Ukraine xác nhận không có điều khoản đảm bảo an ninh trong thỏa thuận khoáng sản với Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thủ tướng Ukraine Denis Shmigal thừa nhận thỏa thuận khai thác khoáng sản mới ký với Mỹ không bao gồm điều kiện bảo đảm an ninh, một trong những yêu cầu then chốt của Kiev.

Thủ tướng Ukraine Denis Shmigal trong một cuộc họp báo tại Kiev, Ukraine ngày 4/3. Ảnh: Getty.
Thủ tướng Ukraine Denis Shmigal trong một cuộc họp báo tại Kiev, Ukraine ngày 4/3. Ảnh: Getty.

Phát biểu trước Quốc hội Ukraine ngày 2/5, Thủ tướng Denis Shmigal xác nhận rằng thỏa thuận vừa ký với Mỹ liên quan đến khai thác tài nguyên không bao gồm các điều khoản đảm bảo quốc phòng hay an ninh – yêu cầu mà Kiev từng coi là không thể thiếu.

“Không có bảo đảm quốc phòng chính thức nào trong thỏa thuận này, nhưng mỗi gói viện trợ quân sự mới từ Mỹ được tính như một khoản đóng góp vào quỹ đầu tư”, ông Shmigal cho biết. “Điều này khuyến khích chính quyền Mỹ tiếp tục và không ngừng cung cấp vũ khí cho chúng ta”.

Thỏa thuận được ký hôm thứ Tư sau nhiều tháng đàm phán, và đã được chính phủ Ukraine công bố công khai. Theo nội dung, hai bên sẽ thành lập một quỹ đầu tư chung, đồng thời Mỹ sẽ có quyền tiếp cận ưu tiên vào nguồn khoáng sản của Ukraine. Một nửa doanh thu từ các hoạt động khai thác khoáng sản, dầu mỏ và khí đốt trong tương lai của Ukraine sẽ được đưa vào quỹ – hoàn toàn miễn thuế – và phía Mỹ sẽ đóng góp số tiền tương ứng. Tuy nhiên, mọi khoản viện trợ quân sự tương lai từ Washington cũng được tính vào phần đóng góp này.

Ông Shmigal cũng cho biết việc “cung cấp dữ liệu tình báo” cho Ukraine vẫn tiếp tục như trước đây.

Hiện tại, thỏa thuận vẫn chờ được Quốc hội Ukraine phê chuẩn.

Theo nhiều hãng truyền thông Mỹ, Ukraine đã buộc phải từ bỏ yêu cầu đưa điều khoản bảo đảm an ninh vào thỏa thuận, sau khi phía Washington bác bỏ đề xuất này.

Trong thời gian chuẩn bị ký kết, Tổng thống Donald Trump nhiều lần mô tả thỏa thuận là cách để Mỹ “thu hồi số tiền đã bỏ ra hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột hiện nay”, con số mà ông ước tính lên tới 350 tỷ USD. Tuy nhiên, văn bản cuối cùng không bao gồm bất kỳ điều khoản hoàn trả nào – đồng nghĩa thỏa thuận chỉ áp dụng cho viện trợ quân sự trong tương lai.

Phát biểu sau khi ký kết, ông Trump khẳng định Mỹ “về lý thuyết” có thể thu về “nhiều hơn đáng kể” so với con số 350 tỷ USD đã viện trợ.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev lên tiếng chỉ trích thỏa thuận, cho rằng Tổng thống Mỹ về bản chất đã “ép chế độ Kiev phải trả tiền cho viện trợ của Mỹ bằng tài nguyên quốc gia của một quốc gia đang tàn lụi”.