Tờ Nhân Dân Trung Quốc ngày 12/8 cho biết gần đây tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard LHD-6 đến khu vực Tây Thái Bình Dương bắt đầu tiến hành tuần tra tác chiến. Ngoài ra, nhiều máy bay ném bom chiến lược B-1 cũng sẽ triển khai ở Guam.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Doãn Trác trả lời phỏng vấn đài truyền hình CCTV Trung Quốc cho rằng Mỹ chỉ đang duy trì sức ép quân sự đối với Trung Quốc, hơn nữa máy bay ném bom chiến lược của họ hoàn toàn không phải là thủ đoạn tác chiến lo ngại nhất của Trung Quốc trong chiến tranh.
Theo đài truyền hình CCTV, ngày 6/8 theo giờ địa phương, Hải quân Mỹ cho biết tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard LHD-6 cùng ngày đã xuất phát từ cảng chính Sasebo, tỉnh Nagasaki phía tây Nhật Bản, tiến ra khu vực Tây Thái Bình Dương, bắt đầu tiến hành tuần tra tác chiến.
Tại căn cứ Sasebo, tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard đã được sửa chữa và nâng cấp trong thời gian 4 tháng. Sau khi rời khỏi căn cứ Sasebo, tàu này sẽ đi thẳng xuống phía nam tới biển Hoa Đông, nhưng hiện nay Quân đội Mỹ hoàn toàn không tiết lộ điểm đến tuần tra cuối cùng của tàu này.
Trước đó, sau khi kết thúc nhiệm vụ tác chiến ở Trung Đông, tàu tấn công đổ bộ USS Boxer LHD-4 đã đến Singapore vào ngày 30/7, sau khi được bảo dưỡng, tàu này đã tiến vào Biển Đông.
Các tàu USS Bonhomme Richard LHD-6 và USS Boxer LHD-4 đều là tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp của Hải quân Mỹ, lượng giãn nước lên tới 40.000 tấn. Nhìn vào ngoại hình, do áp dụng đường băng nối thẳng, nó hầu như không có sự khác biệt lớn với tàu sân bay.
Nhưng, Mỹ điều động các tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard LHD-6 và USS Boxer LHD-4 có nghĩa là Quân đội Mỹ đồng thời triển khai “tàu sân bay tiêu chuẩn” lớn chục nghìn tấn trở lên ở hai hướng nam - bắc khu vực xung quanh Trung Quốc.
Ngoài ra, trong các ngày 5 và ngày 8/8, tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles và tàu khu trục Aegis USS Mommsen của Quân đội Mỹ cũng đã lần lượt đến vịnh Subic của Philippines. Đây phải chăng là hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực xung quanh Trung Quốc tiếp tục bước vào giai đoạn sôi động?
Chuyên gia quân sự Trung Quốc, Thiếu tướng Doãn Trác cho rằng, hành động của Mỹ thực ra có thể thấy “điểm yếu” về quân sự của họ. Bởi vì chi phí quá cao, 2 tàu sân bay của họ hiện nay buộc phải rút khỏi Biển Đông.
Hơn nữa, sử dụng các tàu đổ bộ thay thế tàu sân bay, tiến hành hoạt động ở cả biển Hoa Đông và Biển Đông để răn đe Trung Quốc. Điều này hoàn toàn không cho thấy chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc hiện nay có bất cứ sự điều chỉnh nào, họ chỉ đang duy trì gây sức ép quân sự đối với Trung Quốc.
Ngày 8/8, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Quân đội Mỹ đã xác nhận có nhiều máy bay ném bom chiến lược B-1 đã đến căn cứ không quân Anderson Guam vào ngày 6/8.
Quân đội Mỹ không tiết lộ số lượng cụ thể của lô máy bay ném bom B-1 này, chỉ cho biết chúng đến từ bang South Dakota thuộc lãnh thổ Mỹ, đi theo bao gồm khoảng 300 binh sĩ.
Lần trước Quân đội Mỹ triển khai máy bay B-1 ở Guam là vào năm 2006. Trong thời gian đó, Mỹ triển khai lực lượng răn đe chiến lược chủ yếu ở Guam, phần lớn lấy máy bay ném bom B-2 và B-52 làm chính.
Lần này, Mỹ triển khai máy bay B-1 ở Guam là để thay thế một lô máy bay ném bom B-52 triển khai trước đó.
Hãng tin CNN Mỹ cho biết, sau khi triển khai ở Guam, máy bay ném bom chiến lược B-1 sẽ có thể trực tiếp bay đến Biển Đông. Điều quan trọng hơn là, máy bay B-1 hơn hẳn máy bay ném bom tầm xa B-52 về khả năng đột phá phòng không siêu thấp.
Doãn Trác cho rằng máy bay ném bom B-1 đến Biển Đông hoàn toàn không thể không phá giải. Mặc dù là máy bay ném bom chiến lược siêu âm, nhưng tính tàng hình không tốt, đặc trưng hồng ngoại của động cơ rất rõ rệt.
Cho nên, Mỹ chỉ dám sử dụng máy bay B-1 sau khi đoạt được quyền kiểm soát trên không. Trước khi chưa đoạt được quyền kiểm soát trên không, các máy bay ném bom cỡ lớn như B-1 hoặc B-52 căn bản không dám triển khai trên chiến trường.
Trong thời bình, để thể hiện uy lực, Quân đội Mỹ điều máy bay ném bom B-1 đến Biển Đông tiến hành tuần tra và bay. Một khi thực sự khai chiến, B-2 mới có khả năng là vũ khí sử dụng trong đợt đầu, chứ không phải là B-1.
Về tổng thể, máy bay ném bom chiến lược của Mỹ hoàn toàn không phải là thủ đoạn tác chiến lo ngại nhất với Trung Quốc trong chiến tranh - Doãn Trác tự tin khẳng định.