minh họa: Khều.
|
Còn đó Việt Hoa
Đã hơn 12 năm kể từ khi Ngân hàng TMCP Việt Hoa bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cũng đã năm năm trôi qua kể từ lần cuối cùng Ngân hàng Việt Hoa ra thông báo yêu cầu cổ đông cũ đến đối chiếu cổ phiếu. Lần ấy sau hai tuần thông báo, ngân hàng đã xác định được 70 cổ đông với số vốn góp 50 tỉ đồng.
Bị cuốn trong cơn lốc nhập hàng trả chậm của thập niên 90 thế kỷ trước, Việt Hoa từ lâu không còn đồng vốn nào. Nhà nước đã phải cho Việt Hoa vay tiền để trả các khoản tiền gửi của dân cư. Sau này, phát mãi các tài sản, thu hồi nợ, đến giờ ngân hàng vẫn còn nợ Nhà nước vài chục tỉ đồng chưa trả hết.
Đối với nước ngoài, Việt Hoa có khoản nợ 94 triệu đô la Mỹ. Các chủ nợ có lẽ cũng không còn cố đòi, vì biết ngân hàng khó trả. Về phía mình, Việt Hoa đã nhiều lần đàm phán với các chủ nợ nước ngoài để xin giảm nợ. Hầu hết chủ nợ đồng ý giảm, chỉ yêu cầu trả 5% trên tổng nợ. Tính ra Việt Hoa cần khoảng 200 tỉ đồng để trả cho Nhà nước cũng như chủ nợ nước ngoài và bảng cân đối của ngân hàng từ đó sẽ sạch sẽ.
Thời gian qua, vì các lý do khách quan và chủ quan, sự khôi phục Ngân hàng Việt Hoa lại thêm một lần chìm vào quên lãng. Lẽ ra Việt Hoa đã bị giải thể, nhưng vì còn đó khoản phải thu của Nhà nước, nên Việt Hoa vẫn tồn tại trên các văn bản. Nếu Việt Hoa được khôi phục, Nhà nước có khả năng được hoàn trả lại khoản nợ kia.
Sức hấp dẫn của ngân hàng “sạch”
Việt Hoa không “chết” không chỉ vì còn các khoản nợ phải trả, mà còn bởi trào lưu đầu tư vào ngân hàng đang được “hâm nóng” trở lại trong giới tài chính. Chứng khoán ảm đạm, giá cổ phiếu xuống thấp nhất trong vòng hơn một thập kỷ qua đã kích thích lòng tham của các nhà đầu tư tổ chức và một số nhóm đầu tư cá nhân. Hầu hết cổ phiếu ngân hàng đang thấp hơn giá trị sổ sách, mua trên sàn hay trên thị trường OTC, mua gom từ từ từng ngày hay thương lượng mua từng “cục” của các cổ đông lớn… đều có thể xảy ra.
Ngân hàng S nằm trong số ít những tổ chức tín dụng còn lại có vốn điều lệ dưới 3.000 tỉ đồng. Mới đây lãnh đạo S lên kế hoạch tăng vốn thêm 1.000 tỉ đồng, chủ yếu phát hành cho đối tác chiến lược. Nhiều pháp nhân và thể nhân đăng ký mua. Người ta xếp hàng để được trở thành cổ đông của ngân hàng S vì giá cổ phiếu đang rẻ, tài sản nhiều. Nhưng cái chính là người ta có cơ hội mua số lượng lớn, nắm giữ một tỷ lệ vốn tương đối lớn của ngân hàng và nhất là S là tổ chức tín dụng “sạch”.
S được điều hành bởi một dàn lãnh đạo toàn phụ nữ, chặt chẽ và thận trọng. Không có chuyện ngân hàng này vượt trần lãi suất huy động 14%/năm, nợ xấu thấp, lợi nhuận đảm bảo chia cổ tức 12%/năm bằng tiền mặt. Trong khi các ngân hàng khác lo hạ tỷ lệ dư nợ cho vay phi sản xuất xuống 22%, tỷ lệ này ở S chỉ có 16%.
Xét về hiệu quả kinh doanh, những tổ chức tín dụng như S không được lọt vào tốp đầu. Tuy nhiên họ “sạch” vì nợ thấp, hoạt động ổn định và đấy là điều giới đầu tư hiện nay cần. Quản trị ngân hàng có thể thay đổi, nhân lực có thể đào tạo, công nghệ có thể bỏ tiền đầu tư và hiệu quả kinh doanh được nâng lên, nhưng nợ xấu và giải quyết nợ xấu thì không nhà đầu tư nào muốn. Chưa kể nợ trên sổ sách có đúng với nợ thực không. Đó là nguyên nhân vì sao có những ngân hàng cổ phiếu dễ mua, giá cũng rẻ, nhưng nhà đầu tư lại e ngại. Không có gì khiến giới đầu tư dè dặt như thực trạng mờ ảo của nợ ngân hàng.
Việt Hoa có nợ, đó là thực tế, nhưng số nợ rõ ràng, có địa chỉ và không lớn, lại có thể xử lý được, nên sức hấp dẫn của Việt Hoa còn đó. Những nhà đầu tư mới cần bỏ vào Việt Hoa khoảng 3.200 tỉ đồng, trong đó có chừng 200 tỉ đồng xử lý nợ, và 3.000 tỉ đồng đăng ký vốn điều lệ mới. Xây dựng lại Việt Hoa từ một nền tảng “sạch” dễ hơn nhiều so với “ôm” một ngân hàng giá rẻ, nhưng lại không thể biết đích thực tình hình tài chính của nó ra sao. Vì vậy mới đây Ban Tái cơ cấu hoạt động của Ngân hàng Việt Hoa được lập lại. Nó đang trong quá trình thiết lập đề án xử lý những vấn đề tài chính tồn đọng, thương lượng giảm nợ tối đa có thể.
Trước ngày Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trào lưu đầu tư ngân hàng bùng phát. Nhiều ngân hàng nông thôn được chuyển thành đô thị, tăng vốn, nâng cấp. Trước sức ép tăng trưởng nhanh, một số ngân hàng chuyển đổi đã không kiểm soát được rủi ro và cho dù có kiểm toán, nhà đầu tư cũng không an tâm với sự minh bạch tài chính của những tổ chức tín dụng đó. Đó là lý do vì sao ngân hàng nhỏ, vốn ít không còn được chú ý.
Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế vĩ mô trong nước đã để lại cho giới đầu tư những bài học kinh nghiệm. Bây giờ đầu tư ngân hàng lại được chú ý, nhưng nó đã ở một tầm cao nhận thức mới. Dòng vốn trên thị trường tài chính đang hướng đến những địa chỉ trong sạch và minh bạch để có thể đảm bảo khả năng sinh lời.
Theo TBKTSG