Đây là năm đầu tiên chúng ta được chứng kiến một lượng lớn TV với khả năng tương thích HDR như vậy. Và bây giờ sau khi đã kiểm chứng trên hàng loạt TV, có thể thấy rõ rằng HDR mang lại rất nhiều khác biệt rõ rệt. Tuy nhiên sẽ rất khó để một người tiêu dùng thông thường có thể phân biệt được đâu là TV HDR "xịn".
Bạn đang có ý định mua một TV có HDR vào năm nay? Bài viết dưới đây từ chuyên trang công nghệ Cnet do VnReview.vn chuyển ngữ gửi tới bạn đọc sẽ giải thích phần nào những thắc mắc của bạn xung quanh loại TV mới này.
HDR là gì?
Khái niệm HDR không phải là mới. HDR đã xuất hiện trong mảng âm thanh từ hàng thập kỷ nay, đề cập tới sự khác biệt giữa những âm thanh ồn ào và nhỏ nhẹ nhất trong các đoạn nhạc. Còn bên máy ảnh, HDR kết hợp những yếu tố tuyệt vời nhất trong các bức hình của một khung cảnh với nhau, rồi chụp lại với các mức phơi sáng khác nhau. Nhưng ở mảng TV, tất cả là về tăng cường độ tương phản giữa những phần sáng và phần tối của khung hình.
Để trải nghiệm HDR, bạn cần nội dung – như phim – hỗ trợ chuẩn HDR, cùng một màn hình có hỗ trợ. Hầu hết nội dung HDR hiện nay đến từ Amazon và Netfix, cũng như những đĩa Ultra HD Blu-ray. Để chạy video 4K với HDR, bạn cần một băng thông tương đối nhanh, ít nhất khoảng 18-20Mbps . Đĩa Ultra HD Blu-ray, có tốc độ dữ liệu 100Mbps, đủ khả năng cung cấp chất lượng 4K tốt nhất hiện có.
Khi chiếu các nội dung HDR, TV với HDR có thể hiện thị dải màu từ đen đến trắng rộng hơn, do đó bạn có thể nhìn thấy các chi tiết ở vùng tối cũng như sáng nhất trên hình ảnh. Bạn cũng có thể nhìn thấy những "chi tiết nổi bật", điển hình là những vệt sáng từ các vật thể như một thanh kiếm, hay giáp ngực của một đấu sĩ Roma. Không có HDR, các chi tiết đấy sẽ chẳng sáng hơn các vật thể khác trong khung cảnh là bao.
Để đạt được các hiệu ứng đó, các TV HDR cao cấp thường có mức sáng hơn bình thường, dù HDR không đơn thuần chỉ là tăng độ sáng cho TV. Thay vào đó là khả năng đẩy mức sáng cao nhất lên cho từng cảnh nếu cần thiết.
Hãy nhìn vào bức ảnh pháo hoa ở đầu bài viết mà Dolby dùng để chỉ ra sự khác biệt giữa dải bắt sáng động cao (bên trái) và dải bắt sáng động chuẩn (bên phải). Ảnh bên phải có vẻ hơi bị lóa, với các mảng sáng và đám khói mờ mịt, không rõ ràng. Nhưng bên trái bạn có thể thấy rõ những tia sáng từ pháo hoa với màu sắc khác nhau, cũng như các đám khói dày đặc và các chi tiết ở trên nền đen.
Một chi tiết nữa: Tuy về cơ bản nó không phải là một phần của HDR, nhưng hầu hết TV có HDR sở hữu dải màu rộng hơn, nghĩa là nó có thể hiển thị nhiều màu sắc hơn những TV bình thường. HDR cũng có thể cho ra các dải màu rộng hơn nữa với cường độ mạnh hơn. Nếu được xử lí tốt, TV có HDR và các dải màu này sẽ tạo ra các hình ảnh sáng hơn, sinh động hơn với độ tương phản cao hơn, và ánh sáng tốt hơn, khiến chúng trở nên giống thật hơn.
