Từ bỏ mạng xã hội là quyết định sáng suốt của Apple

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Apple nói không với mạng xã hội, tránh xa các rắc rối về tin giả, lạm dụng dữ liệu người dùng.

Lược dịch bài viết của tác giả Jonny Evans trên Computer World, đánh giá về việc Apple rút khỏi thị trường mạng xã hội từ 8 năm trước.

Nhiều quyết định của Apple ban đầu bị chỉ trích nặng nề nhưng cuối cùng lại trở nên hợp lý theo thời gian, chẳng hạn như phát triển AI trên di động, bỏ cổng kết nối tai nghe hay khai tử Ping.

Các nền tảng mạng xã hội đang chệch hướng so với mục đích ban đầu. Ảnh: Computer World.

Các nền tảng mạng xã hội đang chệch hướng so với mục đích ban đầu. Ảnh: Computer World.

Trong thời điểm có quá nhiều vấn đề liên quan đến các nền tảng mạng xã hội khiến Google, Facebook, Twitter và một số ông lớn công nghệ khác phải đau đầu, người ta mới nhận ra quyết định rút chân khỏi thị trường này của Apple là bước đi thông minh.

Thất bại hóa thành công

Ra mắt vào năm 2010, bộ phận tiếp thị của Apple đã giới thiệu Ping như một “mạng xã hội dành cho âm nhạc”. Công ty hy vọng hợp tác với Facebook trong lĩnh vực này, nhưng CEO Steve Jobs cho biết đối tác muốn các điều khoản mà ông coi là "khó chịu".

Thay vì phát triển bằng mọi giá, Apple dần quên đi dự án có rất ít người dùng này, sau cùng đóng cửa nó và để lại hàng loạt mâu thuẫn với Facebook. Không ngạc nhiên khi Ping chưa bao giờ trở thành một mạng xã hội sôi động.

Ping chết yểu hóa ra là may mắn của Apple. Ảnh: iMore.

Ping chết yểu hóa ra là may mắn của Apple. Ảnh: iMore.

Tưởng chừng đây là thất bại muối mặt của Táo khuyết, hóa ra lại là một điều tuyệt vời.

Giờ đây, Apple không phải đối mặt với hàng loạt thách thức mà các công ty truyền thông xã hội đang gặp. Bản chất kết nối của những không gian này bị phá hoại bởi những kẻ xấu vì lợi ích riêng.

“Các nền tảng và thuật toán hứa hẹn cải thiện cuộc sống của chúng ta có thể phóng đại những khuynh hướng tồi tệ nhất của con người”, Tim Cook lưu ý đến mặt tiêu cực của mạng xã hội trong bài phát biểu vào năm 2018.

“Những kẻ xấu và thậm chí cả các chính phủ đã lợi dụng lòng tin của người dùng để gây chia rẽ sâu sắc, kích động bạo lực, làm suy yếu ý thức chung của chúng ta sự đúng sai. Cuộc khủng hoảng này là có thật. Không phải tưởng tượng, phóng đại hoặc điên rồ”.

Dường như CEO Apple đã dự đoán được những gì xảy ra trong thời điểm hiện tại.

Tự do và trách nhiệm

Sự cân bằng giữa quyền tự do và trách nhiệm đối với việc sử dụng mạng xã hội sẽ là cuộc thảo luận trọng tâm trong thời gian tới.

Cần có quy định thống nhất trong vấn đề sử dụng mạng xã hội. Ảnh: India Times.

Cần có quy định thống nhất trong vấn đề sử dụng mạng xã hội. Ảnh: India Times.

Khó tránh khỏi các ý kiến trái chiều nhưng cuối cùng chúng ta phải tìm ra và xây dựng sự đồng thuận quanh những vẫn đề lớn. Trong tương lai, cần có những quy định thống nhất về mạng xã hội.

Ủy viên thị trường nội bộ của Ủy ban châu Âu, cựu giáo sư Harvard, Thierry Breton, mô tả sự kiện gần đây ở Mỹ như “khoảnh khắc 11/9 trên mạng xã hội”.

“Những ngày qua đã cho thấy chúng ta không thể chỉ đứng yên và dựa vào thiện chí của những nền tảng này. Cần đặt ra luật lệ, tổ chức không gian kỹ thuật số với các quyền, nghĩa vụ và biện pháp bảo vệ rõ ràng. Chúng ta cần khôi phục niềm tin trong không gian kỹ thuật số. Đó là vấn đề sống còn của các nền dân chủ trong thế kỷ 21”, Breton nói.

Ít nhất một CEO công nghệ tán đồng với ý tưởng này. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Time 100 vào năm 2019, Cook nói:

“Tất cả chúng ta đều cần trung thực về mặt trí tuệ và phải thừa nhận rằng những gì đang làm không hiệu quả. Công nghệ cần được điều chỉnh”.

Theo Zing