Tung đòn quyết liệt, Mỹ loại ba công ty Trung Quốc khỏi sàn chứng khoán, Bắc Kinh dọa trả đũa

VietTimes – Sở Giao dịch Chứng khoán New York, thông báo bắt đầu thủ tục theo lệnh hành pháp do Tổng thống Trump ký tháng 11, hủy niêm yết ba công ty viễn thông của Trung Quốc bị cáo buộc có quan hệ với quân đội Trung Quốc.
Từ ngày 11/1/2021, ba công ty viễn thông nhà nước Trung Quốc sẽ bị hủy niêm yết trên sàn New York do liên quan đế quân đội Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Ba công ty Trung Quốc bị hủy niêm yết trên sàn New York

Theo BBC ngày 2/1/2021, một thông báo do Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) đưa ra hôm thứ Năm (31/12/2020) theo giờ Mỹ cho biết ba công ty China Telecom, China MobileChina Unicom Hong Kong sẽ được lệnh ngừng giao dịch trên sàn kể từ ngày 11/1/2021 trừ khi các công ty yêu cầu thẩm tra lại.

Sắc lệnh hành pháp do Tổng thống Donald Trump ký quy định rằng, các công ty đầu tư Mỹ, quỹ hưu trí và các loại nhà đầu tư khác sẽ không được mua cổ phiếu của 31 công ty Trung Quốc. 31 công ty này đã được Bộ Quốc phòng Mỹ xác định là các công ty do quân đội Trung Quốc hậu thuẫn trong năm 2020 vừa qua.

Bị ảnh hưởng bởi sự xấu đi của quan hệ Trung - Mỹ và báo cáo về một số công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ hồi năm ngoái đã bị cáo buộc phóng đại dữ liệu hoạt động; chính phủ Mỹ đã có nhiều hành động chống lại các công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ trong những tháng gần đây. Giới quan sát cho rằng khi chính quyền Mỹ tiếp tục phong tỏa các công ty này, sẽ có thêm nhiều công ty Trung Quốc khác rời Mỹ và chuyển đến Hồng Kông và những nơi khác để niêm yết.

Ngoài Sở giao dịch New York, China Telecom, China Mobile và China Unicom Hong Kong đều được niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán Hồng Kông. Tuyên bố của Sở giao dịch chứng khoán New York không nêu rõ mối quan hệ giữa 3 công ty này và quân đội Trung Quốc như thế nào.

Dự đoán sẽ có hàng trăm công ty Trung Quốc rút khỏi sàn chứng khoán New York sau khi Mỹ thực hiện lệnh hành chính của Tổng thống Trump (Ảnh: Getty)

Lệnh hành pháp của Tổng thống Trump vào thời điểm đó chỉ ra rằng Trung Quốc "đang ngày càng sử dụng nhiều vốn của Mỹ để tài trợ cho quân đội, cơ quan tình báo và các cơ quan an ninh khác, thúc đẩy sự phát triển và hiện đại hóa các cơ quan này".

Các quan chức Nhà Trắng cho biết họ đã xem xét sắc lệnh hành pháp mới này trong vài tháng. 31 công ty bị ảnh hưởng này đã được Mỹ xác định là các công ty được quân đội Trung Quốc hậu thuẫn trong năm 2020. Các ngành liên quan đến chúng bao gồm từ các công ty công nghệ đến các công ty xây dựng lớn thuộc sở hữu nhà nước.

Chính phủ Mỹ đã thực hiện nhiều hành động chống lại các công ty Trung Quốc niêm yết tại địa phương trong những tháng gần đây, nhưng vẫn có nhiều cân nhắc về thương mại. Năm ngoái, nhiều công ty Trung Quốc đã bị phanh phui việc phóng đại dữ liệu hoạt động của họ, trong đó có chuỗi cửa hàng cà phê Luckin Coffee. Công ty này sau đó đã thừa nhận rằng giám đốc tài chính Lưu Kiếm (Liu Jian) và cấp dưới của ông ta đã nghi ngờ làm giả các báo cáo sai sự thật trong suốt quý II đến quý IV năm 2019. Ước tính sơ bộ liên quan đến gian lận doanh số lên tới 2,2 tỉ NDT.

Vụ bê bối gian lận tài chính của Luckin Coffee năm ngoái mở đầu cho quá trình tách rời tài chính Mỹ - Trung (Ảnh: Getty).

Công ty chuyển phát trực tuyến iQiyi của Trung Quốc đã bị WolfpackMuddy Waters cáo buộc thổi phồng số lượng người dùng, thu nhập và giá mua lại. Công ty này ước tính đã báo cáo sai doanh thu từ 8 đến 13 tỉ nhân dân tệ và giá cổ phiếu có thời điểm sụt giảm 13%.

