Tướng Mỹ: Trung Quốc đủ sức ngăn Mỹ giành ưu thế trên không ở chuỗi đảo chiến lược

Trung Quốc có thể ngăn chặn Mỹ giành ưu thế trên không trong chuỗi đảo thứ nhất, theo nhận định của chỉ huy hàng đầu của Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ảnh chụp màn hình từ video cho thấy Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông của quân đội Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn xung quanh đảo Đài Loan vào tháng 5/2024. Ảnh: Getty.

Tuần trước, Đô đốc Samuel Paparo – Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ – thừa nhận rằng Trung Quốc đang có khả năng ngăn chặn Mỹ giành ưu thế trên không trong khu vực “chuỗi đảo thứ nhất”, chuỗi quần đảo chiến lược ở Đông Á bao gồm Nhật Bản, Đài Loan, và phía bắc Philippines.

Phát biểu trong một phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, ông Paparo đánh giá cao năng lực không quân của Trung Quốc. Ông cho biết Bắc Kinh hiện sở hữu khoảng 2.100 máy bay tiêm kích và 200 máy bay ném bom H-6, với tốc độ sản xuất tiêm kích hiện cao hơn Mỹ, theo tỷ lệ 1,2 so với 1.

Dù Trung Quốc vẫn sử dụng nhiều khung máy bay đời cũ, số lượng chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 đang tăng nhanh, cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều của tiêm kích thế hệ thứ 5. Bên cạnh đó, nước này vẫn tiếp tục nghiên cứu và phát triển các thiết kế máy bay mới.

“Chưa hết”, ông Paparo nói thêm, “họ còn sở hữu các loại tên lửa không đối không tầm xa tiên tiến – đây là mối đe dọa vô cùng lớn”. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tập trung đầu tư xây dựng kho vũ khí tên lửa, đặc biệt là những loại có thể tấn công các lực lượng và căn cứ của Mỹ và đồng minh trong khu vực, bao gồm cả những sân bay phòng thủ yếu.

Ưu thế trên không – thứ mà quân đội Mỹ từng đạt được trong nhiều cuộc xung đột ở Trung Đông – là khả năng kiểm soát gần như tuyệt đối bầu trời, cho phép các máy bay hoạt động linh hoạt và hỗ trợ hiệu quả cho các lực lượng mặt đất. Theo ông Paparo, nếu để mất ưu thế này, Mỹ sẽ không thể duy trì năng lực đối phó với các đối thủ, cũng như khả năng hỗ trợ đồng minh, đặc biệt trong khu vực chuỗi đảo thứ nhất.

Tuy nhiên, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang phải nhìn nhận lại khái niệm “ưu thế trên không” trong bối cảnh chiến tranh hiện đại. Với việc hai bên đều sở hữu các cảm biến tiên tiến và vũ khí tầm xa mạnh mẽ – bao gồm cả hệ thống phòng không hiện đại – việc kiểm soát hoàn toàn bầu trời trong thời gian dài dường như không còn thực tế.

Máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc biểu diễn tại Căn cứ Không quân Hoàng gia Thái Lan Korat, tỉnh Nakhon Ratchasima, Thái Lan vào tháng 11/2015. Ảnh: Reuters.

Dù vậy, ông Paparo cho biết Mỹ vẫn có “quân bài chiến lược” trong tay. Trong trường hợp xảy ra xung đột, theo ông, không bên nào – cả Washington lẫn Bắc Kinh – có thể đạt được “ưu thế tuyệt đối” trên không.

“Nhiệm vụ của tôi sẽ là tranh giành quyền kiểm soát không phận”, ông nói với các nghị sĩ, “bảo vệ các lực lượng đóng tại chuỗi đảo thứ nhất, chẳng hạn như Lực lượng Viễn chinh Thủy quân Lục chiến số 3, đồng thời tạo ra các ‘khoảng trống trên không’ để thực hiện những mục tiêu chiến thuật”.

Các quan chức và chuyên gia nhiều lần tranh luận về chiến lược không quân của Mỹ trong trường hợp xung đột với Trung Quốc, đặc biệt là vai trò của máy bay không người lái và ảnh hưởng của sức mạnh không quân đến cục diện chiến tranh.

Ngoài ra, yếu tố quan trọng khác là cách Trung Quốc sẽ bảo vệ các mục tiêu chiến lược như trung tâm chỉ huy, căn cứ không quân và trạm radar bằng hệ thống phòng không của mình.

Một số nghiên cứu thậm chí cho rằng Trung Quốc có khả năng gây thiệt hại nặng cho không quân Mỹ hơn là chiều ngược lại.

Nhiều chuyên gia và nghị sĩ đã kêu gọi Mỹ cần gia cố các căn cứ không quân ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tăng cường hệ thống phòng không, để bảo đảm tính sống còn của máy bay Mỹ nếu Trung Quốc bất ngờ phóng tên lửa tấn công. Tuy nhiên, giới lập pháp cho rằng Washington vẫn chưa làm đủ để đối phó với nguy cơ này.

Theo Business Insider