Công ty Cổ phần Logistic SC được thành lập ngày 26/3/2015 với vốn điều lệ ban đầu là 10 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập gồm các thể nhân Lê Thị Liên nắm giữ 40%, Trần Thị Dung sở hữu 30% và 30% còn lại thuộc sở hữu của Nguyễn Văn Viên 30%.
Tuy lịch sử hoạt động chưa lâu nhưng Logistic SC đang giữ vị thế đối tác lớn với giới nhà băng, nổi bật là BacA Bank, với nhiều khoản vay có giá trị lớn.
Theo dữ liệu của VietTimes, năm 2017, Logistic SC đã ký 3 hợp đồng tín dụng với tổng giá trị hơn 900 tỷ đồng tại BacA Bank.
Bao gồm khoản vay hơn 200,2 tỷ đồng được thế chấp bằng toàn bộ quyền đòi nợ phát sinh từ Hợp đồng số 001_2015/THFC-LSC ngày 27/3/2015 và Hợp đồng số 005_2016/THFC-LSC ngày 15/12/2016; Khoản vay hơn 690,8 tỷ đồng với tài sản bảo đảm là toàn bộ quyền đòi nợ phát sinh từ Hợp đồng số 001_2015/THM-LSC ngày 27/3/2015 và Hợp đồng 003_2016/THM-LSC ngày 15/12/2016; Khoản vay trị giá 86,2 tỷ đồng được thế bằng toàn bộ quyền đòi nợ phát sinh từ Hợp đồng THM-DN2017/0025 tháng 1/2017 và Hợp đồng 001/2015/LSC-HĐDV ngày 1/9/2015.
Các tài sản đảm bảo trên là quyền đòi nợ phát sinh từ các hợp đồng giữa Logistic SC với các công ty như Công ty CP Thực phẩm sữa TH (TH Milk Food), Công ty cổ phần sữa TH (TH Milk) và công ty CP chuỗi thực phẩm TH (TH Food Chain).
Câu chuyện tương tự tại Chuỗi cung ứng Quốc tế
Tương tự Logistic SC, trong năm 2017, CTCP Chuỗi cung ứng Quốc tế đã dùng nhiều hợp đồng đòi nợ phát sinh để cầm cố cho nhiều khoản vay tại BacA Bank.
Cổ đông “đứng tên” và cổ đông “gần lớn” ở các ngân hàng |
Hay như khoản vay trị giá gần 877 tỷ đồng với tài sản bảo đảm là toàn bộ quyền đòi nợ phát sinh từ HĐ dịch vụ số THM-ISC/002 ngày 01/01/2015, số THM-ISC/003 ký ngày 01/01/2017 và các hợp đồng phát sinh trong tương lai được ký giữa bên thế chấp và bên có nghĩa vụ thanh toán.
Theo Giấy đăng ký kinh doanh ngày 17/4/2018, Chuỗi cung ứng Quốc tế được đăng ký thành lập vào 9/2014 và có vốn điều lệ đăng ký 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn thực góp chỉ là 10 tỷ đồng, cá nhân Nguyễn Thị Cẩm Ly góp 4 tỷ đồng tương đương 40% vốn điều lệ, 60% còn lại được chia đều cho cá nhân Thái Thị Nhung và Nguyễn Duy Châu.
Đến đây cho thấy Logisic SC, Chuỗi cung ứng Quốc tế là những đối tác quen thuộc của BacA Bank và Tập đoàn TH - những doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Thái Hương.
Nhà sáng nghiệp TH Group, nữ doanh nhân Thái Hương - người hiện giữ vai trò Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bac A Bank. (Ảnh: Internet)
|
Mối liên hệ
Có một vấn đề có lẽ nên đặt ra, đó là dòng vốn mà Logistic SC hay Chuỗi cung ứng Quốc tế huy động được từ BacA Bank có được sử dụng để thanh toán các hợp đồng với nhóm các công ty của bà Thái Hương, như TH Milk Food, TH Food Chain, TH Milk, Công ty CP Dược liệu TH, Công ty CP Lâm Nghiệp Tháng Năm…
Cơ cấu sở hữu “ổn định” đến lạ ở Bac A Bank |
Cũng không hẳn là không có lý nếu biết rằng, Logistic SC, Chuối cung ứng Quốc tế và Tập đoàn TH đều có chung địa chỉ đăng ký “Số 166 Nguyễn Thái Học, Phường Quang Trung, Thành phố Vinh, Tỉnh Nghệ An, Việt Nam”.
Bên cạnh đó, Chuỗi cung ứng Quốc Tế có tên cũ Công ty Cổ phần Chuỗi Cung ứng TH và người đại diện theo pháp luật và là giám đốc cũ là ông ATANU DEY. Theo chia sẻ trên mạng cộng đồng nghề nghiệp (www.anphabe.com), ông ATANU DEY từng là người đứng đầu bộ phận cung ứng và mua sắm tại TH Food Chain và hiện là Tổng giám đốc bộ phận chuỗi cung ứng/mua sắm của chuỗi doanh nghiệp thuộc Tập đoàn TH .
Hay theo thông tin trên trang thông tin điện tử Huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), Logistic SC được giới thiệu là thành viên tập đoàn sữa TH.
Mà nên nhớ, lâu nay trên thị trường Bac A Bank vẫn xem như ngân hàng “nhà” với nhóm doanh nghiệp của bà Thái Hương, dù về mặt hình thức, cá nhân bà chủ thương hiệu TH True Milk cũng chỉ là một trong số hơn 100 cổ đông nhỏ lẻ của nhà băng đại chúng và không có lấy một cổ đông lớn này.
Một cách chính danh, Bac A Bank thường xuyên được giới thiệu công khai trong vai trò nhà tư vấn đầu tư và thu xếp tài chính cho nhóm TH Group, bao gồm cả việc dẫn dòng cho nguồn vốn quốc tế tài trợ các dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Thực tế trên thị trường Việt Nam, với mô hình phổ biến là giới chủ nhà băng thương mại cổ phần luôn có các tập đoàn/doanh nghiệp phi tín dụng hoạt động song song, khiến không ít người đặt nghi ngờ về câu chuyện cho vay sân sau.
Đó có thể là một giả thuyết nhưng công bằng mà nói, trong hoạt động kinh doanh, việc ngân hàng trực tiếp hay gián tiếp tham gia thu xếp, tài trợ vốn cho các doanh nghiệp - kể cả doanh nghiệp có quan hệ với cổ đông ngân hàng - là rất bình thường, thậm chí là tất lẽ, miễn rằng các khoản cấp vốn được thực hiện chuẩn mực, hợp lý và hợp lệ./.