Ứng dụng CNTT trong nông nghiệp: Chuyên gia và người nông dân có thể chia sẻ lợi nhuận

VietTimes – Trong khuôn khổ hội thảo Hợp tác và Phát triển CNTT 2019 vừa diễn ra tại Phú Yên, VietTimes đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hoa – một chuyên gia tư vấn về ứng dụng CNTT trong nông nghiệp. Dưới đây là những tâm sự, chia sẻ của ông với độc giả VietTimes.
TS Nguyễn Tuấn Hoa - chuyên gia tư vấn CNTT
TS Nguyễn Tuấn Hoa - chuyên gia tư vấn CNTT

Hiện nay ngành nông nghiệp đã được ứng dụng CNTT như thế nào, thưa ông?

Ứng dụng CNTT trong nông nghiệp là một lĩnh vực có thể xem là mới mặc dù với các lĩnh vực khác thì đã có từ lâu. Với nông nghiệp, chúng ta đã ứng dụng CNTT nhưng chưa nhiều, đặc biệt là những ứng dụng nhằm thay đổi chất lượng, năng suất, giá trị của nông nghiệp. Còn tương lai của lĩnh vực này như thế nào thì chúng ta phải khai thác tối đa những lợi thế của chuyển đổi số.

Các chuyên gia CNTT không làm được gì nhiều trong lĩnh vực nông nghiệp cụ thể. Họ chỉ là người tạo ra cơ hội cho các chuyên gia biết làm nông nghiệp để đưa các tiến bộ kỹ thuật của họ đến với nông dân. Chuyên gia CNTT chỉ có thể làm cầu nối, bệ đỡ cho các chuyên gia khác của ngành nông nghiệp vào cuộc. Hoàn toàn không phải chúng ta cứ đưa máy móc này, máy móc kia là năng suất sẽ tăng lên…

TS Nguyễn Tuấn Hoa thuyết trình tại hội thảo. Ảnh FB nhân vật
TS Nguyễn Tuấn Hoa thuyết trình tại hội thảo. Ảnh FB nhân vật

Vậy trên thực tế, ông và các cộng sự đã thực hiện những mô hình nông nghiệp ứng dụng CNTT như thế nào?

Mô hình mà chúng tôi đã thực hiện là tập hợp một nhóm chuyên gia giỏi và xây dựng các quy trình tích hợp các công nghệ khác nhau để thay đổi quy trình canh tác nông nghiệp mang lại hiệu quả cao hơn. Các công nghệ được áp dụng có công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới… Trong thời đại chuyển đổi số, các công nghệ khác nhau sẽ được tích hợp thành những giải pháp mới mà trước kia chưa có. Chính những giải pháp mới này sẽ làm thay đổi năng suất, sản lượng và bộ mặt nông nghiệp. Nói một cách chính xác, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ mới sẽ làm thay đổi tập quán nông nghiệp.

Chúng tôi tiếp cận với nông dân để ứng dụng công nghệ không theo hình thức bắt họ trả tiền mà là cùng chia sẻ lợi nhuận nếu năng suất tăng lên. Bởi lẽ nếu chỉ bán công nghệ mà không mua sản phẩm cho họ thì sẽ là vô trách nhiệm. Nhưng nếu trả lời là "có" thì người nông dân sẽ rất phấn khởi và lắng nghe. Và chính nông dân sẽ hỏi lại là “có” thì bao nhiêu và như thế nào?

Vì thế, đội ngũ kỹ thuật khi tin chắc vào trình độ của mình, tin chắc vào những gì mình cải biến quy trình canh tác để mang lại giá trị cao hơn hoàn toàn có thể trao đổi với người nông dân rằng: nếu thu nhập sau khi ứng dụng CNTT mà vẫn như cũ thì chuyên gia sẽ không hưởng gì. Còn nếu dôi ra thì hai bên cùng chia nhau. Như vậy thì người nông dân và người chuyển giao công nghệ đều có thu nhập.

Và chuyên gia kỹ thuật đã hướng dẫn nông dân trồng rau hoa quả sạch thì hoàn toàn cũng có thể thu mua các sản phẩm đó để cung cấp cho các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Như vậy là lợi cả đôi đường và chắc chắn người nông dân rất mở lòng với các chuyên gia.

Để ứng dụng được CNTT trong nông nghiệp thì phải có đội ngũ nhân lực đi trước. Vậy quá trình này cần được xúc tiến như thế nào với các đại học có đào tạo ngành CNTT và các đại học nông nghiệp?

Đây là vấn đề mang tính vĩ mô và liên quan đến chính sách của Nhà nước. Song theo tôi nghĩ thì điều đầu tiên là cần nhận thức ra bản chất của chuyển đổi số trong nông nghiệp là gì. Chúng ta đang nói nhiều đến Cách mạng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số nhưng thực sự thì bản chất của nó là gì? Và làm thế nào để phát huy, khai thác nó thì dường như tương đối ít những tham luận được trình bày tại các hội thảo.

Khi chúng ta hiểu rằng chuyển đổi số là cơ hội để thay đổi nền nông nghiệp và mang lại một nền nông nghiệp hiện đại thì hoàn toàn có thể định hướng được việc cần đào tạo nhân lực như thế nào: Ai sẽ chuyên về ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp, ai sẽ làm thương mại điện tử, ai sẽ phân tích dữ liệu lớn trong nông nghiệp, ai sẽ là người chăm sóc quá trình trồng trọt và chăn nuôi bằng công nghệ cao…

Như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nói, chúng ta đang cần đến 100.000 doanh nghiệp cho chuyển đổi số để hướng dẫn và dẫn dắt xã hội đưa tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn. Điều đó chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội để đào tạo nhân lực. Như vậy, chính các nhà trường rất cần bắt tay với doanh nghiệp trong chuyển đổi số mà trong đó có cả với nông nghiệp. Nếu không có sự tham gia của doanh nghiệp, quá trình ứng dụng CNTT không chỉ riêng với nông nghiệp sẽ có nhiều hạn chế.

Xin cảm ơn ông!

TS Nguyễn Tuấn Hoa đã cùng với một doanh nghiệp là Công ty FSI và các chuyên gia nông nghiệp thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cho một số trang trại hồ tiêu ở Bạc Liêu, Trà Vinh và Lâm Đồng. Thông qua ứng dụng công nghệ, hồ tiêu tại đây đã kháng được sâu bệnh và tăng năng suất.