Bộ Tài chính mới đây đã ban hành Thông tư 331/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 256/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân.
Thông tư 331 quy định, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân phải nộp lệ phí thẻ Căn cước công dân theo quy định tại Thông tư này.
Một nội dung mới đáng chú ý của Thông tư 331 là quy định sửa đổi, bổ sung các trường hợp miễn, không phải nộp lệ phí.
Cụ thể, các trường hợp được miễn lệ phí gồm: Đổi thẻ Căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính; Đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật; Đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.
Thông tư 331 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/2/2017 và được áp dụng đối với hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân nộp cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 26 Luật Căn cước công dân từ ngày 1/1/2017.
Theo Luật Căn cước công dân, thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
Trong thời gian tới, sau khi hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư được đưa vào khai thác, sử dụng, chỉ với duy nhất thẻ Căn cước công dân, người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính, thay vì phải xuất trình nhiều loại giấy tờ, sao y, công chứng… như hiện nay.