|
Khu đất số 2-4-6 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. HCM hiện là trụ sở của Seaprodex (Nguồn: SEA) |
Theo đó, ông Ngô Minh Anh đã hoàn tất việc bán ra hơn 25,1 triệu cổ phiếu SEA, tương đương 20,1% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, triệt thoái vốn khỏi Seaprodex.
Cùng ngày 4/6, một cổ đông cá nhân khác là ông Nguyễn Văn Hùng đã mua vào 24,9 triệu cổ phiếu SEA, nâng tỷ lệ sở hữu tại Seaprodex lên mức 19,97%.
Trước đó, ông Hùng không nắm giữ cổ phiếu SEA. Do vậy, nhà đầu tư này nhiều khả năng đã mua vào lượng lớn cổ phần từ ông Ngô Minh Anh để trở thành cổ đông lớn của Seaprodex.
Trong ngày 4/6, cổ phiếu SEA được giao dịch khớp lệnh gần 25,44 triệu đơn vị, với giá bình quân là 15.040 đồng/cổ phần, tương ứng với tổng giá trị hơn 382 tỷ đồng.
Ông Ngô Minh Anh là nhà đầu tư đã nhận chuyển nhượng toàn bộ 20,1% vốn Seaprodex từ CTCP Nova Bắc Nam 79 (nay là CTCP Đầu tư và Phát triển Chấn Phong) - một pháp nhân có liên quan tới Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”).
Về cá nhân vừa đăng ký mua 17,3 triệu cổ phiếu Seaprodex |
Liên quan tới khoản vay này, ngày 13/6/2019, trong bản án phúc thẩm số 346/2019/HS-PT, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã ra quyết định buộc Seaprodex nộp số tiền 250 tỷ đồng (tiền gốc) và 18,4 tỷ đồng (tiền lãi) đã vay của CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 cho Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền để bảo đảm cho việc thi hành án đối với nghĩa vụ của pháp nhân, trách nhiệm của bị cáo Phan Văn Anh Vũ. Tuy nhiên, Seaprodex vẫn chưa nộp tiền theo quyết định này.
Về khu đất 2-4-6 Đồng Khởi, tính đến cuối năm 2019, Seaprodex chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện triển khai dự án xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bắt đầu ghi nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 2-4-6 Đồng Khởi vào khoản mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang, với giá trị hơn 626,9 tỷ đồng.
|
Seaprodex vẫn nuôi tham vọng địa ốc tại khu "đất vàng" 2-4-6 Đồng Khởi
|
Ngoài ông Nguyễn Văn Hùng, Seaprodex còn có 2 cổ đông lớn khác là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Công ty TNHH Bất động sản Anh Tú với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 63,38% và 13,4% vốn điều lệ.
Sau khi nhận chuyển giao số cổ phần chi phối tại Seaprodex từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, SCIC đã tích cực đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu, bao gồm cả việc ứng dụng công nghệ trong quản trị.
Cụ thể, trong năm 2019, HĐQT Seaprodex đã tiến hành 41 cuộc họp (4 cuộc họp trực tuyến) cũng như lấy ý kiến các Thành viên HĐQT trên hệ thống online office (văn phòng điện tử) để ban hành các nghị quyết, quyết định thông qua các nội dung công việc.
Quá trình tái cơ cấu Seaprodex sẽ tiếp tục được đẩy mạnh sau khi tổng công ty này có HĐQT mới, nhiệm kỳ 2020 - 2024, với 5 thành viên, do ông Nguyễn Anh Tuấn làm Chủ tịch HĐQT.
Bên cạnh các hoạt động kinh doanh cốt lõi, trong năm đầu của nhiệm kỳ, HĐQT Seaprodex sẽ tập trung hoàn thiện pháp lý sử dụng đất, đầu tư dự án để đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả đối với loạt cơ sở nhà đất tại: Số 2 Ngô Gia Tự, Số 7 Nơ Trang Long, Số 80 Thùy Vân, Số 211 Nguyễn Thái Học, Số 97/6 Kinh Dương Vương và cơ sở nhà đất tại số 2-4-6 Đồng Khởi, 21 Ngô Đức kế.
Riêng trong năm 2020, Seaprodex tiếp tục hoàn thiện pháp lý sử dụng đất và thủ tục đầu tư để triển khai dự án tại Khu đất số 78-80-82 Thùy Vân (Tp. Vũng Tàu) và Khu đất số 7 Nơ Trang Long (Tp. Hồ Chí Minh). Theo phân kỳ đầu tư, tổng mức đầu tư dự kiến cho 2 dự án này năm 2020 là 41,5 tỷ đồng. Trong khi đó, cả 7 dự án của Seaprodex có tổng mức đầu tư dự kiến là 2.243,36 tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư lớn nhiều khả năng sẽ khiến Seaprodex phải huy động thêm nguồn lực từ các cổ đông, đặc biệt là từ cổ đông nắm quyền chi phối như SCIC.
Tuy nhiên, SCIC lại đang có kế hoạch thoái vốn tại Seaprodex trong năm 2020, điều này sẽ mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư tư nhân quan tâm tới doanh nghiệp này./.