Bà Linda Fagan đã đưa ra tuyên bố như trên sau khi hôm 9/6 xảy ra vụ việc một tàu cá được cho là của Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá "F/B Gimver 1" của ngư dân Philippines tại gần bãi Cỏ Rong (Reed Bank) trên Biển Đông, rồi bỏ mặc 22 ngư dân trên biển mà không cứu. Sau đó, một tàu của các ngư dân Việt Nam ở gần đó đã tới cứu sống những người bạn chài Philippines.
Khu vực xảy ra vụ việc được cho nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nhưng với việc Trung Quốc đưa ra yêu sách vô lý về Đường 9 đoạn (còn gọi là Đường Lưỡi bò) thì hầu như toàn bộ Biển Đông đều thuộc về vùng mà họ đòi hỏi chủ quyền.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã lên án chiếc tàu Trung Quốc đã bỏ mặc, không đoái hoài tới tính mạng các ngư dân Philippines gặp nạn, kêu gọi tiến hành điều tra sự kiện đâm va này và yêu cầu áp dụng các biện pháp ngoại giao để tránh tái diễn những vụ việc tương tự trong tương lai. Ông nói trong một bản tuyên bố: “Chúng ta cần dùng những từ ngữ gay gắt nhất để lên án hành động đê hèn này. Đây không phải là hành động đáng có của một dân tộc có trách nhiệm và hữu nghị”.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana lên án chiếc tàu Trung Quốc đã bỏ mặc, không đoái hoài tới tính mạng các ngư dân Philippinestrên chiếc tàu bị đâm chìm
|
Phủ Tổng thống Philippines cho rằng dù Manila và Bắc Kinh có tranh chấp tại khu vực đi chăng nữa, đó không phải là lý do để tàu Trung Quốc bỏ mặc không cứu các thuyền viên Philippines. Họ yêu cầu Trung Quốc phải trừng trị những kẻ “mọi rợ” đã đâm chìm tàu cá, không màng đến việc sống chết của 22 ngư dân Philippines, nhấn mạnh đây là hành động “ tàn nhẫn và không có tính người”. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho rằng hành động của tàu Trung Quốc “thật đáng khinh bỉ và lên án”.
Truyền thông Philippines dẫn các thông cáo của chính phủ khẳng định thời điểm bị tàu Trung Quốc đâm, tàu cá Philippines đang trong tình trạng neo đậu và không di chuyển. “Đây rõ ràng là một hành động cố ý và có tính toán. Một người dù có đang chạy cũng không thể đụng trúng một người khác đang đứng giữa một sân bóng đá. Tương tự, một tàu cá đang chạy sẽ không thể nào đâm phải một tàu cá khác đang thả neo giữa vùng biển mênh mông”.
Theo báo Ngôi sao Philippines (Philippines Star) ngày 12/6, bà Linda Fagan đã tuyên bố hôm 11/6 trong một cuộc hội nghị điện thoại tại Manila rằng lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ sẽ bố trí các tàu “Bissov” và “Stratton” tại căn cứ Yokosuka ở Nhật Bản cùng với các tàu của Hạm đội Bảy để “giúp tăng cường năng lực của các quốc gia ven biển trong lĩnh vực thực thi pháp luật ngư nghiệp”. Bà nhấn mạnh sự hiện diện ngày càng tăng của Lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ tại các khu vực như Biển Đông sẽ giúp củng cố chủ quyền của các quốc gia đối tác tại vùng biển tranh chấp.
Trung tướng Linda Fagan: sự hiện diện ngày càng tăng của Lực lương cảnh sát biển Mỹ tại các khu vực như Biển Đông sẽ giúp củng cố chủ quyền của các quốc gia đối tác tại vùng biển tranh chấp.
|
Tờ Ngôi sao Philippines dẫn lời bà L.Fagan nói Mỹ “rất sẵn lòng hợp tác với các nước đối tác để giúp các quốc đảo nhỏ gặp khó khăn trong việc bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của họ”. Sự hợp tác này sẽ được thực hiện sau khi triển khai chiếc Stratton tới Biển Đông trong vài ngày tới.
Theo báo này, phía Mỹ thừa nhận lực lượng tuần duyên của họ đã giám sát các hoạt động của “lực lượng dân binh vũ trang” Trung Quốc ở Biển Đông trong vài tháng qua. “Tuần duyên Mỹ ngày càng gia tăng các hoạt động ở phía Tây Thái Bình Dương cách xa hàng ngàn dặm, đúng vào lúc các tàu cảnh sát biển và lực lượng dân binh của Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực đòi hỏi chủ quyền”. Một học giả Mỹ nói: “Khu vực chịu trách nhiệm của lực lượng tuần duyên Mỹ đã không ngừng mở rộng trong 20 năm qua. Trong bối cảnh quan hệ căng thẳng với Trung Quốc, họ dường như được yêu cầu bảo vệ tuyến hàng hải Tây Thái Bình Dương nhiều hơn”.
