Công nghệ màn hình OLED là một chuẩn mực mới cho chất lượng hiển thị. Đó là bằng chứng không thể chối cãi trong lĩnh vực sản xuất thiết bị công nghệ hiện nay, trải dài từ những smartphone, TV, và giờ đây là cả những chiếc laptop nữa.
OLED là gì?
OLED - viết tắt của "organic light-emitting diode" - là một loại hình công nghệ hiển thị. Nó mang trong mình nhiều điểm khác biệt so với tiêu chuẩn LCD (liquid crystal display) trước đó bằng cách hoạt động theo cơ chế tạo ra ánh sáng màu sắc bên trong mỗi điểm ảnh (pixel) đơn lẻ, từ đó tạo nên toàn bộ hình ảnh được hiển thị, thay vì sử dụng một hệ thống đèn chiếu sau như LCD.
Điều này đồng nghĩa với việc OLED có thể tái tạo những điểm màu đen hoàn hảo nhờ vào việc "tắt" hoàn toàn những pixel đó đi, chứ không phải như cách LCD vận hành - che đậy ánh sáng phía sau nhưng đến một lúc nào đó vẫn lộ nhược điểm là những khoảng trống nhỏ để lọt qua. Kết quả thu được là một tỷ lệ màu tương phản lý tưởng giữa hai sắc thái mạnh mẽ nhất của màu trắng và đen.
Từ đó, các tấm hiển thị OLED sẽ mang đến những khung hình chân thực và sắc nét hơn. Nếu có cơ hội trải nghiệm một chiếc Galaxy S7 và iPhone 7 cùng một lúc, bạn sẽ nhận ra sự khác biệt: Màn hình LCD của Apple vốn đã tuyệt vời qua bàn tay của những chuyên gia từ phía họ, nhưng thiết bị đến từ Samsung lại có phần nhỉnh hơn về mặt hấp dẫn của màu sắc (và mỏng hơn nữa).
Một điều nữa bạn cần biết đó là những công nghệ hỗ trợ dải màu rộng, độ tương phản cao sẽ khiến màn hình LCD ngày càng hiện đại và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Thế nhưng chính những tùy biến đó cũng không hẳn được dành riêng cho LCD. Về phần OLED, chỉ riêng tỷ lệ tương phản màu của nó cũng đủ để vượt xa LCD rồi, chưa tính đến việc hỗ trợ bởi những công nghệ bên lề.
Bóng bẩy và hoa mỹ
Hãy cùng nhìn vào một mẫu laptop màn hình OLED - Lenovo ThinkPad X1 Yoga.
Nhìn tổng thể: Bàn phím xuất sắc, thiết kế truyền thống nhưng lại rất tiện nghi và dễ chịu, đi kèm với hiệu năng lý tưởng. Thời lượng pin chấp nhận được, và dù không có cổng USB-C nào nhưng lại khá nhẹ và mỏng, cùng màn hình xoay 360 độ. Thiết bị này xứng đáng thỏa mãn được cả những yếu tố cần thiết cho cả đối tượng người dùng doanh nhân và di chuyển đời thường.
Bạn có thể nêu ra thêm một vài cái tên hấp dẫn khác trong cùng phân khúc, nhưng thực ra điều làm ThinkPad X1 Yoga nổi bật lên trong số đó lại là màn hình OLED. Tính đến thời điểm hiện tại, nó là một trong 3 dòng laptop đầu tiên áp dụng công nghệ này, song song với Alienware 13 và HP Spectre x360. Dải màu của nó vô cùng đa dạng, với độ sâu và trong trẻo đột phá. Mức độ tương phản thì không có gì phải phàn nàn nữa rồi.
