Về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, giới tinh hoa Nga:

Tức giận trước thái độ “ngạo mạn” của Mỹ và châu Âu, nhưng luôn lo ngại trước sự bành trướng của Trung Quốc

VietTimes -- Giới tinh hoa Nga đều tỏ ra rất tức giận trước thái độ “ngạo mạn xem thường” họ của Mỹ và Châu Âu, nhưng họ lại luôn lo ngại (có phần bản năng) trước sự bành trướng của Trung Quốc. Đồng thời, họ cũng hiểu rằng Trung Quốc và Nga không bao giờ có thể là đồng minh thực sự. Vì Trung Quốc trong toàn bộ lịch sử của mình, chưa bao giờ có (cần) đồng minh.
Nga sẽ đóng vai trò như thế nào trong cuộc đối đầu ngày một gia tăng gữa Hoa Kỳ và Trung Quốc?

Trung Quốc và Mỹ có các lợi ích địa chính trị khác nhau, do đó giữa hai cường quốc, căng thẳng chắc chắn sẽ gia tăng. Trong cuộc đối đầu đang ngày một gia tăng này, lưu ý đến quan điểm của nước Nga là rất cần thiết. Lý do là vì hiện nay, Nga vừa bị áp lực từ phương Tây, đồng thời lại đang phải ở trong cái bóng của quyền lực kinh tế Trung Quốc. Vì vậy, nhiều khả năng cuộc đối đầu cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ được Nga xem như một yếu tố quan trọng tạo cơ hội cho Nga củng cố vị thế địa chính trị của mình.

Vai trò của Nga trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung

GS. Emil Avdaliani, hiện đang dạy lịch sử và quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Tbilisi và Đại học Ilya (Grudia) bình luận: “Nhờ vào tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, đồng thời với sự phát triển sức mạnh quân sự đáng kể, Trung Quốc đang bộc lộ ý đồ trở thành một “tay chơi” hàng đầu trên chính trường quốc tế. Trung Quốc có những lợi ích chiến lược xung đột với những lợi ích của Mỹ. Bắc Kinh cần đảm bảo nguồn cung cấp dầu và khí đốt, mà hiện nay đang được cung cấp chủ yếu thông qua eo biển Malacca. Đối với Trung Quốc, trong kỷ nguyên Mỹ thống trị trên biển, lợi ích sống còn là phải chuyển hướng nền kinh tế của mình, cũng như các tuyến đường cung cấp nguyên liệu thô sang các điểm khác.

Đó chính là động lực cốt lõi, đằng sau sáng kiến "Một vành đai, một con đường", một dự án được ước tính giá trị khoảng 1000 tỷ USD. Mục tiêu của sáng kiến này là kết nối lại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với Châu Âu thông qua Nga, Trung Đông và Trung Á. Đồng thời Trung Quốc, nước hiện đang cố gắng phá vỡ sự thống trị của Mỹ trên biển, cũng có tham vọng thống trị đại dương ngày một lớn hơn. Từ tác động của những yếu tố này dẫn đến một thực tế là trong những năm tới và nhiều thập niên về sau, sự nghi ngờ lẫn nhau không tránh khỏi trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington sẽ ngày một gia tăng.

Có nhiều kịch bản khác nhau về khả năng xảy ra một cuộc đụng độ quyết liệt giữa hai cường quốc trong tương lai gần đã được các nhà phân tích chính trị quốc tế đưa ra. Tuy nhiên, hầu hết những công trình phân tích này đã bỏ qua vai trò của Nga. Trong khi nước Nga, trải dài từ vùng biển Baltic đến Thái Bình Dương, có một vị trí đặc biệt giữa Phương Tây và Phương Đông. Ngoài ra, nhờ những khả năng địa chính trị, quân sự và kinh tế của mình, nước Nga có tiềm năng thay đổi cân bằng đáng kể, để đóng vai trò mấu chốt trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bộ ba quyền lực nhất thế giới 

Một nước Nga từng bị o ép

Moskva tin rằng cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc có thể giúp nước Nga thúc đẩy những tham vọng địa chính trị của mình. Những tham vọng, mà trong ba thập niên qua, phần lớn đã bị Châu Âu và Mỹ kiềm chế.

