Ukraine nêu 2 điều kiện chủ chốt trong đàm phán hòa bình với Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lệnh ngừng bắn có hiệu lực ngay tức thì và Nga rút hết binh sĩ là những yêu cầu quan trọng nhất mà Ukraine đưa ra.
Phái đoàn Nga và Ukraine tham gia đàm phán hòa bình tại khu vực biên giới Ukraine-Belarus (Ảnh: RT)
Phái đoàn Nga và Ukraine tham gia đàm phán hòa bình tại khu vực biên giới Ukraine-Belarus (Ảnh: RT)

Mục đích quan trọng của Kiev trong các vòng đàm phán này là đạt được lệnh ngừng bắn hiệu lực tức thì và binh sĩ Nga rút khỏi lãnh thổ Ukraine, Văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky nói trong lúc các vòng đàm phán hòa bình bắt đầu ở Belarus. Phái đoàn của Ukraine trong hôm 28/2 đã tới khu vực biên giới Ukraine-Belarus để tham gia đàm phán với phái đoàn Nga.

Phái đoàn của Ukraine đã đi trên 2 chiếc trực thăng tới địa điểm họp, theo hãng thông tấn Nga RIA Novosti. Trong sáng hôm đầu tuần, Bộ Ngoại giao Belarus đã công bố một bức ảnh chụp phòng đàm phán, tuyên bố rằng họ đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho cuộc gặp.

Phái đoàn Nga, dẫn đầu bởi ông Vladimir Medinsky, cố vấn của Tổng thống Nga Vladimir Putin và là cựu Bộ trưởng Nông nghiệp, đã tới Gomel, miền Đông Belarus từ hôm thứ Bảy tuần trước. Giới chức Ukraine ban đầu từ chối cử đoàn sang Belarus, cho rằng đây là địa điểm không phù hợp để đàm phán bởi binh sĩ Nga đang sử dụng lãnh thổ Belarus để tổ chức các cuộc tấn công. Chính quyền Minsk đã bác bỏ thông tin cho rằng lực lượng của họ tham gia vào chiến dịch quân sự của Nga.

Sau một cú điện đàm giữa Tổng thống Zelensky và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko trong hôm 26/2, chính quyền Kiev đã đồng ý tham gia đàm phán. Tuy nhiên, sự xuất hiện của đội ngũ phía Ukraine đã bị trì hoãn thêm do các vấn đề về hậu cần.

Tổng thống Zelensky hôm 27/2 nói rằng ông “không thực sự tin” cuộc đàm phán sẽ cho ra kết quả, nhưng vẫn cho rằng “vẫn có cơ hội, dù là nhỏ, để tháo gỡ tình hình hiện nay”.

Các lực lượng của Nga đã bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2, sau khi Moscow tuyên bố công nhận 2 nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk, thêm rằng sẽ bảo vệ hai nước này khỏi sự hung hăng của quân đội Ukraine. Chiến dịch này vấp phải phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế.

Mỹ, Anh, EU và các nước khác đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Nga, cá nhân Tổng thống Vladimir Putin và nhiều quan chức khác của Nga.

Theo RT