Theo tờ The Australian Financial Review ngày 22.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ngày 21.11, Thủ tướng Turnbull đã gặp riêng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhằm đưa ra thông điệp của Úc rằng hành vi của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là “phản tác dụng”, đồng thời cảnh báo rằng lịch sử cho thấy hành vi tương tự đã dẫn đến xung đột vũ trang.
Ông Turnbull đã gợi lại cuộc chiến tranh Peloponnesus xảy ra cách đây 2.500 năm và thúc giục Trung Quốc không “rơi vào bẫy Thucydides”, thuật ngữ được đặt theo tên của sử gia Hy Lạp đã đúc kết tài liệu về cuộc chiến tranh giữa quốc gia thành thị Athens và Sparta.
Đã có lập luận rằng cuộc chiến nổ ra do sự lo sợ ở Sparta trước sự vươn lên của Athens. Những căng thẳng như thế đã dẫn đến việc 2 bên chuẩn bị và cuối cùng đi đến chiến tranh.
Thủ tướng Turnbull nói với Thủ tướng Trung Quốc rằng Úc không phải là một bên trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc cần lưu tâm những mối quan ngại rộng rãi hơn mà nước này đang gây ra với Mỹ và những quốc gia khác trong khu vực.
Ông nhắc lại thông điệp trước đó rằng những tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc là một trong những chính sách đối ngoại phản tác dụng mà nước này đã thực hiện và đang thúc đẩy những nước như Brunei, Malaysia, Việt Nam đến gần Mỹ hơn.
Các nguồn tin nói rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lưu ý vấn đề Biển Đông bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Manila (Philippines), qua đó đã cực kỳ thành công trong việc đoàn kết các nước ASEAN với nhau.
Trung Quốc cũng bị cô lập về vấn đề trên tại cả Hội nghị Thượng đỉnh nhóm G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ trước đó, tại APEC và tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ngày 22.11 ở Kuala Lumpur (Malaysia).
Bắc Kinh đã gây căng thẳng bằng hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông nhằm mở rộng tuyên bố chủ quyền phi lý nuốt trọn gần cả Biển Đông.
Tại Sydney (Úc), yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông cũng là vấn đề nổi bật trong cuộc trao đổi giữa bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Úc và Nhật Bản.
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop đã bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng Úc và Mỹ nên giữ quan điểm trung lập, không dính líu trực tiếp vào các cuộc tranh chấp. Bà Bishop khẳng định 2/3 lượng thương mại của nước này đi qua Biển Đông, vì thế Úc có quyền lợi quốc gia trực tiếp và đáng kể trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
“Chúng tôi không đứng về bên nào trong các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng chúng tôi thừa nhận hoạt động xây dựng và cải tạo đất mà Trung Quốc đã thực hiện... làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”, bà nhấn mạnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani và Ngoại trưởng Fumio Kishida đã gắn kết những lo ngại của 2 nước về hành động của Trung Quốc với nỗ lực của Nhật trong việc thầu cung cấp tàu ngầm cho Úc.
“Cả 2 nước đều là những quốc gia hàng hải, chúng tôi có lợi ích then chốt trong việc tự do đi lại và tự do bay ngang vùng biển khơi, những điều này sẽ được bảo đảm và luật pháp quốc tế sẽ được tuân thủ, việc sử dụng vũ lực sẽ không bao giờ được tha thứ”, ông Kishida nói.
“Vì thế đây không chỉ là sự hợp tác trong lĩnh vực tàu ngầm, mà đây là điều cơ bản nhằm bảo đảm an ninh hàng hải cho cả 2 nước”, Ngoại trưởng Nhật nói thêm.
Theo Thanh niên