Cuộc khủng hoảng hiện tại giữa Nga và phương Tây là kết quả của rất nhiều sự khác biệt và bất đồng cơ bản. Cả trong không gian hậu Xô Viết lẫn các nơi khác. Do đó, những căng thẳng trong quan hệ hai bên, có thể vẫn sẽ tồn tại ở trạng thái âm ỉ, trong một tương lai rất xa. Điều này không cho phép bất cứ bên nào có những nhượng bộ lớn.

Việc Phương Tây bành trướng thành công vào những lãnh thổ từng luôn được coi là "sân sau" của Nga cũng đã thu hẹp đáng kể không gian triển khai sức mạnh của Moskva, giảm mạnh khả năng tiếp cận của nước Nga, đến khu vực phía Bắc lục địa Á Âu. Làm cho nước Nga bị “bó chặt” trong không gian giữa Trung Quốc, Nhật Bản đang phát triển nhanh chóng và các nước châu Á khác, cũng như tiểu lục địa hiện đại và công nghệ Châu Âu.

Nước Nga luôn tuyên bố, rằng hiện nay biên giới phía Tây của Nga dễ bị tổn thương vì NATO và EU đang tích cực di chuyển về phía Đông. Trên thực tế, Nga có nhiều vùng lãnh thổ dễ bị tổn thương hơn nhiều. Chẳng hạn như khu vực Bắc Capkadơ và Trung Á “lỏng lẻo”.

Xét về một phương diện nào đó có thể nghĩ rằng người Nga đang đơn giản là lãng phí quá nhiều sức lực và tài nguyên quốc gia của mình vào những vấn đề họ đang gặp phải với Phương Tây. Và ngân sách của Nga đang “oằn lưng” gánh những chi phí quá nặng, như chương trình hiện đại hóa quân đội rất tốn kém và những chi phí để bảo trợ các chế độ ly khai thân Nga ở Moldova, Ukraina và Grudia.

Những người Nga bình thường hoàn toàn có lý do khi hỏi, tại sao chính quyền Nga lại dành nhiều tiền đến thế để giải quyết những vấn đề ở các nước thuộc Liên Xô cũ. Trong khi, hiện tại phần lớn biên giới nước Nga là ở Châu Á. Tại sao nước Nga lại bỏ ra quá nhiều sức lực và tiền bạc vào một công việc vô vọng: ngăn chặn sự lan tỏa ảnh hưởng Phương Tây ở các nước thuộc Liên Xô cũ? Câu hỏi này sẽ bức xúc gấp bội khi chúng ta nhìn vào bản đồ nước Nga với những vùng đất rộng lớn chưa khai phá ở Siberia, hay đúng hơn là còn đang bỏ hoang.

Tài nguyên gần như vô tận của nước Nga chưa được khai thác đúng mức 

Vị trí địa lý của Nga phải được tính đến

Ngày nay, châu Âu là một trong những trung tâm chính của tiến bộ công nghệ, cũng như Nhật Bản và Trung Quốc. Trong toàn bộ lịch sử của mình, nước Nga chưa bao giờ từng có cơ hội phát triển vùng Siberia và biến nó thành nền tảng cho sự phát triển nền kinh tế toàn thế giới.

Vị trí địa lý của Nga là đặc biệt duy nhất và sẽ tiếp tục là như vậy trong vài thập niên tới. Bởi vì theo các dự báo, lớp băng che phủ Bắc Băng Dương sẽ giảm đáng kể. Bắc Băng Dương sẽ biến thành một đại dương của các tuyến hàng hóa thương mại. Điều này sẽ mang lại cho Nga một cơ hội lịch sử trở thành cường quốc hàng hải. Nguồn nhân lực và công nghệ của Trung Quốc, Nhật Bản ở Viễn Đông cũng như nguồn vốn và công nghệ của Châu Âu ở miền Tây nước Nga có thể biến nước Nga thành một vùng đất của những cơ hội.

