Chính phủ Pháp đã bắt đầu các thủ tục tố tụng hình sự nhằm vào Uber từ năm 2016, sau khi một tòa án ở Lille nói rằng công ty Mỹ này đã phạm tội kinh doanh vận chuyển trái phép thông qua UberPop, cho phép các lái xe không chuyên nghiệp và không có giấy phép tham gia hoạt động chở khách.
Uber đã lập luận rằng quy trình tố tụng này dựa trên một luật liên quan đến các công ty internet và do đó Ủy ban Châu Âu (EC), vốn là cơ quan điều hành EU, cần phải được thông báo về vấn đề này.
Tuy nhiên, ECJ cho rằng điều này là không cần thiết.
"Các quốc gia thành viên EU có thể cấm và trừng phạt một hoạt động vận tải bất hợp pháp như UberPop, trước khi thông báo cho EC về hành động trừng phạt này", ông Maciej Szpunar, tổng chưởng lý tại ECJ, nói trong một thông cáo báo chí vào thứ Năm.
Ý kiến của Szpunar là không có tính ràng buộc về pháp lý, nhưng quyết định cuối cùng thường tuân theo quan điểm của các thẩm phán ECJ.
Szpunar đã viện dẫn một quan điểm khác của ECJ vào tháng 5, rằng Uber thực sự là một dịch vụ vận chuyển chứ không phải là một "dịch vụ thông tin". Khi đó, Szpunar nói rằng Uber có thể phải xin giấy phép cho dịch vụ của mình ở mọi quốc gia nơi nó hoạt động. Vì Uber không chỉ đơn thuần là một dịch vụ internet, EC không cần phải được thông báo trước về các biện pháp trừng phạt áp dụng đối với UberPop, Szpunar nói.
Uber luôn luôn khẳng định rằng mình không phải là một công ty vận tải và chỉ đơn thuần là chương trình kết nối người dùng với các tài xế.
Trường hợp duy nhất mà một quốc gia thành viên cần phải thông báo cho EC về dự thảo luật để trừng phạt một dịch vụ như UberPop, là nếu quốc gia đó muốn chế tài riêng dịch vụ đó. Trong trường hợp này, ECJ nói rằng việc Pháp trừng phạt Uber chỉ ảnh hưởng một cách "tình cờ", chứ không phải là nhắm riêng vào UberPop.
Uber đã đóng cửa dịch vụ UberPop ở Pháp sau những cuộc bạo động tại nước này, khi các tài xế taxi truyền thống lật đổ xe hơi và đốt lốp xe tại nhiều nơi.
Cũng tại Pháp trong năm ngoái, ông Pierre-Dimitri Gore-Coty, người hiện đang là người đứng đầu Uber khu vực Châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông (MENA) và Thibaud Simphal, cựu lãnh đạo Uber tại Pháp, đã bị án phạt về tội kinh doanh vận tải trái phép, còn Uber thì phải nộp phạt 800.000 euro (908.200 USD). Uber vẫn đang kháng cáo bản án này, và một phiên tòa phúc thẩm dự kiến diễn ra sẽ vào cuối tháng 9, với kết quả dự kiến được công bố vào cuối năm nay.
Đây là tin xấu mới nhất cho Uber, vốn đang vướng vào các vụ kiện cáo về quấy rối tình dục và cố tình lách luật bằng phần mềm. Việc CEO Travis Kalanick từ chức cũng khiến cho công ty rơi vào tình cảnh rắn mất đầu.
Uber gần đây cũng đã rút khỏi Đan Mạch, và bị cấm hoạt động ở một số thành phố châu Âu. Dịch vụ UberPop cũng đã bị cấm ở một số nước như Đức và Thụy Điển.