Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng người đồng cấp Nga tại Moscow, Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan nói rằng: “Chúng tôi không thể cáo buộc bất cứ quốc gia nào gây ra các vụ tấn công nhằm vào 4 tàu chở dầu trên các vùng biển thuộc lãnh hải của chúng tôi, bởi chúng tôi không có đủ bằng chứng. Nếu có bất cứ quốc gia nào đưa ra được bằng chứng rõ ràng hơn, cộng đồng quốc tế chắc chắn sẽ lắng nghe họ”.
Tuy nhiên, ông Abdullah nhấn mạnh rằng, thông tin như vậy sẽ cần phải “rõ ràng, chính xác, khoa học và có sức thuyết phục trước cộng đồng quốc tế”.
Mỹ đã nhanh chóng đưa ra lời buộc tội Iran thực hiện vụ tấn công 4 tàu chở dầu – 1 của UAE, 1 của Na Uy và 2 của Arab Saudi – trên Vịnh Oman, vùng biển kết nối Vịnh Ba Tư với eo biển Hormuz. Tehran cực lực bác bỏ mọi sự liên quan tới vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực.
Phản ứng trước phát biểu của Ngoại trưởng UAE, Đại sứ Iran tại LHQ Majid Takht Ravanchi nói rằng “tuyên bố vô căn cứ” của Mỹ “thậm chí còn không được các đồng minh thân thiết nhất của họ ủng hộ”, thêm rằng “ngày hôm nay, một trong những nước trong khu vực đã tự tách họ khỏi các tuyên bố của Mỹ”. Ông Ravanchi còn nói: “Dù là thêu dệt hay cáo buộc người khác cũng không thể thay đổi thực tế. Mỹ cần phải ngừng ngay chủ nghĩa phiêu lưu quân sự và các chiến dịch đánh lạc hướng trên Vịnh Ba Tư”.
Một cuộc điều tra các vụ tấn công tàu chở dầu mà UAE thực hiện mới đây không cáo buộc bất cứ bên nào đứng đằng sau, nhưng một thông cáo báo chí chung mà UAE cùng Na Uy và Arab Saudi công bố hồi đầu tháng này kết luận rằng dường như các tàu chở dầu bị thiệt hại là do nhiều trái mìn “được các thợ lặn triển khai từ tàu cao tốc đặt vào thân các con tàu”. Đưa ra thêm chi tiết, 3 quốc gia nói rằng họ tìm thấy “bằng chứng cho thấy 4 vụ tấn công là một phần của một chiến dịch phối hợp tinh vi được thực hiện bởi một bên có tiềm lực cao, rất có thể là một nhà nước”.
Chỉ 2 tuần sau khi các vụ tấn công xảy ra, Đô đốc hải quân Mỹ Michael M. Gilday nói trước báo giới rằng Lầu Năm Góc “tin rằng vụ việc có liên quan tới giới lãnh đạo cấp cao nhất của Iran và rằng tất cả các vụ tấn công mà tôi đề cập tới được thực hiện bởi các lực lượng của Iran hoặc các lực lượng ủy thác của nước này”.
Tàu chở dầu Amjad bị tấn công vào hôm 12/5 (Ảnh: AFP)
|
Khi loạt vụ tấn công thứ hai xảy ra hôm 13/6, nhằm vào 1 tàu Na Uy và 1 tàu Nhật Bản, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra một tuyên bố ngay trong ngày nói rằng “Iran chịu trách nhiệm” dựa trên đánh giá “thông tin tình báo, thứ vũ khí đã được sử dụng, mức độ chuyên môn cần thiết để thực hiện vụ tấn công, các vụ tấn công khác mà Iran thực hiện, và thực tế rằng không có nhóm ủy thác nào trong khu vực có đủ nguồn lực để hành động với độ tinh vi đến như vậy”.
Một tuyên bố mà Anh đưa ra cùng ngày cũng ủng hộ lập luận của Mỹ, nói rằng “gần như chắc chắn rằng một nhánh của quân đội Iran – lực lượng Vệ binh Cách mạnh Iran (IRGC) – đã tấn công 2 tàu chở dầu vào ngày 13/6” và nhấn mạnh rằng, liên quan tới cuộc điều tra mà UAE dẫn đầu đối với vụ tấn công xảy ra hôm 12/5, “chúng tôi tin rằng Iran chịu trách nhiệm cho vụ tấn công đó”.
Mỹ sau đó công bố một đoạn video mà họ cho là có cảnh binh sỹ của IRGC đang tháo dỡ một trái mìn bám chưa nổ khỏi thân tàu Nhật Bản. Iran vẫn lên tiếng bác bỏ cáo buộc, cho rằng đây là một chiến dịch đánh lạc hướng, đặc biệt vụ việc xảy ra trong lúc mà Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có chuyến thăm Tehran. Nhiều siêu cường khác, cùng giới chuyên gia, đều bày tỏ sự ngờ vực, trong khi công ty sở hữu con tàu Nhật bị tấn công cho biết, thủy thủ trên tàu kể rằng họ trông thấy “các vật thể bay” tấn công tàu chứ không phải mìn.
Trong buổi phỏng vấn với tờ Al-Sharq Al-Awsat của Arab Saudi hôm thứ Tư tuần này, Thủ tướng Abe gọi các vụ tấn công trên là một “mối đe dọa nghiêm trọng” tới hòa bình và sự thịnh vượng, nhưng từ chối cáo buộc một bên bởi Tokyo cũng đang thực hiện cuộc điều tra của họ. Cũng trong cuộc phỏng vấn với hãng tin trên, Hoàng thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman nói rằng Iran đã “không tôn trọng” ông Abe khi thực hiện các vụ tấn công này, đồng thời cáo buộc Tehran “cùng các nhóm ủy thác của họ” đứng đằng sau các vụ tấn công tàu chở dầu hồi tháng 5.
Trong cuộc gặp với người đồng cấp UAE, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng “các nước Arab ở Vịnh Ba Tư có thể ủng hộ đối thoại theo nhiều cách, thay vì đẩy khu vực vào chỗ tiềm ẩn nhiều rủi ro xung đột vũ trang”.
Theo Newsweek