Nếu không tự trải nghiệm tận mắt thì bạn sẽ không bao giờ có thể hiểu được cảm giác khác biệt như thế nào khi sở hữu những chiếc laptop như vậy. Mọi thứ, từ những vạch kẻ sân trong tựa game FIFA cho tới từng biểu tượng trong Start Menu của Windows 10 như được làm nổi bật, sống động hơn. Đặc biệt là mỗi lần xem phim trên đó, chắc chắn bạn không thể cưỡng lại sức hút khi bật chế độ toàn màn hình.
Thách thức chuyên môn kỹ thuật
Dù được tung hô như vậy nhưng OLED không phải là không có nhược điểm. Chẳng hạn, về yếu tố góc nhìn: Màn hình OLED cung cấp cho người dùng khả năng nhìn hình ảnh một cách rõ ràng, dễ nhận biết ngay cả khi không ở góc mắt trực diện. Tuy nhiên, dù vẫn nhìn rõ nhưng khi ấy tông màu có thể bị tác động lệch đi so với góc nhìn ban đầu, ám xanh và lệch lạc một chút, không còn bắt mắt như trước nữa.
Ngoài ra, dù được công nhận về độ sáng vượt trội của màu sắc, nhưng khi tông màu trắng bao phủ quá nhiều thì màn hình có xu hướng bị giảm sắc thái màu. Hơn nữa, độ bão hòa màu cũng bị làm cho hơi quá so với hình dung ban đầu. Nếu dùng cho những mục đích giải trí hay đa phương tiên phổ biến thì sẽ không có gì đáng chê trách, nhưng xét đến các lĩnh vực chuyên sâu về mặt kỹ thuật hơn thì ThinkPad X1 Yoga vẫn cần phải chỉnh sửa thêm.
Một vấn đề khác nữa là hiện tượng "burn-in", hiểu nôm na là khi bạn để cố định một khung hình hiển thị trên màn hình OLED quá lâu - ví dụ như các icon mặc định của thanh taskbar Windows - màn hình sẽ xảy ra hiện tượng hình ảnh icon đó bị... giữ lại, kể cả khi đã chuyển sang đối tượng hiển thị khác ở chính khu vực đó. Do đó, các thương hiệu như Lenovo à Alienware phải nhờ đến sự can thiệp của phần mềm, cũng như cung cấp nhiều chương trình bảo hành sản phẩm.
Cụ thể, Lenovo đã tích hợp nhiều chế độ hiển thị màu và cài đặt thiết lập sáng màn hình trực tiếp trên thiết bị Yoga để trợ giúp người dùng. Bạn có thể dễ dàng điều chỉnh từng khía cạnh về tông màu, hoặc thiết lập tự động giảm hiệu suất để tiết kiệm năng lượng và tránh hiện tượng burn-in. Dù vậy, không phải lúc nào nhà sản xuất cũng tính đến mọi sự cố có thể xảy ra. Một số ứng dụng như Google Chrome đôi khi bị hạ tông màu mỗi lần biểu tượng CapsLock của Lenovo hiện lên màn hình...
Còn nhiều ví dụ khác nữa, nhưng qua việc Microsoft không hề chuẩn bị trước cho việc sửa chữa hệ màu lệch trên hệ điều hành của mình, có vẻ như Windows 10 sinh ra vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho công nghệ OLED.
Thách thức về mặt kết cấu lắp đặt laptop
Đây cũng là một vấn đề cần thiết được đề cập đến, điển hình là hiện nay OLED đang dần du nhập, trở thành một tiêu chuẩn mới trên smartphone cao cấp, nhưng laptop thì lại có vẻ như đang rơi vào một tình thế rối bời.
Lenovo, Alienware và HP lần lượt phô diễn những bước tiến tiên phong của mình đối với công nghệ OLED vào sự kiện CES 2016 tổ chức trong tháng 1 vừa qua. Chỉ còn 2 tháng nữa sẽ diễn ra CES 2017, vậy mà chẳng có thể một chiếc laptop OLED nào khác được trình làng từ đó đến giờ.