Vị trí địa lý của Nga phải được tính đến khi phân tích vai trò của Moskva trong cuộc đối đầu cạnh tranh Trung-Mỹ. Mặc dù áp lực mà các tỉnh phía đông nước Nga đang phải chịu từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày một phát triển chỉ có tính chất kinh tế và địa lý thuần túy, giới tinh hoa chính trị Nga vẫn coi cuộc đối đầu Mỹ-Trung đang nổi lên như một cơ hội để tăng cường vị thế địa chính trị đang ngày càng yếu đi của Nga trong toàn bộ không gian hậu Xô viết.

 Giới tinh hoa chính trị Nga vẫn coi cuộc đối đầu Mỹ-Trung đang nổi lên như một cơ hội để tăng cường vị thế địa chính trị đang ngày càng yếu đi của Nga trong toàn bộ không gian hậu Xô viết.

Sự chọn của nước Nga: Hoa kỳ hay Trung Quốc?

Tuy thế, có một điều mà người Nga đã tính hoàn toàn đúng: đó là cả Washington lẫn Bắc Kinh đều sẽ rất cần sự ủng hộ của Nga. Và đó chính là logic đằng sau thái độ gần đây của Moskva đối với cả Washington lẫn Bắc Kinh. Một thái độ được đặc trưng bởi sự lảng tránh và không sẵn sàng chấp nhận bất kỳ nghĩa vụ nào. Theo đúng tinh thần quan hệ quốc tế lý trí sắc lạnh, Nga muốn tạo cho mình một vị thế, mà cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều phải đua nhau cầu cạnh.

Nếu chọn Trung Quốc làm đồng minh, Nga hoàn toàn có thể trông mong được vào việc gia tăng ảnh hưởng của mình ở Trung Á, nơi mà sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, ảnh hưởng của Trung Quốc tăng theo cấp số nhân. Phải nói thực rằng Moskva chưa bao giờ bày tỏ sự lo ngại về điều này. Nhưng không ai có thể phủ nhận việc những mối lo ngại như vậy, thực tế luôn “lởn vởn” trong đầu giới tinh hoa chính trị Nga.

Tuy nhiên, nếu Moskva chọn Mỹ thì những nhượng bộ từ phía Mỹ, rất có thể, có ý nghĩa hơn nhiều so với nhượng bộ của Trung Quốc. Những phần thưởng lớn nhất có thể là Ukraina và Nam Capkadơ. Còn việc mở rộng NATO có thể bị đình chỉ. Ngoài ra, những nhượng bộ cơ bản khác có thể đến từ Trung Đông. Chẳng hạn ở Syria, nếu xung đột ở đất nước này vẫn cứ tiếp diễn.

Ngoài tư duy chiến lược địa chính trị quy mô toàn cầu, quyết định này cũng sẽ là một lựa chọn bản sắc văn minh đối với người Nga. Những người đã vài trăm năm “chìm đắm” trong cuộc tranh luận chưa có hồi kết về việc liệu nước Nga của họ là châu Âu, châu Á hay Âu - Á. Về mặt địa lý, nước Nga không thể tránh khỏi bị kéo sang phía Đông, nhưng bản sắc văn hóa lại kéo nó sang phía Tây. Và mặc dù dự kiến rằng những quyết định loại này chủ yếu sẽ dựa trên những tính toán địa chính trị, sự gần gũi về mặt văn hóa cũng vẫn sẽ đóng một vai trò quan trọng.

Cũng gắn liền với yếu tố văn hóa, còn có nỗi sợ của người Nga (và cả thế giới còn lại) là không biết thế giới trông sẽ ra sao và vận hành như thế nào dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc. Mỹ có thể là một mối đe dọa thực sự đối với Nga, nhưng đối với giới tinh hoa chính trị Nga, thì dù sao, Mỹ vẫn được coi là đã "quá biết nhau". Còn không gian lục địa Âu - Á do Trung Quốc dẫn dắt, rất có thể sẽ là một thách thức đối với nước Nga khi mà các đường biên giới và các tỉnh của Nga luôn khá mở cửa đối với những khối dân cư đông đảo của Trung Quốc.

