Như VietTimes đã thông tin, ngày 10/1, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã hoàn thành việc lắp biển cấm các xe hợp đồng dưới 9 chỗ đi vào 13 tuyến phố trong khung giờ cao điểm. Từ ngày 11/1, các phương tiện vi phạm sẽ bị lực lượng chức năng xử lý.
Trao đổi bên lề với báo chí về lệnh cấm này, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - cho biết, đối với Hà Nội, Đề án quản lý phương tiện giao thông đường bộ, góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đã được HĐND thông qua tại Nghị quyết 04 và được UBND thành phố ban hành. Trong đó, nội dung của đề án có đề cập đến việc quản lý phương tiện giao thông đường bộ.
Cụ thể, trên địa bàn Hà Nội hiện có 7 đơn vị được Bộ GTVT phê duyệt đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, bao gồm: Công ty cổ phần hợp tác đầu tư và phát triển; Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Linh Trang; Công ty cổ phân vận tải 57 Hà Nội; Công ty cổ phần tập đoàn Mai Linh; Công ty cổ phần phát triển thương mại và du lịch quốc tể Ngôi Sao; Công ty TNHH Grabtaxi; Công ty TNHH Uber Việt Nam.
"Về thời gian thực hiện, trong 10 ngày đầu, chúng tôi sẽ tổ chức tuyên truyền nhắc nhở các phương tiện. Sau đó, sẽ xử lý đối với xe Uber, Grab và các xe hợp đồng dưới 9 chỗ đi vào những tuyến phố cấm giờ", ông nói thêm.
Trước lệnh cấm, nhiều ý kiến cho rằng, việc cấm phương tiện hợp đồng dưới 9 chỗ đi vào các tuyến phố là không khả thi vì rất khó phân biệt được xe hợp đồng và xe cá nhân.
Để kiếm chứng việc này, PV VietTimes đã thực hiện một số chuyến đi với các điểm đón và đến đều nằm trên đường cấm như Xuân Thủy, Giảng Võ, Láng Hạ, Cầu Giấy trong khoảng từ 17h30 đến 20h ngày 14/1 và nhận thấy việc di chuyển vẫn diễn ra hết sức bình thường, bất chấp lệnh cấm và hoàn toàn không có sự can thiệp của CSGT.
Tài xế tên Toàn, người có 1,5 năm làm tài xế công nghệ, với điểm đánh giá 4,8* chia sẻ, theo quy định hiện hành của Bộ GTVT, đặc điểm duy nhất để phân biệt xe hợp đồng với xe cá nhân là logo và biển “Xe hợp đồng”. Tuy nhiên, mới có khoảng 40% số xe có ít nhất một trong các dấu hiệu này. Hơn nữa, nếu cần thiết, lái xe có thể dễ dàng bóc các đặc điểm nhận dạng này.
Ngoài ra, với hợp đồng điện tử, khi nhận chuyến đi thì lái xe mới biết được địa điểm đón và đến của xe. Nếu địa điểm trong các tuyến đường cấm thì phải hủy chuyến. Nhưng Grab, Uber đều có giới hạn hủy chuyến trong ngày đối với cả lái xe và người sử dụng, nếu quá lượt hủy sẽ bị khóa tài khoản. Điều này có ảnh hưởng nhất định tới việc chỉ số đánh giá - xếp hạng của tài xế.
Đấy là chưa kể, khi khách muốn đến tuyến đường cấm phương tiện vào giờ cao điểm thì lái xe buộc phải hủy chuyến đi hoặc đi tuyến đường khác đến địa điểm đó, như vậy sẽ rất dễ nảy sinh mâu thuẫn giữa lái xe với khách hàng. Cùng với đó, lộ trình di chuyển của lái xe sẽ dài hơn, giảm ùn tắc ở các tuyến đường cắm biển nhưng lại đẩy ùn tắc sang các tuyến đường khác.
Trước đề nghị của VietTimes về nhận định tính hiệu quả của lệnh cấm, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng: Cấm được nhưng đây không phải là biện pháp tốt.