Quốc hội Mỹ sau đó đã thông qua The Holding Foreign Companies Accountable Act (Đạo luật trách nhiệm giải trình các công ty nước ngoài), yêu cầu các công ty nước ngoài niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ phải tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm toán của Mỹ. Nếu công ty nước ngoài nào không qua được việc kiểm toán của Ủy ban Giám sát Kiểm toán công ty đại chúng Hoa Kỳ trong 3 năm liên tiếp sẽ bị cấm niêm yết trên bất kỳ sàn giao dịch nào ở Mỹ.

Sau khi dự luật có hiệu lực, nó sẽ có tác động đến hơn 100 công ty vốn Trung Quốc ở Mỹ, nhiều công ty đã bắt đầu trình tự quay trở lại Hồng Kông để niêm yết lần thứ hai nhằm tránh tác động tiêu cực của dự luật mới của Mỹ đối với công ty.

Trung Quốc đe dọa trả đũa

Theo VOA ngày 3/1/2021, sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) thông báo hôm 31/12/2020 rằng họ sẽ buộc hủy niêm yết đối với ba công ty khổng lồ trong ngành viễn thông nhà nước của Trung Quốc theo lệnh hành pháp của Tổng thống Trump, Trung Quốc ngày 2/1/2021 đã đáp trả rằng họ sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa.

Người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 2/1 ra tuyên bố về việc NYSE hủy niêm yết ba công ty Trung Quốc, phản đối việc Mỹ “lạm dụng an ninh quốc gia” để đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách “Các công ty quân đội Trung Quốc”, nói rằng “sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết, kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc".

Ba doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc là China Mobile, China Unicom China Telecom, cổ phiếu của họ đều được giao dịch dưới hình thức chứng chỉ tiền gửi (ADR). Chứng chỉ này được Ngân hàng Trung ương Mỹ cấp cho các công ty nước ngoài không đăng ký tại Mỹ để tạo thuận tiện cho việc giao dịch cổ phiếu và trái phiếu của họ tại Mỹ.

Sở giao dịch chứng khoán New York đã đưa ra tuyên bố nói sắc lệnh của tổng thống cấm bất kỳ người Mỹ nào tham gia vào bất kỳ giao dịch chứng khoán nào liên quan đến các công ty quân sự Trung Quốc. Trong trường hợp này, việc ba công ty này niêm yết trên sàn NYSE là không phù hợp.

Tuyên bố nói rằng quá trình hủy niêm yết đã được bắt đầu và giao dịch sẽ bị tạm dừng từ ngày 7 đến ngày 11/1. Tới đây, sẽ có thêm nhiều công ty Trung Quốc buộc phải rút khỏi thị trường chứng khoán Mỹ.

Đồng thời với việc NYSE thực hiện hành động này, các nhà cung cấp chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới MSCI, S&P Dow Jones Indices, FTSE Russell và Nasdaq đều đã loại bỏ các công ty Trung Quốc khác nhau khỏi chỉ số tương ứng của họ.

Sau bầu cử Tổng thống Trump tiếp tục tấn công không ngừng nghỉ đối với Trung Quốc (Ảnh: AP).

Tổng thống Trump đã ban hành một lệnh hành pháp vào tháng 12 năm ngoái để cấm tất cả người Mỹ và các tổ chức của Mỹ đầu tư vào các công ty Trung Quốc có nguồn gốc quân sự. Lệnh này nhằm khôi phục một đạo luật do Hoa Kỳ ban hành năm 1999, yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ đệ trình danh sách các doanh nghiệp quân sự Trung Quốc. Lầu Năm Góc bắt đầu thực thi luật này vào năm ngoái và 35 công ty Trung Quốc đã được đưa vào danh sách này, bao gồm Công ty Dầu khí hải dương CNOOC và nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng phản đối việc Mỹ trừng phạt các công ty Trung Quốc có bối cảnh quân sự, cho rằng tuyên bố của Mỹ về chính sách kết hợp quân sự - dân sự của Trung Quốc là "sự vu khống ác ý". Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp để bảo vệ các công ty Trung Quốc.

VOA bình luận, quan hệ Mỹ - Trung đã trở nên thù địch hơn trong năm qua. Sự che giấu dịch của Trung Quốc khi bắt đầu bùng phát đại dịch COVID-19 và sau đó tuyên bố rằng các binh sĩ Mỹ đã đưa virus vào Trung Quốc trong Thế vận hội quân sự tháng 10/2019, việc Bắc Kinh ép buộc áp dụng Luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông và sự leo thang căng thẳng ở Biển Đông, v.v., đã khiến quan hệ giữa hai bên trở nên nhanh chóng tồi tệ đi.

Hãng Reuters nhận xét, đây là một động thái chính sách lớn do ông Trump đưa ra sau thất bại trong cuộc bầu cử, cho thấy chính quyền của ông đang tìm cách sử dụng thời gian còn lại của nhiệm kỳ để tấn công Trung Quốc. Điều này cũng có thể làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn đã đáng lo ngại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.