Mới đây, Twitter chia sẻ rằng đang thử nghiệm tính năng đăng bài bằng giọng nói của người dùng. Mỗi tweet giọng nói thu được tới 140 giây âm thanh. Twitter giải thích, đôi khi 280 ký tự là không đủ và một số sắc thái trong thông điệp tweet có thể bị mất đi trong bản dịch.
Vậy một mạng xã hội như Twitter khi triển khai bài đăng bằng âm thanh liệu có đạt được đúng hiệu quả như kỳ vọng, hay sẽ có những tác dụng phụ gì?
Có những nghiên cứu khẳng định rằng truyền đạt ngữ điệu qua văn bản là rất khó khăn. Lấy ví dụ một thí nghiệm từ năm 2005 do nhà khoa học Justin Kruger chủ trì. Theo đó, những người tham gia thí nghiệm gửi email 10 thông điệp cho người nhận. Một số tuyên bố là nghiêm túc, một số là hài hước.
Những người gửi mail tin rằng người nhận sẽ xác định chính xác cảm xúc đằng sau hầu hết các tin nhắn. Trên thực tế, những người nhận chỉ xác định được giữa nghiêm túc và hài hước đúng 56%, thấp hơn nhiều so với dự kiến.
Tuy nhiên, vẫn những thông điệp đó được trình bày qua giọng nói, người nhận đã hiểu được chính xác cảm xúc lên đến 73%, gần như tương đồng với những gì người gửi kỳ vọng. Điều này đặc biệt đúng với sự hài hước, khi mà người gửi nghĩ trong đầu họ là sự hài hước và cho rằng nó sẽ được cảm nhận như vậy.
Với các thông điệp gửi qua mail, người nhận chỉ xác định được giữa nghiêm túc và hài hước đúng 56%. Nhưng vẫn những thông điệp đó được trình bày qua giọng nói thì người nhận hiểu được chính xác cảm xúc lên đến 73%.
Bên cạnh những hiệu ứng tích cực hỗ trợ người dùng truyền đạt đúng cảm xúc mong muốn, tính năng tweet bằng giọng nói cũng có một số hạn chế. Tính năng này có thể trở thành một công cụ để la hét, chửi bới, miệt thị, thậm chí xấu xa hơn. Câu hỏi đặt ra không phải điều đó có xảy ra không, mà là ở mức độ nào?
Theo CNN, một phát ngôn viên của Twitter cho biết họ đang nghiên cứu để kết hợp các hệ thống giám sát bổ sung trước khi triển khai các tweet bằng giọng nói rộng hơn. Twitter sẽ xem xét bất kỳ tweet bằng giọng nói nào được báo cáo theo quy tắc của mình và xử lý nếu cần.
Tính năng này sớm cần được dán nhãn cảnh báo người dùng với nội dung nhạy cảm, không loại trừ khả năng phải có nhãn cảnh báo cũng bằng âm thanh.
Một vấn đề nữa là khả năng tiếp cận. Như kỹ sư phần mềm Michael Shiplet chỉ ra, vì chưa có khả năng tự động chuyển đổi âm thanh thành phụ đề, tweet âm thanh sẽ không thể truy cập với người dùng khiếm thính.
Theo ICT News