Chuyển đổi số là động lực để phát triển
Nhằm tiếp thu ý kiến của các chuyên gia đối với đề án Chuyển đổi số tại TP Đà Nẵng, chiều ngày 22/3, TP Đà Nẵng phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo chuyên gia về Đề án chuyển đổi số TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Hội thảo do ông Nguyễn Văn Quảng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ TT&TT chủ trì, cùng sự tham gia của gần 100 đại biểu là các chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp, sở ban ngành TP Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo chuyên gia về Đề án chuyển đổi số TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, chương trình Chuyển đổi số quốc gia tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ là “chìa khóa” cho triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW cũng như tham gia Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư và Đà Nẵng phải triển khai Chuyển đổi số để góp phần Chuyển đổi số quốc gia thành công.
“Chuyển đổi số là “động lực” để giải quyết “điểm nghẽn” trong phát triển TP đã xuất hiện năm qua, góp phần đạt mục tiêu “đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN” và tầm nhìn “TP Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, đáng sống” như Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định”- Bí Thư Thành uỷ Đà Nẵng nói.
Theo đề án, Đà Nẵng sẽ tập trung 3 trụ cột chính cho quá trình chuyển đổi số của địa phương, là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Cụ thể, Đà Nẵng sẽ thực hiện chính quyền số bao gồm cả các cơ quan Đảng, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội; Đối với kinh tế số, Đà Nẵng tiếp cận theo khái niệm kinh tế số ở phạm vi rộng (Broad scope), bao gồm ngành công nghiệp ICT, thương mại điện tử, kinh doanh số, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ,... Đối với xã hội số, Đà Nẵng sẽ tập trung xây dựng công dân số, văn hóa số và lồng ghép với lĩnh vực y tế.
TS Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN phát biểu ý kiến tại Hội thảo |
Theo ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng, để thực hiện thành công chuyển đổi số, Đà Nẵng sẽ hoàn thành 4 nhóm công việc với 130 nhiệm vụ, giải pháp chi tiết từ chuyển đổi nhận thức, có chế chính sách, hạ tầng kỹ thuật, nhân lực…
Tư duy đụng chạm lợi ích là lực cản của chuyển đổi số!
Tại hội thảo, các chuyên gia đầu ngành về CNTT, kinh tế và chuyển đổi số đã hiến kế để Đà Nẵng thực hiện thành công công tác chuyển đổi số tại địa phương. TS Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, để thực hiện thành công chuyển đổi số, điều cần nhất là phải làm rõ 2 vấn đề quan trọng đó là chuyển đổi số cho cơ quan nhà nước (chính phủ số) và doanh nghiệp số (kinh tế số-chuyển đổi số doanh nghiệp) thành công thì sẽ đạt mục tiêu mong muốn. Và cần làm tốt 2 nội dung trên thì mới đến chuyển đổi số xã hội.
Cũng theo TS.Nguyễn Quân, để thực hiện tốt, Đà Nẵng cần bám sát hướng dẫn của chính phủ và bộ ngành trung ương. Bên cạnh đó, cần đào tạo đội ngũ chuyên gia về chuyển đổi số để sớm hỗ trợ các doanh nghiệp và các cơ quan để thực hiện chuyển đổi số thành công. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng cần xem xét nguồn lực cho doanh nghiệp để doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số và phát triển.
Đặc biệt, TS. Nguyễn Quân lưu ý Đà Nẵng cần xây dựng cơ chế cũng như kiến nghị Quốc hội, Chính phủ về việc khai thác, sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để đem lại quyền lợi cho các bên, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời tránh xung đột lợi ích.
Quang cảnh Hội thảo chuyên gia về Đề án chuyển đổi số TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa diễn ra chiều ngày 22/3. |
Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Quân, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cho rằng, chính quyền số cần đi đầu, song song đó là kinh tế số và tiếp đó là xã hội số. Và để giải quyết vấn đề về doanh nghiệp, cơ chế số giữa nguồn lực và năng lực của doanh nghiệp, Đà Nẵng đã giành nguồn lực ngân sách cho khoa học công nghệ lên đến 2,3 %, trong đó chuyển đổi số chiếm 1,8%. Không những vậy, Đà Nẵng đã khởi động việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai được thực hiện từ năm 2014, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện vì cơ sở dữ liệu chưa được đồng bộ.
Ghi nhận những ý kiến của nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT về những khó khăn, lực cản của công tác chuyển đổi số và cơ chế chia sẻ thông tin dữ liệu, Bí thư Đà Nẵng thẳng thắn nói: “Lực cản của chuyển đổi số đó là về tư duy đụng chạm về quyền lợi, lợi ích, đụng chạm bí mật của ngành đó. Hầu hết không muốn chia sẻ nên đã làm chậm lại quá trình khai thác dữ liệu”.
Bày tỏ thêm những quan điểm liên quan đến tiến trình chuyển đổi số, GS.TSKH Bùi Văn Ga – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, Đà Nẵng cần tập trung vào kinh tế số để tạo nên sự khác biệt cho Đà Nẵng. Đồng thời mở rộng khái niệm kinh tế số không chỉ dừng lại ở thương mại điện tử, CNTT,… mà phải hiểu tất cả liên quan đến sản phẩm thông minh.
Không những vậy, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT hiến kế cần đặt vai trò của ngành kinh tế số trong bối cảnh mới và cần chuẩn hoá cơ sở dữ liệu giữa các đơn vị, phát triển trung tâm nghiên cứu thiết bị thông minh, thành lập các đơn vị đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số, công nghệ số nhằm phục vụ hoạt động chuyển đổi số. Thậm chí nếu cần thì đề xuất thành lập Sở Kinh tế số để quản lý, thực hiện các hoạt động kinh tế trong bối cảnh số hoá.
Chia sẻ kinh nghiệm từ các nước, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch tập đoàn FPT cho rằng, Đà Nẵng có đủ điều kiện để thể hiện sự khác biệt và thiết lập lại trật tự mới trong lĩnh vực chuyển đổi số. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả, Đà Nẵng cần có khác vọng tạo dựng sự khác biệt và cần tạo dựng chuyển đổi số tại các xã phường một cách cụ thể chi tiết từ các chỉ tiêu cho đến cách thức thực hiện mục tiêu cuyển đổi số.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch tập đoàn FPT phát biểu tham luận |
Với vai trò địa phương, ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định, Đà Nẵng xác định quan điểm chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; trong đó đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thực thi công vụ là cốt lõi; lấy xây dựng chính quyền số làm động lực và “dẫn dắt” phát triển kinh tế số, xã hội số.
Cũng theo ông Lê Quang Nam, để triển khai chuyển đổi số tại Đà Nẵng thành công, điều tiên quyết cần phải có chiến lược, tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn, rõ ràng, dễ tiếp cận và dễ triển khai nhất. Đề án cũng như thể hiện quyết tâm chính trị của Lãnh đạo TP thông qua Nghị quyết, Đề án.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, UBND TP đã công bố Quyết định thành lập Hội đồng Chuyên gia tư vấn Chuyển đổi số TP Đà Nẵng và chọn ngày 28/8 là “Ngày chuyển đổi số TP Đà Nẵng”. Bên cạnh đó, Sở TT&TT TP Đà Nẵng và và Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về triển khai Chuyển đổi số tại TP Đà Nẵng.