Cách tiếp cận của Nga trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung mới nổi, nhiều phần sẽ mang tính chất cơ hội và có điều kiện. Việc nước Nga đứng về phía Mỹ hay Trung Quốc, chủ yếu phụ thuộc vào việc, bên nào có thể giúp Moskva nhiều hơn, để nước Nga giải quyết hiệu quả những vấn đề của mình trong không gian hậu Xô Viết”.

Giới tinh hoa Nga luôn lo ngại trước sự bành trướng của Trung Quốc 

Giới tinh hoa Nga luôn lo ngại trước sự bành trướng của Trung Quốc

Cuộc đối đầu đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, ngay cả ở màn đấu sơ bộ nhất - cuộc chiến thương mại, cũng là một cuộc đấu nhiều hiệp với nhiều diễn biến và kịch bản khó lường. Cuộc đấu nếu vạn nhất (lạy chúa!) lan sang lĩnh vực chính trị và quân sự thì còn phức tạp hơn nhiều. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục quan sát.

Trong các cuộc nói chuyện riêng tư, người Nga, đặc biệt là giới tinh hoa chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hóa nghệ thuật, đều tỏ ra rất tức giận trước thái độ “ngạo mạn xem thường” đối với họ của Mỹ và Châu Âu. Cũng như việc Phương Tây muốn “áp đặt” cho họ và những người anh em của họ như Ukraina, Belarus các giá trị dân chủ và nhân quyền Châu Âu. Nhưng người Nga không bao giờ phủ nhận chúng. Cùng lắm, họ chỉ coi là không (hoặc chưa) phù hợp với nước Nga.

Ngươc lại, trong các cuộc nói chuyện riêng tư, giới tinh hoa Nga luôn bày tỏ sự lo ngại (có phần bản năng) trước sự bành trướng của Trung Quốc. Đồng thời, họ cũng hiểu một cách rõ ràng, minh bạch và sâu sắc rằng Trung Quốc và Nga không bao giờ có thể là đồng minh thực sự. Vì Trung Quốc trong toàn bộ lịch sử của mình, chưa bao giờ có (cần) đồng minh. Ngoài ra, người Nga cũng luôn khẳng định rằng các giá trị văn hóa Châu Âu, trước hết là văn hóa chính trị và thể chế, đối với họ, gần gũi và dễ tiếp nhận hơn rất nhiều so với các giá trị của văn hóa Trung Quốc, những giá trị hoàn toàn “khó hiểu” đối với họ.

Giới tinh hoa Nga tỏ ra rất tức giận trước thái độ “ngạo mạn xem thường” đối với họ của Mỹ và Châu Âu. Cũng như việc Phương Tây muốn “áp đặt” cho họ và những người anh em của họ như Ukraina, Belarus các giá trị dân chủ và nhân quyền Châu Âu 

Trong bối cảnh trật tự thế giới mới đang hình thành việc lựa chọn vị trí và đối sách thích hợp là không đơn giản. Ngay cả với những nước lớn, nhưng kinh tế không mạnh và phụ thuộc tài nguyên như nước Nga. Còn những nước nhỏ, đặc biệt những nước kinh tế chưa phát triển, lại phụ thuộc chủ yếu vào xuất nhập khẩu, vào bán tài nguyên và sức lao động giá rẻ, sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Rất khó để dự đoán diễn biến và kết quả của cuộc đối đầu cạnh tranh đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngay cả đối với một bậc thông thái và am hiểu chính trị quốc tế hiếm có như Lý Quang Diệu, mặc dù ông đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này. Vì vậy, xin đừng vội vàng với những suy diễn và kết luận mà xin hãy chờ đợi và xem điều gì sẽ xảy ra.

GS. Emil Avdaliani, hiện đang dạy lịch sử và quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Tbilisi và Đại học Ilya (Grudia thuộc Liên Xô cũ). Ông Emil Avdaliani có nhiều bài viết về sự phát triển tình hình trong lĩnh vực quân sự và chính trị, ở không gian hậu Xô viết. Ông cũng từng làm việc cho nhiều công ty tư vấn quốc tế khác nhau. Từ 2014-2017, Emil Avdaliani từng là chuyên viên phân tích khu vực của Cơ quan phân tích tình báo tư nhân STATFOR.