|
BPhone có thật sự tạo nên giá trị "sáng tạo" Việt ở thị trường điện thoại di động? |
Cách đây đã lâu, người viết bài này từng “ngồi chung” với những người có vai trò chủ chốt trong dự án đầu tư điện thoại của tập đoàn công nghệ FPT. Những thông tin đánh giá các sản phẩm FPT Phone lúc ấy, thật sự khiến người nghe “đã lỗ tai”. Những người trong cuộc đã tỏ ra cực kỳ hào hứng, cực kỳ quyết tâm, để chung tay làm ra những chiếc điện thoại dán nhãn FPT, tự hào đại diện cho giá trị sáng tạo công nghệ Việt.
Tuy nhiên, không được bao lâu, thì những chiếc điện thoại “đầy sức sống” ấy đã bị thị trường ghẻ lạnh, người mua sau những ủng hộ ban đầu hoàn toàn không mặn mà nữa. Những đánh giá chê bai bùng lên, nào là gốc rễ sản phẩm thực tế sản xuất ở Trung Quốc, nào là giá bán rất rẻ đồng nghĩa với phân khúc “quá bèo”... Chất lượng không vượt trội, kiểu dáng phổ thông, những tính năng đi kèm quá èo uột, đã nhanh chóng đưa FPT Phone vào thế tụt dốc. Cuối cùng, giấc mơ về một nhãn hàng điện thoại đình đám FPT biến thành mây khói.
Bên cạnh FPT, trước sau cũng có những thiết bị số di động khác chào làng công nghệ Việt, do các đơn vị Việt Nam tuyên bố sản xuất và nêu danh. Có thể kể đến những cái tên Q-mobile, Mobiistar, Mobell, Hi-mobile, Bluefone, hay HK Phone… với quan điểm “gia công ở người, sản xuất ở mình”. Rồi VNPT cũng công bố sản phẩm điện thoại Vivas Lotus S2 mới, công bố mẫu mã hoàn toàn do Việt Nam sản xuất, thay thế cho những mẫu cũ một thời lấy về từ... các nhà máy Trung Quốc gia công.
Không ít điện thoại thương hiệu Việt đã được tung ra, đề rồi... èo uột!
Tổng hòa những thông tin sản phẩm thị trường ấy, có thể nói, thị trường điện thoại di động từ lâu đã là ước mơ của các đơn vị công nghệ Việt. Gần như ai cũng cảm nhận rõ cơ hội có thể nắm bắt, khi đặt chân vào mảng thị trường này. Nên cứ hễ có dự án đầu tư, có kế hoạch phát triển, thì các đơn vị công nghệ Việt lại đua tranh tham gia thị trường này.
Song, không đơn giản để mọi hoạch định phát triển đều thu về kết quả tốt.
Giới công nghệ đã chỉ ra, việc đối chọi của các nhãn hàng điện thoại Việt thực chất không hề xảy ra với nhau, mà là với những nhãn hàng quốc tế, như Apple, Samsung, Nokia... Chất lượng các sản phẩm này, đang được người tiêu dùng Việt Nam cảm nhận hàng ngày hàng giờ, với những chiếc điện thoại trên tay họ. Bản thân những nhãn hàng ấy, cũng đã ăn sâu vào tâm lý tiêu dùng của chính người Việt Nam, đến trẻ con cũng nhớ !
Để vượt được rào cản này, điện thoại Việt ít nhất phải có 2 điều kiện.
Thứ nhất, mạng lưới phân phối, chăm sóc khách hàng, cổ vũ sản phẩm thật sự phải đầu tư đồng bộ nghiêm túc. Đáng tiếc, đây lại chính là khâu kém ở các điện thoại thương hiệu Việt. Ngay với VNPT, một thời đưa ra những chiếc điện thoại danh tiếng Việt Nam, nhưng hệ thống chăm sóc khách hàng lại rất rời rạc. Nhiều khách hàng “đã lỡ mua” điện thoại VNPT không thể kết nối được với trạm bảo hành nào, khi tập đoàn này “đẩy” trách nhiệm “lo cho Thượng đế” ra cho một số đại lý tư nhân, còn toàn bộ hệ thống VNPT sẵn sàng trả lời... “không biết”.