Mỹ gần đây đã cho thấy rõ xu hướng cho Cảnh sát biển hiện diện ở Biển Đông. Hôm 14/5/2019, trong thời gian diễn ra cuộc tập trận quân sự chung “Vai kề vai” giữa Mỹ và Philippines, chiếc “Bissov” đã cùng hai tàu Cảnh sát biển Philippines thực hiện một chuyến tuần tra chung trên khu vực mà Trung Quốc tuyên bố đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông.
Hoạt động của các tàu cá vũ trang Trung Quốc trên Biển Đông ngày càng hung hăng, ngang ngược
|
Tờ “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” (SCMP) của Hồng Kông nói rằng Hải quân Mỹ đã cho phép lực lượng tuần duyên tham gia các hoạt động chung. Hồi tháng 3, chiếc “Bissov” cũng đã cùng với một khu trục hạm của Hải quân Mỹ thực hiện chuyến đi xuyên qua Eo biển Đài Loan.
“Tàu tuần duyên đã trở thành công cụ mới của Mỹ ở Biển Đông”, Đài VOA hôm 20/5 từng cho rằng mặc dù các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Philippines rất nhiều, nhưng lần đến thăm Philippines lần gần nhất của tàu cảnh sát biển Mỹ cũng đã diễn ra từ 7 năm trước; rằng việc huy động tàu Cảnh sát biển “sẽ mở rộng phạm vi tiếp xúc của Mỹ ở Biển Đông để hoạt động chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông trở nên đa dạng hơn”.
Một số học giả Nhật Bản cũng tin rằng điều này đã gửi tới Bắc Kinh một thông điệp rằng Mỹ có tới bốn hoặc năm cấp độ can dự trong khu vực, chứ không chỉ mỗi quân đội. Việc sử dụng tàu tuần duyên là một cường độ thấp để đối phó, chưa đến mức cho Hải quân can dự, liên quan đến việc đối phó với tổ chức dân binh trên biển, tàu đánh cá hoặc các tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc.
Các học giả Trung Quốc thì cho rằng trên Biển Đông (mà họ gọi là Nam Hải) không có vùng biển quốc tế. Ông Điền Chí Thần (Tian Shichen), Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Luật hành động Quân sự Quốc tế Trung Quốc hôm 12/6 nói với phóng viên Thời báo Hoàn cầu: Nếu phù hợp với các quy định của luật quốc tế như Công ước Liên hợp quốc về luật Biển, tuân thủ quy định pháp luật của các quốc gia ven bờ thì mọi tàu thuyền nước ngoài, bao gồm các tàu của cảnh sát biển Mỹ đều có quyền tự do đi lại trên Biển Đông, không có vấn đề gì. Nhưng theo ông Điền Chí Thần, Biển Đông (ông gọi là Nam Hải) “không có vùng biển quốc tế”; mặc dù Trung Quốc và các nước liên quan có tranh chấp về chủ quyền đảo và phân định hàng hải, nhưng việc thực thi pháp luật thủy sản ở Biển Đông thuộc quyền tài phán của các quốc gia ven biển liên quan, Mỹ không có bất cứ quyền chấp pháp nghề cá nào ở đây.
Bải Cỏ Rong (Redd Bank) - nơi xảy ra vụ việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu của ngư dân Philippines
|
Ông Điền Chí Thần cho rằng trong khi Trung Quốc và các nước ASEAN đang đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, tình hình ở Biển Đông đang sóng yên biển lặng, việc Mỹ đưa các tàu tuần duyên đến Biển Đông rõ ràng không phải là để hỗ trợ các quốc gia ven biển trong việc thực thi luật nghề cá, mà là do lo ngại về chiến lược địa chính trị. Thực ra, mục đích trực tiếp của Mỹ là thách thức chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo và rạn san hô ở Biển Đông và quyền tài phán của Trung Quốc đối với các khu vực biển liên quan.
Theo ông Điền, trước hành động “gây sự” của Mỹ, phía Trung Quốc một mặt cần đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống phòng thủ trên các đảo san hô. Mặt khác, cần nhân cơ hội người Mỹ gây sự để rèn luyện quân đội và cải thiện hiệu quả khả năng phòng thủ trên biển và khả năng thực thi pháp luật trên biển./.