|
Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân viêm gan (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc) |
Theo PGS. TS. Nguyễn Xuân Thành, nguyên nhân chính khiến ung thư gan tăng chóng mặt trong những năm qua đến từ tình trạng nhiễm virus viêm gan cao, thói quen tiêu thụ rượu bia nhiều, thực phẩm và môi trường sống tồn dư hóa chất bảo quản, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, tình trạng tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là các thuốc có thành phần paracetamol. Trong các nguyên nhân này, virus viêm gan B và C là vấn đề nổi cộm. Đây là hai loại virus gây ra hơn 80% ca bệnh ung thư gan.
Chia sẻ về quá trình điều trị cho những bệnh nhân viêm gan B mạn tính, PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành cho hay: “Vẫn còn hy vọng cho bệnh nhân viêm gan B mạn tính để không phải điều trị thuốc cả đời, đặc biệt là với những bệnh nhân trẻ. Tại Bệnh viện, chúng tôi đã điều trị thành công và tạo được kháng thể cho rất nhiều bệnh nhân viêm gan B mạn tính. Điều quan trọng nhất là bệnh nhân phải chủ động phát hiện bệnh, điều trị và tuyệt đối tuân thủ phác đồ mà bác sĩ đưa ra”.
|
Bác sĩ dùng máy móc, công nghệ hiện đại để tầm soát, chẩn đoán bệnh lý về gan (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc)
|
Hiện, nhiều máy móc, công nghệ hiện đại trong khám tầm soát và chẩn đoán bệnh gan đang được ứng dụng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc gồm: thiết bị siêu âm đo đàn hồi mô gan, siêu âm gan 4D, hệ thống chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính, hệ thống xét nghiệm tự động các chỉ số bệnh gan ứng dụng Robot đang được áp dụng tại các bệnh viện hàng đầu tại Mỹ.
Thông tin về số ca mắc viêm gan, TS. Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam – cho biết: Trong năm 2018, trên toàn thế giới ước tính có khoảng 325 triệu người nhiễm virus viêm gan B và C. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B,C chiếm khoảng 10-15% dân số. Số người nhiễm 2 loại virus này là hơn 10 triệu người. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% số người mắc viêm gan B và C được chẩn đoán và 30% người được chẩn đoán mắc bệnh được điều trị.
Theo WHO, trong năm 2018 Việt Nam có 25.335 ca ung thư gan mới, chiếm 15,4%, đứng đầu bảng trong tất cả các loại bệnh ung thư. Có tới 25.404 người tử vong do ung thư gan, chiếm 22.1%, cao gấp 3 lần tử vong do tai nạn giao thông.
Báo cáo của Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới (WCRF) cho thấy, Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về tỷ lệ mắc ung thư gan tính chung ở cả 2 giới.
Số ca ung thư gan có xu hướng tăng mạnh trong 1 thập kỷ trở lại đây. Theo nghiên cứu được đăng tải tại Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học quốc gia (NCBI), nếu trong năm 2010, số ca ung thư mắc mới nhiều nhất thuộc về ung thư phổi, đứng thứ 2 là ung thư dạ dày, thứ 3 là ung thư gan thì đến năm 2018 ung thư gan đã leo lên vị trí số 1. Đối với nữ giới, trong 10 năm qua, ung thư gan là nhóm 5 bệnh có số người mắc nhiều nhất, thay thế cho ung thư cổ tử cung.
Ngày 28/7 hàng năm được WHO lựa chọn là ngày viêm gan thế giới. Viêm gan là bệnh khá phổ biến, có nguy cơ dẫn đến xơ gan và ung thư gan cao. Khi đã chuyển sang giai đoạn viêm gan mãn tính, người bệnh sẽ phải theo dõi điều trị suốt đời. Nếu ngưng điều trị, virus sẽ hoạt động trở lại, khiến bệnh diễn tiến nhanh chóng thành xơ gan, thậm chí ung thư gan. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn xơ gan, gan của bệnh nhân sẽ không thể phục hồi. Ung thư gan có tỷ lệ tử vong cao trong 5 năm đầu. Mặc dù có tỷ lệ tử vong cao nhưng viêm gan virus là bệnh có thể dự phòng và điều trị. Viêm gan B đã có vaccine dự phòng và khoảng 90% bệnh nhân viêm gan C được điều trị khỏi. Viêm gan B lây truyền qua 3 đường gồm: đường máu, đường tình dục và lây truyền từ mẹ sang con. Để phòng bệnh hiệu quả, người dân không nên sử dụng chung bơm kim tiêm và các vật dụng cá nhân như bàn chải răng, dao cạo, đồ cắt móng tay, tránh tiếp xúc với máu của người bệnh khi da hoặc niêm mạc bị trầy sước; thực hiện quan hệ tình dục an toàn; chủ động chống độc, bảo vệ gan, từ đó giúp hạn chế sinh ra các chất gây viêm hại gan. |