BPhone liệu có "đình đám" ra mắt như Viva VNPT ngày nào? (Ảnh tư liệu)
Thứ hai, thực chất giá trị sáng tạo trong sản xuất điện thoại Việt có được là bao nhiêu? Đối diện điều này, hầu như người tiêu dùng Việt Nam lắc đầu “không thể tin tưởng”. Vô vàn ý kiến khen chê đã và đang tồn tại trên mọi diễn đàn công nghệ Việt, đều “không ủng hộ nổi” các sản phẩm “alo Việt Nam”. Đến mức VNPT mới đây công bố sản phẩm mới hoàn toàn do tập đoàn này sản xuất, và BKAV khẳng định những “thông tin đỉnh” với chiếc BPhone sắp ra mắt, sự đáp trả của cộng đồng tiêu dùng là... phì cười !
Bởi vậy, với những dữ liệu trao đổi, phát biểu “hầm hố” về sản phẩm sáng tạo hoàn toàn do khối óc và bàn tay các kỹ sư Việt làm ra, vận dụng những linh kiện thiết bị tốt nhất trên thế giới nhưng được sản xuất đúng mẫu thước tính toán của BKAV, người tiêu dùng biết rõ tập đoàn này đang “đánh một canh bạc” ra sao. Nếu thật sự có được một sản phẩm “đỉnh điểm, hơn cả Apple và Samsung”, BKAV sẽ “tự tỏa sáng”. Cầm bằng không, chỉ là một phiên bản di động “na ná” các nhãn hàng khác, BPhone sẽ mang lại đại họa cho BKAV khi uy tín và danh dự “tan bóng xà phòng”.
Rõ ràng đối diện với những câu chuyện như FPT làm điện thoại, BKAV tất nhiên không dám “nổ” xô bồ. Cộng đồng xã hội, vì thế sẽ phải quan sát tiếp và dõi theo tiếp những động thái của nhà sản xuất công nghệ này.
Thứ hai, thực chất giá trị sáng tạo trong sản xuất điện thoại Việt có được là bao nhiêu? Đối diện điều này, hầu như người tiêu dùng Việt Nam lắc đầu “không thể tin tưởng”. Vô vàn ý kiến khen chê đã và đang tồn tại trên mọi diễn đàn công nghệ Việt, đều “không ủng hộ nổi” các sản phẩm “alo Việt Nam”. Đến mức VNPT mới đây công bố sản phẩm mới hoàn toàn do tập đoàn này sản xuất, và BKAV khẳng định những “thông tin đỉnh” với chiếc BPhone sắp ra mắt, sự đáp trả của cộng đồng tiêu dùng là... phì cười !
Bởi vậy, với những dữ liệu trao đổi, phát biểu “hầm hố” về sản phẩm sáng tạo hoàn toàn do khối óc và bàn tay các kỹ sư Việt làm ra, vận dụng những linh kiện thiết bị tốt nhất trên thế giới nhưng được sản xuất đúng mẫu thước tính toán của BKAV, người tiêu dùng biết rõ tập đoàn này đang “đánh một canh bạc” ra sao. Nếu thật sự có được một sản phẩm “đỉnh điểm, hơn cả Apple và Samsung”, BKAV sẽ “tự tỏa sáng”. Cầm bằng không, chỉ là một phiên bản di động “na ná” các nhãn hàng khác, BPhone sẽ mang lại đại họa cho BKAV khi uy tín và danh dự “tan bóng xà phòng”.
Rõ ràng đối diện với những câu chuyện như FPT làm điện thoại, BKAV tất nhiên không dám “nổ” xô bồ. Cộng đồng xã hội, vì thế sẽ phải quan sát tiếp và dõi theo tiếp những động thái của nhà sản xuất công nghệ này.
Theo Bizlive