Theo đó, nếu không có phần mềm độc quyền này, các dịch vụ sửa chữa bên thứ ba sẽ không thể sửa MacBook Pro khi máy gặp các vấn đề về màn hình, bo mạch logic, bàn phím và bàn di chuột, bảng mạch Touch ID. Đối với iMac Pro, máy sẽ bị khóa nếu thay thế bo mạch logic hoặc bộ nhớ flash. Máy tính sẽ không thể sử dụng lại cho đến khi Apple hoặc nhà cung cấp dịch vụ được ủy quyền của Apple sử dụng bộ công cụ chẩn đoán độc quyền Apple Service Toolkit 2.
Cả hai mẫu máy Mac được đề cập ở trên đều được trang bị chip Apple T2 mới, chip này chịu trách nhiệm quản lý nhiều thành phần hệ thống, từ bộ điều khiển quản lý hệ thống, bộ điều khiển âm thanh đến bộ xử lý tín hiệu hình ảnh và bộ điều khiển SSD.
Bên cạnh đó, chip T2 cũng tích hợp các bộ xử lý Secure Enclave, điều khiển tính năng khởi động an toàn, ổ lưu trữ được mã hóa và quy trình xác thực ID Touch. Vì vậy, chủ sở hữu máy tính Mac có gắn chip T2 sẽ chỉ có thể sửa chữa chúng thông qua dịch vụ chính thức của Apple hoặc nhà cung cấp dịch vụ được ủy quyền.
Theo một tài liệu mà Apple gửi tới các nhà cung cấp dịch vụ được ủy quyền trong đó có nêu, đối với các máy tính Mac được trang bị chip Apple T2, quá trình thay thế các linh kiện bên trong được cho là chưa đạt kết quả, nếu phần mềm AST 2 không hoạt động. Như vậy, hệ thống của máy không hoạt động và việc sửa chữa chưa đạt yêu cầu.
Thậm chí là ngay cả khi việc sửa chữa được thực hiện tốt, iMac Pro và 2018 MacBook Pro cũng có thể tự động khóa. Máy chỉ sẽ hoạt động trở lại khi Apple hoặc các đơn vị cung cấp dịch vụ được ủy quyền tiến hành kiểm tra bằng bộ phần mềm AST2. Apple cũng khẳng định, bộ công cụ chẩn đoán AST 2 chỉ có sẵn ở các cơ sở dịch vụ được chính hãng này ủy quyền
Nếu như trước đây, việc sửa chữa thiết bị của Apple có thể được thực hiện bởi bên thứ 3, thì nay sẽ không còn nữa. Apple được cho là đang tăng cường các biện pháp bảo mật cho thiết bị. Nhiệm vụ bảo mật hiện được Apple triển khai thêm trên các chip độc quyền. Trên máy tính Mac, ngoài nhiệm vụ lưu trữ dữ liệu an toàn, chip còn gánh vác thêm việc xử lý mã hóa ổ cứng. Nên việc Apple áp dụng công cụ độc quyền tại thời điểm này được cho là hợp lý.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, việc hạn chế người dùng tiếp cận nhiều nguồn sửa chữa khác nhau là chưa đúng luật bảo vệ người tiêu dùng, chưa kể Apple đang khiến các thiết bị trở nên khó sửa chữa hơn và như vậy là độc quyền kiểm soát thị trường sửa chữa, khuyến khích người dùng mua sản phẩm thay thế mới.
Trong vài năm trở lại đây, Apple cùng với các nhà sản xuất phần cứng khác đã rất tích cực ngăn chặn việc thông qua các luật sửa chữa, buộc các công ty công nghệ phải đưa ra các bộ phận, hướng dẫn cho cả người dùng và các chuyên gia sửa chữa của bên thứ ba. Hiện nay, 19 bang của Mỹ đã đề xuất luật liên quan đến các quy tắc sửa chữa thiết bị, nhưng không có tiểu bang nào thông qua dự luật cấm sử dụng các công cụ chẩn đoán độc quyền.
Theo XHTT