Tuy nhiên, Sở GTVT Hà Nội chưa tổ chức cuộc họp nào, chưa trả lời Hiệp hội, trái lại còn cắm thêm biển cấm đi vào 13 tuyến phố. Vì vậy, các doanh nghiệp vận tải Hà Nội kiên quyết phản đối chủ trương này.
"Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng đã họp và có phản ứng việc cấm xe vì gây ảnh hưởng không chỉ mỗi Uber, Grab mà còn rất nhiều doanh nghiệp được cấp phù hiệu hợp đồng đưa đón khách cũng ảnh hưởng theo', ông Liên cho biết.
Trao đổi riêng với VietTimes, Luật sư Trương Thanh Đức (Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Chủ tịch Công ty Luật Basico) cho rằng, ở nước ngoài, muốn giảm ùn tắc thì cần cấm phương tiện cá nhân, khuyến khích phương tiện vận tải công cộng. Nhưng Hà Nội lại làm ngược lại. “Nếu nói về lý, muốn cấm thì phải cấm xe riêng. Nhưng bây giờ lại đi cấm ngược”, ông Đức nói.
Phân tích rõ hơn, ông cho biết: “Việc Hà Nội cấm trên 13 tuyến phố này, phần lớn là vì kiện cáo về bình đẳng trong kinh doanh giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ, gây ra khó kiểm soát nên cấm tất”.
"Tuy nhiên, với việc Bộ GTVT yêu cầu niêm yết thông tin xe và sau này là kết nối GPS định vị được xe công nghệ thì, về mặt lý thuyết, sẽ quản lý và xử phạt được. Nhưng về chế tài xử phạt, hiện Uber, Grab chưa được định danh rõ ràng, nên việc căn cứ vào đâu để xử phạt là điều Sở GTVT Hà Nội cần làm rõ", Luật sư Đức gợi ý.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, hiện nay, nếu xử phạt, thì có thể xử phạt các xe vận tải này như các xe bình thường, tình tiết có là xe taxi hay không cũng chỉ là tình tiết tăng nặng và chưa có cơ chế rõ ràng.
Ngày 10/1, Sở GTVT Hà Nội đã hoàn thành việc lắp biển cấm các xe hợp đồng dưới 9 chỗ đi vào 13 tuyến phố trong khung giờ cao điểm. Từ ngày 11/1, các phương tiện vi phạm sẽ bị lực lượng chức năng xử lý.
Cụ thể, các tuyến đường (phố) hạn chế hoạt động trong khung giờ cao điểm từ 6h00 - 9h00 và 16h30 - 19h30 gồm: Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Trường Chinh (đoạn từ Vương Thừa Vũ đến Tôn Thất Tùng), hạn chế hoạt động theo cả hai chiều. Phố Khâm Thiên hạn chế hoạt động theo chiều từ Lê Duẩn đi Ô Chợ Dừa.
Các tuyến đường (phố) hạn chế hoạt động từ 0h đến 21h00 gồm đường Cầu Giấy, Xuân Thủy, hạn chế hoạt động theo cả hai chiều. Các tuyến đường (phố) hạn chế hoạt động 24/24h (cả ngày, đêm) gồm: Phố Phủ Doãn - hạn chế hoạt động theo chiều từ Tràng Thi đến Hàng Bông; ngõ 897 Giải Phóng (cổng vào bến xe phía Nam), hạn chế hoạt động theo chiều từ Giải Phóng đi vào bến xe.
Cầu Chương Dương, hạn chế hoạt động theo chiều từ Nguyễn Văn Cừ sang Trần Nhật Duật trong thời gian từ 6h00 đến 9h00 trừ ngày lễ, thứ bảy và chủ nhật. Phố Hàng Bài (đoạn từ Trần Hưng Đạo đến Lý Thường Kiệt), hạn chế hoạt động theo chiều từ Trần Hưng Đạo đến Lý Thường Kiệt, thời gian từ 19h00 đến 24h00 các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật”.