Được biết, 3 cái tên trên cũng đều rơi vào tình trạng không đảm bảo nguồn hàng ổn định. Lenovo Yoga được gắn nhãn "hết hàng" trên trang web, HP gần đây có mở thêm đợt ra hàng mới vào mùa thu nhưng thiết bị Spectre lại không được cập nhật thông số và thiết kế, hay Alienware thì khởi sắc hơn, cải tiến thiết kế vào đầu tháng 11, nhưng vẫn chưa thể khắc phục hết nhược điểm tồn tại.
Nhiều người cũng có cùng quan điểm rằng OLED là công nghệ đột phá cho tương lai của lĩnh vực màn hình hiển thị, vậy tại sao những bước phát triển của nó lại trắc trở như vậy?
Theo nhận định của Linn Huang, giám đốc nghiên cứu tại hãng phân tích IDC, nguyên nhân nằm ở chi phí sản xuất - một trong những yếu tố trọng yếu cần được quan tâm khi mà sức hút của PC đang dần giảm xuống theo thời gian.
"OLED sẽ cần thêm một thời gian nữa mới có thể thực sự vực dậy và phát triển," Huang phát biểu. "Vào thời điểm này, thị trường không có nhiều sức hấp dẫn để mời gọi những sản phẩm màn hình OLED lớn sắc nét vì nguồn cung khá hiếm. Giá thành tích hợp tấm màn OLED so với những notebook nhỏ gọn thông thường bị tăng lên 20-30%, vốn đã không phù hợp với tình trạng sụt giảm doanh số của PC hiện nay rồi."
Nhìn chung, cả 3 sản phẩm laptop OLED trên thị trường như đã đề cập đều có giá cao hơn những phiên bản LCD là 250 USD với cùng phân khúc cấu hình. Cụ thể, dù đều sở hữu bộ vi xử lý Core i5 nhưng OLED Yoga có giá khởi điểm ở mức 1700 USD, OLED ALienware 13 là 1749 USD còn OLED Spectre là 1349 USD. Một con số quả thực không hề khiêm tốn một chút nào.
Giám đốc cấp cao Frank Azor đến từ Alienware cho biết lượng đơn đặt hàng cho OLED Alienware 13 vẫn cao, nhưng đồng thời ông cũng thừa nhận nguồn cung của mình và cả Lenovo là Samsung lại không có được may mắn như vậy trong cùng lĩnh vực sản phẩm OLED.
"Đây không phải là vấn đề dễ dàng giải quyết trong ngày một ngày hai," Azor nhận xét.
Dù sao thì ông cũng bày tỏ một niềm hy vọng về sự phát triển vượt bậc trong phân khúc sản xuất màn hình OLED.
Viễn cảnh tương lai cho laptop
Liệu một ngày nào đó OLED laptop cũng sẽ trở thành một tiêu chuẩn mới? "Sẽ mất cả một quá trình đấy," Huang nhận định. "LCD vẫn nắm trong tay một vài ưu điểm, ít nhất là khả năng sản xuất và cung cấp trên quy mô lớn. Khoảng cách trình độ công nghệ giữa OLED và LCD là không thể chối cãi, nhưng LCD vẫn còn chiếm giữ một phần lớn thị trường laptop hiện nay."
"Laptop màn hình OLED cũng sẽ dần tiến triển trong những năm tiếp theo, nhưng vẫn chưa thể tiến sâu và trở thành phân khúc thị trường phổ thông ngay được. Có lẽ OLED nên khởi đầu là một chuẩn mực cho loại hình thiết bị cao cấp trước đã."
Chưa rõ tương lai của màn hình OLED ra sao, nhưng ít nhất chúng ta cũng có thể công nhận những ưu điểm vượt trội của nó đối với công nghệ trước đây. Hãy cùng hy vọng và đón nhận một ngày không xa, tiêu chuẩn OLED sẽ đến tay toàn bộ người dùng công nghệ trên thế giới.
Theo Trí Thức Trẻ, Tham khảo: Business Insider