Hôm qua (6/5), Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Thường trực Ban Công tác thúc đẩy IPv6 Quốc gia tổ chức Hội thảo “Hành động quốc gia về IPv6 - Chung tay cung cấp dịch vụ tới người sử dụng” tại Hà Nội.
Những tồn tại của công tác triển khai IPv6 của Việt Nam cũng đã được thường trực Ban công tác nhận thức rõ, đó là: tỷ lệ người dùng IPv6 quá thấp (chỉ đạt 0,03% so với tỷ lệ trung bình 10,41% của thế giới); lưu lượng thực tế IPv6 không đáng kể; mức độ triển khai IPv6 của các doanh nghiệp chưa đồng đều, kết quả chủ yếu vẫn từ các nhà mạng và ISP; các đối tượng mới được bổ sung vào từ giai đoạn II Kế hoạch quốc gia về IPv6 gồm các doanh nghiệp cung cấp nội dung, các báo điện tử, các nhà đăng ký tên miền đều chưa có kết quả triển khai thực tế nào đáng ghi nhận.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Trưởng Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia cho biết, trước thách thức về vấn đề cạn kiệt IPv4 và yêu cầu chuyển đổi sang IPv6, đáp ứng nhu cầu bùng nổ trên Internet, ngày này 8 năm trước, 6/5/2008, Bộ TT&TT đã ban hành chỉ thị về việc thúc đẩy sử dụng đia chỉ Internet thế hệ mới IPv6, đón đầu và khởi đầu cho việc thúc đẩy mạnh mẽ việc nghiên cứu, thử nghiệm, xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi IPv4 sang IPv6 tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Trưởng Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia.
Theo đại diện VNNIC, thường trực Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia, kết thúc giai đoạn II - giai đoạn khởi động của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, khung chính sách thúc đẩy IPv6; tổ chức các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, các hội thảo nâng cao nhận thức về IPv6…, mạng IPv6 quốc gia đã được hoàn thiện, với 10 ISP kết nối IPv4/IPv6.
Đặc biệt, nếu như các năm trước trên hệ thống thống kê của CISCO, APNIC và Google, tỷ lệ người dùng IPv6 của Việt Nam là 0% thì đến thời điểm hiện tại, các hệ thống này đều cho thấy Việt Nam đã có sự hiện diện trên bản đồ IPv6 thế giới, với tỷ lệ người sử dụng IPv6 của Việt Nam đạt gần 0,03%.