Tỷ phú Việt: Thương vụ 1,8 tỷ USD chấn động nước Mỹ

Là một trong 17 người Mỹ nhập cư thành công, được vinh danh trong quyển Giấc mơ Mỹ của Dan Rather, Trung Dung đã có trong tay 1,8 tỷ USD và là một trong những người gốc Việt thành công nhất trên đất Mỹ.
Người đàn ông được báo chí Mỹ vinh danh

Sự nghiệp từ 2 USD

Đến Mỹ chỉ với 2 USD trong tay, sau 14 năm, Trung Dung đã có trong tay 1,8 tỷ USD và là một trong những người gốc Việt thành công nhất ở đất nước cờ hoa. Năm 1985, Trung Dung đặt chân tới Boston với chỉ 2 USD và một chút vốn liếng Tiếng Anh. Vừa học, vừa làm, sau khi hoàn thành tất cả các học phần cho chương trình tiến sĩ, Dung quyết định bỏ không làm luận án tốt nghiệp để kiếm việc trợ giúp gia đình. 

Bắt đầu với một công ty phần mềm thương mại điện tử, năm 1996, ông nghỉ việc để tập trung cho việc phát triển công nghệ. Dung sáng lập và trở thành Giám đốc công nghệ của OnDisplay, công ty thương mại điện tử tạo ra phần mềm cho phép các doanh nghiệp tìm và sàng lọc những khối lượng dữ liệu lớn. 

Năm 1999, Dung bán OnDisplay với giá 1,8 tỷ USD. Sau đó Dung sáng lập và là trở thành CEO của Fogbreak Solutions, công ty chuyên về ứng dụng doanh nghiệp nhằm tối ưu hoá độ linh hoạt của chuỗi cung ứng và hiệu quả dây chuyền sản xuất. 

Fogbreak được tài trợ bởi những nhà đầu tư hàng đầu như Matrix Partners, Greylock và Sigma Partners. Trung Dung được trao giải Cây đuốc Vàng tại Đại hội toàn quốc Người Mỹ gốc Việt tại Washington D.C.

Câu chuyện của Trung Dung được nhiều tờ báo như Forbes, Thời báo Tài chính và Thời báo phố Wall, chia sẻ lại, họ đánh giá Trung Dung là gương mặt người Việt thành công trên đất Mỹ.

Ý tưởng từ đồ ăn nhanh

Một gương mặt khác là Tri Tran hiện là CEO của Munchery - công ty vận chuyển bữa ăn đã hoàn thiện tới tận nhà khách hàng. Với Tri Tran để có được thành công, anh đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Ý tưởng khởi nghiệp từ việc nấu nướng mang tới các gia đình của một hàng xóm là đầu bếp, ngay lập tức anh cùng người bạn đã cùng nghỉ việc để bắt đầu dự án này.


Khởi nghiệp từ đồ ăn nhanh

Ban đầu, họ đã ký hợp đồng với các đầu bếp - chế biến món ăn ngay tại bếp nhà họ và bán trực tuyến. Một năm sau đó trôi qua và thực tế là Tri Tran vẫn chưa thể kiếm ra tiền. Tuy nhiên thay vì đóng cửa công ty, anh tiếp tục tham vọng của mình. Vào năm 2011, Munchery đã bị từ chối bởi hầu hết các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tại thung lũng Silicon.

Trong khi đó, việc thuê các đầu bếp không thuận lợi, công ty đã thay đổi chiến lược. Sau khi có khoản đầu tư 210.000 USD, một năm sau đó, Munchery thuê riêng một nhà bếp công nghiệp và tuyển đầu bếp làm việc toàn thời gian. Tháng 5 năm ngoái, Munchery đã huy động được 85 triệu USD và công ty được định giá ở mức 300 triệu USD. 


Mạng lưới giao hàng ở nhiều thành phố lớn

Công ty hiện có mặt ở 4 thành phố lớn ở Mỹ gồm San Francisco, Los Angeles, New York và Seattle. Tại mỗi nơi, Munchery đều có các nhà bếp công nghiệp riêng. Tri Tran có ảnh hưởng không nhỏ tới nền công nghiệp đồ ăn nhanh nước Mỹ. Chàng trai gốc Việt này đã thay đổi hoàn toàn ngành dịch vụ giao đồ ăn Mỹ

Tri Tran nói rằng Munchery hiện là nhà chế biến các bữa ăn lớn nhất tại những thành phố mà họ hoạt động. Anh hy vọng có thể mở rộng thêm ít nhất 10 thị trường nữa trong năm tới nhưng không cho biết chi tiết về kế hoạch này.

Thành công nhờ nem cuốn

Khác với Trung Dung, Tri Tran thành công trên đất Mỹ thì Bao Hoang được ghi danh với 36 nhà hàng khắp Australia với doanh thu một năm gần 30 triệu USD.

Học những công thức nấu ăn từ mẹ, Bao Hoang cùng với người hai người khác mở công ty kinh doanh đồ ăn Việt tên là Rolld, bán bánh mì, nem cuốn, bún phở, cơm tấm, bánh xèo, gỏi ở trong ngõ Goldsbrough, thành phố Melbourne. Khách hàng tiềm năng là những người đang làm việc tại cơ quan gần đó như Ngân hàng Quốc gia Australia, Mallesons và Công ty bảo hiểm CGU,…


Chàng trai khởi nghiệp từ món ăn Việt

Món nem cuốn nhanh chóng được ưu chuộng, nhà hàng trở nên nổi tiếng. Mỗi năm Rolld bán được từ 5-6 triệu chiếc nem cuốn, chiếm đến 50% doanh số của công ty. Bao Hoang đã có 36 cửa hàng của Rolld trải khắp Australia. Doanh thu từ các cửa hàng lên đến gần 30 triệu USD trong một năm.

Bước đường khởi nghiệp không hề dễ dàng, theo Bao Hoang cần phải có niềm đam mê và động lực. Trong khi đó, rất khó quản lý được cơ sở kinh doanh mới khởi nghiệp với số vốn ít ỏi, chỉ cần doanh số bán hàng của bạn giảm đi 10% thì cũng có nghĩa đang gặp rắc rối lớn. 


Nhà hàng luôn hút khách tới

Sắp tới, Rolld sẽ mở nhà hàng đầu tiên ở bang Nam Australia trong năm 2016 và mục tiêu của Rolld là phải có 100 nhà hàng vào cuối năm 2018. Dự định sắp tới, ông chủ nhà hàng này sẽ mở rộng thị trường ở Anh và Mỹ. 

Có thể nói, thành công ở những lĩnh vực khác nhau trên nước Mỹ nhưng họ đều có một điểm chung là lòng khát khao khởi nghiệp và đều là người gốc Việt. Những cái tên của họ gắn liền với cả một nền công nghiệp hay thậm chí ảnh hưởng rất lớn tới nhiều ngành kinh tế khác nhau tại Mỹ.

Theo VNN