Sau khi hai tuyến cáp quang biển quốc tế tại Việt Nam là AAG và APG gặp sự cố trong tháng 4 và tháng 5, tới lượt tuyến Asia Africa Europe 1 (AAE-1) cũng gặp vấn đề vào ngày 3/6.
Tuyến cáp quang AAE-1 đã gặp sự cố vào 21h ngày 3/6 trên nhanh S1H hướng kết nối đi Hong Kong. Tuyến cáp quang này được đưa vào khai thác từ tháng 7/2017, có vai trò nâng cao chất lượng hướng châu Âu và Trung Đông cũng như bổ sung thêm dung lượng tới hướng kết nối đi Hong Kong và Singapore.
Đây là lần đầu tuyến AAE-1 gặp sự cố trong năm nay. Nguyên nhân cáp gặp sự cố vẫn đang được xác định.
Như vậy từ tối 3/6 tới sáng 4/6, Việt Nam có tới 3 tuyến cáp cùng gặp sự cố. Tới 9h sáng ngày 4/6, tuyến cáp quang AAG đã hoàn thiện sửa chữa và lưu lượng trên tuyến đã được khôi phục hoàn toàn. Trước đó, tuyến cáp quang AAG gặp sự cố từ ngày 14/5, và trong quá trình sửa chữa lại phát hiện thêm điểm đứt mới khiến thời gian sửa bị lùi lại.
Trong khi đó, tuyến cáp quang APG cũng bị đứt trên nhánh S9 hướng kết nối đi Singapore vào ngày 30/4, sau đó ngày 23/5, APG lại gặp sự cố trên đoạn S1.7 hướng đi Hong Kong.
Theo đối tác sửa chữa, việc khắc phục các sự cố này sẽ được bắt đầu từ ngày 6/6 và hoàn thành vào ngày 11/6. Để khôi phục toàn bộ kênh truyền trên tuyến APG, các đối tác quốc tế sẽ phải khắc phục sự cố trên cả 2 nhánh cáp S9 và S1.7 của tuyến cáp.
Với việc cáp AAG đã được sửa xong, hiện chỉ còn 2 tuyến cáp biển là APG và AAE-1 đang gặp sự cố. Để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dùng, phần lớn dung lượng kết nối quốc tế đã sẽ được các nhà mạng điều chuyển các tuyến cáp đất liền và 3 tuyến cáp biển SMW3, IA và AAG mới được khôi phục.
Ngoài ra, theo thông tin từ nhà mạng Viettel, dự kiến ngay trong tháng 6, hệ thống cáp quang biển IA sẽ được bảo dưỡng, với thời gian bắt đầu là 23h ngày 20/6 và hoàn tất vào 25/6.
Chia sẻ với PV,đại diện của nhà mạng Viettel cho biết việc xảy ra sự cố cáp quang biển là tình huống bất khả kháng với các nguyên nhân phổ biến do đường cáp nằm dưới biển bị đứt hoặc tàu thuyền lớn qua lại hạ neo dễ làm cáp dò nguồn.
Trước tình huống này, giải pháp của Viettel là sử dụng công cụ phần mềm giám sát, phát hiện để điều chỉnh, san tải giúp giảm tối đa ảnh hưởng tới các dịch vụ. Ngoài ra, nhà mạng cũng lắp đặt hệ thống cache của các hãng lớn tại các tổng trạm để lưu trữ các nội dung thường xuyên, cơ bản ở trong nước, hạn chế kết nối ra quốc tế.