Từ 1/1/2017, Hải Phòng sẽ thu phí mọi loại hàng XNK qua cảng

Từ ngày 1/1/2017, Hải Phòng sẽ triển khai thu phí đối với các loại hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cảng biển của thành phố. Trước đó, từ tháng 12/2013, Hải Phòng đã thu phí đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh (năm 2016 ước thu phí từ 2 loại hàng hóa này được 750 tỷ đồng).
Ảnh minh họa

Lợi ngân sách thành phố

Cụ thể, từ ngày 1/1/2017, Hải Phòng sẽ triển khai thu phí đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu có sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển của thành phố.

Đây là Đề án của UBND TP Hải Phòng đã được thông qua tại kỳ họp thứ 3 HĐND khóa XV của Tp Hải Phòng vừa qua. Trước thời điểm thông qua Đề án này, Hải Phòng đã triển khai thu phí đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh từ tháng 12/2013 (năm 2016 ước thu phí từ 2 loại hàng hóa này được 750 tỷ đồng) nhưng chưa thu phí đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Mức phí áp dụng đối với hàng xuất nhập khẩu là : 250.000 đồng/container 20 feet , 500.000 đồng/container 40 feet và thu 20.000đồng/tấn đối với hàng lỏng, rời.

Theo tính toán của Đề án, nếu tổng sản lượng hàng hóa qua cảng biển Hải Phòng năm 2017 - ước bằng năm 2016 là 80 triệu tấn, thì trong năm 2017, Hải Phòng sẽ thu được 1 khoản phí khoảng 1.500 tỷ đồng, bao gồm cả phí thu từ hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh và hàng xuất nhập khẩu.

Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Sở Tài chính Hải Phòng cho biết, đây là mức thu phí mới theo qui định tại Luật phí và lệ phí, nhằm bổ sung cho ngân sách thành phố để tiếp tục đầu tư, duy tu, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, tiện ích công cộng sau cảng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cảng biển Hải Phòng. Thành phố Hải Phòng đã giao cho UBND quận Hải An là đơn vị trực tiếp đứng ra tổ chức, thực hiện công tác thu phí, tỷ lệ trích để lại cho cơ quan tổ chức thu phí là: quận Hải An 5%, Cục Hải quan Hải Phòng 4%, các Sở, ngành liên quan 1%, 90% còn lại nộp vào ngân sách Thành phố.

Hại túi tiền doanh nghiệp

Trước thông tin này, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu đều cho rằng mức phí thu đối với hàng xuất nhập khẩu mà Hải Phòng đưa ra là khá cao, vì hiện nay các đơn vị này đã phải đóng các loại phí như: phí, lệ phí hàng hải, phí bốc xếp, bến bãi, phí BOT đường bộ, thuế XNK…cho nhà nước và cho doanh nghiệp để xử dụng hạ tầng hàng hải, hạ tầng giao thông thủy, bộ… mà những hạ tầng này cũng nằm trên địa bàn Hải Phòng, nhưng đang được đầu tư bởi ngân sách nhà nước và nguồn vốn của các doanh nghiệp, nếu phải chi thêm theo mức phí này các chủ hàng sẽ phải trả thêm 1 khoản phí gần  bằng cước phí bốc xếp (từ tàu lên bãi cảng hoặc từ tàu lên xe ô tô).

Ông Trần Duy Phúc - Giám đốc cảng Vật Cách cho biết, hiện cước phí bốc xếp hàng rời(hàng nội địa), cảng này thu từ 18.000 – 26.000đ/tấn(tùy theo chủng loại hàng). Còn theo khảo sát tại 1 số cảng khác, phí 1 lần tác nghiệp bốc xếp (từ tàu, lên bờ xếp hạ vào bãi, hoặc lên ô tô) 1 container 40 feet cho hàng xuất nhập khẩu dao động trên dưới 1000.000đ/container.

Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh cảng lo ngại rằng, nếu mức phí này không có sự thống nhất giữa các địa phương trong khu vực cùng có cảng biển thì các khách hàng của họ sẽ đi sang địa phương khác để bốc dỡ hàng hóa, mặt khác, nếu việc triển khai thực hiện việc thu phí không được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, dễ dẫn đến tình trạng ách tắc hàng hóa tại các cảng, có thể phát sinh ra tiêu cực…

Theo ông Phí Văn Dực – Giám đốc Chi nhánh VCCI khu vực duyên hải Bắc Bộ - việc đóng góp với nhà nước, địa phương là nghĩa vụ, trách nhiệm của các doanh nghiệp, tuy nhiên, trước khi ban hành 1 qui định mới, các địa phương cần tham khảo các thông tin liên quan như: tham khảo từ các thông lệ quốc tế, từ các địa phương trong nước có cảng biển, đặc biệt cần tham khảo ý kiến của các đối tượng bị điều chỉnh bởi qui định đưa ra, đồng thời cần có lộ trình để các doanh nghiệp có sự chuẩn bị.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đối với loại hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh mà Hải Phòng đã triển khai từ trước thì có thể sẽ áp thu theo mức của đề án. Riêng phí thu đối với hàng xuất nhập khẩu, các địa phương cần xem xét, cân nhắc đưa ra mức phí sao cho hợp lý để đảm bảo tính hài hòa lợi ích trong phát triển, địa phương thì vẫn có thêm nguồn thu, doanh nghiệp vẫn đảm bảo được năng lực cạnh tranh và họ không  bị mặc cảm mình là “con bò sữa”.

Theo TBKTVN