Thông tin trên được PGS. TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết tại hội thảo truyền thông nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, nhằm tăng cường điều trị, giám sát bệnh cúm ở người, tăng cường quản lý bệnh không lây nhiễm, quản lý phần mềm kê đơn thuốc điện tử và thu hút người bệnh đến khám, chữa bệnh tại Việt Nam, do Bộ Y tế tổ chức sáng nay, 20/12.
Hiện, việc quản lý các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã còn gặp nhiều khó khăn. Ước tính, có dưới 15% trạm y tế thực hiện quản lý điều trị tăng huyết áp, dưới 5% số trạm y tế quản lý điều trị đái tháo đường. Trạm y tế xã hầu như chưa cung cấp dịch vụ chẩn đoán, điều trị về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hen phế quản, ung thư.
PGS. TS. Lương Ngọc Khuê phát biểu tại hội thảo
|
Theo ông Khuê, các trạm y tế xã mới chỉ thực hiện khám bệnh, kê đơn theo lượt đối với các bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, đái tháo đường,…) như bệnh thông thường, chưa quản lý điều trị ngoại trú lâu dài (chỉ một số ít trạm y tế xã quản lý, duy trì bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường).
Cùng với đó, thuốc điều trị cho bệnh nhân còn thiếu về số lượng, chủng loại, đặc biệt là thuốc huyết áp, đái tháo đường, không sẵn có thường xuyên.
Thống kê cho thấy, trong số những người đang quản lý điều trị, chỉ có 19% bệnh nhân tăng huyết áp và 6% bệnh nhân đái tháo đường được cấp thuốc tại trạm y tế xã, hầu hết bệnh nhân vẫn phải lên các cơ sở y tế tuyến trên để khám và lĩnh thuốc định kỳ.
Bên cạnh đó, việc thiếu các dịch vụ quản lý bệnh không lây nhiễm ở tuyến xã là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ phát hiện, điều trị bệnh không lây nhiễm ở mức thấp.
Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong quá trình quản lý các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã, Bộ Y tế đã ban hành tài liệu chuyên môn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và quản lý một số bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã.
Theo đó, tài liệu có 5 hướng dẫn chính gồm: hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, quản lý tăng huyết áp; hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, quản lý đái tháo đường; hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, quản lý lồng ghép tăng huyết áp và đái tháo đường; hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và bệnh hen phế quản ở người lớn.
Đây được coi là những hướng dẫn quan trọng giúp các cán bộ y tế tuyến cơ sở thực hiện tốt công tác chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên để điều trị.