Thật không may,những gì chúng tôi rút ra được từ các thử nghiệm là một số TV HDR có khả năng cung cấp hình ảnh HDR với độ sáng cao, màu sắc rực rỡ trong khi những chiếc TV khác thì không. Tại sao lại như thế? Một số TV có phần cứng đủ để tận dụng hết các lợi thế từ HDR. Số còn lại chỉ đọc các siêu dữ liệu (metadata) HDR, là các thông tin được nhúng trong một sóng kỹ thuật số quyết định xem hình ảnh trên TV sẽ được hiển thị như thế nào. Những TV này (được gọi là "HDR-capable" or "HDR-compatible" – tạm dịch là "tương thích HDR") sau đó sẽ làm theo chỉ dẫn từ tín hiệu một cách tốt nhất có thể, tùy thuộc vào khả năng của từng TV.
Máy ảnh sẽ ghi hình khung cảnh ở hai độ phơi sáng khác nhau (bức ảnh đầu tiên từ trái sang và ảnh ở giữa) để tổng hợp thành một hình ảnh có độ phơi sáng hài hòa nhất (ảnh bên phải)
Điển hình như độ sáng chẳng hạn. Những TV HDR hàng đầu có thể đạt tới 500-1000 nits (đơn vị đo độ sáng). Nhưng các TV "HDR-compatible" chỉ có thể xuất ra từ 100-300 nits, do đó không thể đạt tới độ sáng cần thiết cho HDR. Kết quả là một số TV ghi là có HDR, nhưng nhìn không khác bao nhiêu so với những TV dùng dải bắt sáng động chuẩn.
Còn một điểm nữa: Trên thực tế có 2 công nghệ HDR khác nhau. May mắn là một trong số đó – HDR10 – được dùng làm chuẩn chung, vì vậy nó được tích hợp trong các TV HDR mà chúng ta thấy từ trước đến nay, trừ những TV của Vizio. Nó cũng là chuẩn duy nhất được hỗ trợ bởi các đầu đĩa Ultra HD Blu-ray. Loại còn lại là Dolby Vision, được xem là một phiên bản cải tiến của HDR10. Vì vậy những TV hỗ trợ cả 2 chuẩn như LG có thể sử dụng Dolby Vision HDR khi nội dung hỗ trợ, tương tự đối với HDR10. (Vizio cho biết sẽ hỗ trợ một bản cập nhật phần mềm nhằm cho phép các model TV hiện tại chạy HDR10 vào cuối năm nay).
Video giới thiệu HDR của Samsung:
Video giới thiệu HDR của Sony:
Những TV nào có HDR tốt?
Vậy làm sao để biết được TV bạn đang định mua có đủ khả năng mang lại trải nghiệm HDR một cách tối đa? Không dễ. Để làm rõ điều này, UHD Alliiance – một nhóm những các hãng làm TV, studio Hollywood, nhà sản xuất (như DirecTV và Netflix) và công ty công nghệ đã tạo ra thông số hiệu năng cho các TV "Ultra HD Premium". Những TV vượt qua bài kiểm tra chứng nhận sẽ có logo Ultra HD Premium mới, để bạn biết được rằng chúng sẽ mang lại hiệu năng tốt nhất có thể trên các mảng khác nhau (bao gồm HDR) với độ phân giải UHD (tức 4K).
Vấn đề là trong khi một số hãng như LG và Samsung đã dùng logo này, các hãng khác như Sony và Vizio lại không gửi những TV của mình đi để chứng nhận. Các hãng sản xuất TV 4K kém tên tuổi hơn cũng vậy. Trừ khi kiểm tra, sẽ chẳng có cách nào khác để kiểm thử hiệu năng của những chiếc TV này. Vì vậy bạn cũng nên cân nhắc, tham khảo nếu muốn mua TV HDR trong năm nay.
Theo VnReview