Trong ngành hàng điện tử tiêu dùng, có lẽ smartphone và TV là những sản phẩm có tốc độ phát triển chóng mặt nhất. Điều này cũng dễ hiểu khi smartphone được xem là thiết bị cầm tay không thể thiếu với mỗi người, thay thế cho hàng loạt sản phẩm khác, từ máy ảnh, máy tính cá nhân đến thiết bị nghe nhạc. Trong khi đó, TV được xem là trung tâm trong phòng khách của mỗi gia đình.
Cách đây vài năm, mơ ước của nhiều người có lẽ là sở hữu một chiếc TV Full HD, kích thước 49-50 inch để trải nghiệm những chương trình truyền hình, phim với độ phân giải siêu nét. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm, người ta đã nói đến 8K, kích thước 98 inch như là những tiêu chuẩn bắt buộc phải có cho một mẫu TV cao cấp.
Thị trường TV sôi động
Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường GfK, các hãng sản xuất bán ra 219 triệu chiếc TV trên toàn cầu năm 2018, trong đó TV có kích thước 50 inch trở lên chiếm một nửa lượng bán ra.
Mặc dù vậy, để tìm ra những công nghệ đột phá thực sự trên hàng trăm mẫu TV bán ra hiện nay là không dễ. Phần lớn những mẫu TV cao cấp, hoặc bán chạy nhất hiện nay đều sở hữu thiết kế hoặc công nghệ tương tự nhau.
Đó có thể là những mẫu TV sử dụng công nghệ chấm lượng tử (quantum dot), Nano Crystals hay màn hình OLED, QLED với độ phân giải Ultra HD (2K) hoặc 4K. Một công nghệ khác cũng rất phổ biến trên các mẫu TV cao cấp hiện nay là HDR, giúp tăng độ tương phản và màu sắc hay Local Dimming (làm tối cục bộ). Tất cả giúp tăng chất lượng hiển thị của hình ảnh.
Về âm thanh, người ta thường nhắc đến Dolby Digital - giả lập am thành vòm 6 kênh, DTS Studio, Dolby MS10 hoặc 11, Clear Phase, Ultra Surround hay công nghệ của Harman/Kardon cho đến các chế độ âm thanh thông minh (Smart Sound Mode).
Tất cả tạo nên một thị trường TV sôi động với nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, nếu hỏi rằng từng đó đủ để khiến người dùng hài lòng chưa thì câu trả lời có lẽ là chưa.
Công nghệ và nhu cầu khách hàng không dừng lại. Cuộc đua công nghệ TV cũng ngày càng khắc nghiệt, đòi hỏi các hãng phải tiếp tục nâng cao trải nghiệm của người dùng. Theo đó, TV hiển thị với độ phân giải ngày càng cao, 2K, 4K và bây giờ phải là 8K, cùng những yêu cầu về độ sáng màn hình, thiết kế tinh tế... để không chỉ là thiết bị nghe nhìn TV phải trở thành một món đồ trang trí nội thất của người dùng am hiểu công nghệ, khó tính trong chất lượng hình ảnh và thể hiện đẳng cấp sống.
Chiếc TV thế hệ mới không chỉ có chất lượng trình chiếu xuất sắc mà còn phải khác biệt từ công nghệ, trải nghiệm, và mang đến những giá trị khác về phong cách sống cho người sở hữu.
Một chiếc TV đẳng cấp 2019 cần những gì?
Chắc chắn chất lượng hình ảnh là điều đầu tiên người dùng cần ở một chiếc TV. Nếu phải tìm một chiếc TV có độ phân giải lớn nhất hiện nay, mẫu QLED kích thước 98 inch với độ phân giải 8K của Samsung chắc chắn không có đối thủ.
Với hơn 33 triệu điểm ảnh, độ phân giải 7.680 x 4.320, gấp 4 lần TV 4K và 16 lần TV 1.080p, hình ảnh hiển thị trên các mẫu TV này thực sự vượt trội so với các thế hệ trước. Đi kèm với màn hình sắc nét, tốc độ khung hình cao là điều gần như bắt buộc với một mẫu TV cao cấp hiện đại. Thông thường, nhà sản xuất sẽ sử dụng chip chuyên dụng để đẩy tốc độ khung hình lên mức 120 khung hình/giây để làm người dùng thực sự hài lòng.
Thiết kế tối giản và hiện đại chắc chắn là một trong những ưu tiên hàng đầu. Nếu coi TV là một món đồ trang trí trong phòng khách, chẳng ai muốn nó cồng kềnh, nhiều dây nhợ phức tạp khiến chiếc TV mất đi vẻ thẩm mĩ. Do đó, những mẫu TV đẳng cấp hiện nay như Samsung QLED đều dùng các loại Connect Box hay Invisible Connection – một chiếc hộp riêng biệt để kết nối TV với thiết bị gắn ngoài và loa qua một sợi cáp mảnh.
Người ta nhắc rất nhiều đến thời đại của AI và trên thực tế, công nghệ này cũng giúp tối ưu hóa trải nghiệm của người xem rất nhiều. Chẳng hạn, TV QLED 8K của Samsung sử dụng con chip Quantum Processor 8K, có khả năng xử lý hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo. Nó học hỏi hàng triệu triệu hình ảnh, sau đó lập tức đưa ra thuật toán tối ưu nhất để nâng cấp hình ảnh từ nguồn phát thường lên hình ảnh chất lượng tương đương 8K.
Trước đây, những công nghệ nâng cấp chất lượng hình ảnh đã có nhưng mang tính “đánh bóng” nhiều hơn. Chỉ khi áp dụng công nghệ AI Upscale của Samsung, tính thực hiện của nó mới thực sự được phát huy. Điều này đồng nghĩa, người dùng có thể xem những bộ phim 4K, thậm chí Full HD với chất lượng gần tương đương 8K. Đây là giải pháp rất hữu ích trong bối cảnh nội dung chất lượng 8K còn khá hạn chế hiện nay.