Topica cho biết thị trường Việt Nam (năm 2016) Edtech là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ 2 sau Fintech (các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ) với 6 thương vụ trị giá khoảng 20 triệu USD.
Cũng theo báo cáo từ Topica, hiện nay, hệ sinh thái về Edtech trên thế giới đã khá là hoàn thiện, thu hút nhiều dòng vốn đầu tư, với các phân mảng như giáo dục sớm, mô hình trường học tích hợp công nghệ mới, giải pháp đào tạo doanh nghiệp, công cụ học tập mới, các nền tảng online to offline, các ứng dụng quản lý trường học, công cụ tìm kiếm khóa học, chuẩn bị cho các kỳ thi…
Tuy nhiên, nhìn lại hệ sinh thái EdTech của Việt Nam, đại diện Topica nhận định nó còn khá sơ khai khi nhiều mảng còn trống, hầu như chưa có ai tham gia như cổng thông tin các khóa học... Các EdTech Việt mới chủ yếu tập trung vào mảng dạy tiếng Anh và nền tảng khóa học ngắn hạn.
Hệ sinh thái về Edtech trên thế giới - Nguồn: Topica
Đưa AI vào các sản phẩm giáo dục
Với sự phát triển của CNTT cũng như làn sóng cách mạng 4.0 đang lan rộng, việc ứng dụng AI, VR cũng đang trở thành xu hướng trong các sản phẩm giáo dục, điển hình như ứng dụng ELSA sử dụng công nghệ nhận diện giọng nói để phát hiện lỗi sai trong cách phát âm của người học tiếng Anh hay sắp tới, Monkey Junior - ứng dụng dạy ngoại ngữ cho trẻ nhỏ cũng sẽ ứng dụng AI vào sản phẩm của mình…
Chia sẻ về việc ứng dụng AI, VR vào các sản phẩm giáo dục, ông Đào Xuân Hoàng - CEO của Monkey Junior - ứng dụng dạy ngoại ngữ cho trẻ nhỏ bày tỏ: “Hiện nay, chúng tôi đã có một lượng dữ liệu người dùng khá lớn và khi dữ liệu người dùng đủ nhiều, có thông tin về trải nghiệm người dùng, chúng tôi sẽ dùng AI để biết họ thích nội dung gì, tính năng nào, các bạn nhỏ còn yếu ở điểm nào để từ đó đưa ra nội dung cho từng người học”.
Hệ sinh thái EdTech của Việt Nam - Ảnh: Thu Anh
Thành công với sản phẩm Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội SMCC có tích hợp AI, anh Lê Công Thành – Giám đốc TOPICA AI Lab và là một trong những chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam hiện nay, cho biết khi xây dựng kho dữ liệu huấn luyện AI nhận diện câu lệnh và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, công ty anh đã phải thuê hàng trăm cộng tác viên gắn nhãn hàng triệu câu thoại tiếng Việt, tiêu tốn 2 tỉ đồng chỉ trong vòng 6 tháng.
Những ngày đầu khởi nghiệp trong mảng giáo dục, chị Văn Đinh Hồng Vũ – CEO ELSA đã mời về nhiều chuyên gia ngôn ngữ người bản xứ giúp xác định trọng âm, cách phát âm từng từ cũng như gửi các cộng tác viên đi thu thập nhiều cách đọc của nhiều người khác nhau trong quá trình học tiếng Anh để máy tính có thể nhận diện được lỗi phát âm đúng hay sai.
Các diễn giả trong buổi tọa đàm - Ảnh: BTC
Với những thành công và kinh nghiệm có được trong quá trình khởi nghiệp, chị Vũ nhận định: “Khác với cách dạy truyền thống, việc đưa AI vào các sản phẩm giáo dục, đặc biệt là sản phẩm dạy tiếng Anh giúp hàng nghìn học sinh có thể luyện tập với một ứng dụng trên điện thoại, các chuyên gia ngôn ngữ cũng chỉ cần soạn bài một lần duy nhất để dạy cho nhiều người”.
Tuy nhiên, nhiều người cũng có thắc mắc về việc các startup Việt nói chung và các startup EdTech nói riêng có thể sánh ngang với các “ông lớn”. Giải thích cho điều này, theo anh Thành, trong khoa học dữ liệu, không có thuật toán nào tối ưu được mọi thứ. Các doanh nghiệp lớn chỉ tập trung vào những hướng có tính phổ rộng như xử lý ảnh, giọng nói, ngôn ngữ, dữ liệu tài chính… còn những ngách nhỏ chính là mảnh đất màu mỡ cho các startup.